LTS: Trong các phong trào, cuộc thi ở các trường hoặc trong đợt tập huấn nghiệp vụ bắt buộc phải có các chuyên viên hướng dẫn, chỉ đạo giáo viên.
Năng lực, trình độ của đội ngũ này ảnh hưởng trực tiếp đến tính công bằng của các cuộc thi cũng như sự phát triển nghiệp vụ của những người thầy hàng ngày đứng lớp.
Tuy nhiên, bàn về vấn đề này, cô giáo Đỗ Quyên đưa ra nhận xét rằng, hiện nay không hiếm những cán bộ chưa một lần đứng lớp, thiếu hụt kĩ năng nghiệp vụ cũng được đưa lên làm chuyên viên trực tiếp chỉ đạo chuyên môn, gây bức xúc không nhỏ và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Nếu như Ban giám hiệu các trường học trước khi được đề bạt lên làm lãnh đạo thường là những giáo viên dạy giỏi, có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy thì một số chuyên viên trực tiếp chỉ đạo về chuyên môn ở các Phòng, Sở Giáo dục lại có người chưa qua thực tế giảng dạy một ngày nào.
Không ít người vừa học xong lớp Sư phạm vì một lý do nào đấy đã được nhận vào Phòng, Sở phụ trách ngay mảng chuyên môn của các trường.
Thế là “một bước lên bà”, họ nghiễm nhiên có quyền ra lệnh, chỉ đạo cấp dưới phải dạy thế này hoặc không được dạy thế khác hoàn toàn theo ý kiến chủ quan của mình đưa ra mà xa rời thực tế.
Một tiết thao giảng có giáo viên dự giờ (Ảnh: thanhnien.vn). |
Chẳng hạn, theo sáng kiến của những vị chuyên gia giỏi lý thuyết, giáo viên phải thoát li khỏi chiếc bảng lớp.
Thầy cô phải tập cho học sinh cách hiểu, cách tư duy để các em tự học, tự sáng tạo, giáo viên không thể làm thay các em.
Những kiến thức khó học sinh chưa hiểu, thầy cô cũng chỉ được phép tổ chức cho học sinh tương tác với nhau để tìm ra vấn đề chứ không phải kiểu dạy thầy hỏi, trò trả lời như trước đây.
Là giáo viên đang hàng ngày đứng trên bục giảng, ai cũng hiểu những điều này khó mà thực hiện, trừ trường chuyên lớp chọn.
Nhiều học sinh, dù giáo viên đã giảng đi giảng lại một kiến thức rất nhiều lần nhưng vẫn không nhớ được vào đầu.
“Mớm bài” cho trò và những bài giảng mang danh hão! |
Lại có những người chưa một ngày đứng lớp, chưa có một tiết dạy đúng nghĩa nay trở thành chuyên viên bỗng chốc ngồi ghế giám khảo nắm quyền “sinh sát” trong tay.
Giáo viên dự thi nhiều khi chẳng lo vì kiến thức mình non kém, không đủ kinh nghiệm giảng dạy, ứng xử với tình huống bất ngờ mà chỉ lo những góp ý “trên trời” xa rời thực tế của những vị chuyên viên ưa cãi lý.
Dạy xong, nhiều thầy cô hồi hộp trông chờ, nhìn sắc mặt Ban giám khảo để đoán biết mình xếp loại gì, đạt hay đã rớt.
Công bằng mà nói, những vị chuyên viên này lại giỏi lý thuyết nên họ nói rất hay với những ai không am hiểu thực tế sẽ thấy rất uyên thâm và logic. Còn với giáo viên lại ít mang tính thuyết phục bởi nếu đem những điều họ nói áp dụng vào thực tế giảng dạy cho học sinh trên lớp thì khó mà mang lại chất lượng cao.
Khổ nỗi, họ là cấp trên, mọi chỉ đạo xuống cấp dưới chỉ biết lắng nghe và phục tùng. Bởi thế, dù biết là không khả thi, khó thực hiện nhưng Ban giám hiệu các trường cũng buộc giáo viên phải vận dụng và làm theo một cách triệt để.
Nỗi ám ảnh mang tên “Phòng về" |
Giáo viên áp dụng những chỉ đạo ấy vào thực tế giảng dạy không đạt nhưng sợ bị đánh giá không biết dạy, yếu chuyên môn, không chịu học hỏi và như thế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc xếp loại thi đua các giáo viên.
Để bảo vệ mình, nhiều giáo viên buộc sinh ra nhiều cách làm mang tính đối phó… và chuyện gài bài, mớm câu trả lời, tập dượt đến nhuần nhuyễn những tiết thao giảng, dự giờ cũng bắt nguồn từ đây.
Đổi mới giáo dục, chỉ đổi mới về phương pháp dạy học thôi chưa đủ, cũng cần đổi mới, thanh lọc những cán bộ, giáo viên chưa đủ năng lực chỉ đạo chuyên môn để những phát biểu của họ phù hợp với thực tiễn dạy và học ở các trường hiện nay.