LTS: Hàng năm, ở mỗi trường đều học có những đợt kiểm tra chuyên môn từ các cấp. Bàn về vấn đề thanh tra của Phòng tại trường học, Thạc sĩ Trương Khắc Trà đã có bài viết thể hiện quan điểm của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Nếu ai đã kinh qua những năm tháng trung học, nhất là cấp I, cấp II sẽ ít nhất một lần nếm trải cảm giác lo lắng, hoang mang mỗi khi cô chủ nhiệm hay đích thân thầy Hiệu trưởng thông báo “trường ta sắp đón Phòng về”.
Phòng ở đây tức là Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp quận, huyện - đơn vị quản lý chuyên môn các trường Tiểu học và Trung học Cơ sở.
Câu trả lời trong bài học đã được cô giáo “mớm” trước cho học sinh (Ảnh: thanhnien.vn). |
Trong ký ức còn sót lại, Phòng là một khái niệm khá mơ hồ.
Thực tế, học sinh cũng chẳng cần quan tâm xem Phòng là ai, để làm gì.
Mãi đến sau này mới hiểu được “Phòng về” là đợt kiểm tra định kỳ về chuyên môn thậm chí còn cắt cử cán bộ dự giờ ngay tại lớp học.
Và câu chuyện dự giờ tại lớp cũng làm xuất hiện vô vàn những vấn đề tuy lặt vặt nhưng nó phản ánh một góc tối nào đó của nền giáo dục vốn nặng thành tích, hình thức, thi thố…
Những ngày trước khi “Phòng về” là khoảng thời gian vô cùng bận bịu của giáo viên chủ nhiệm, đặc biệt là giáo viên trực tiếp giảng dạy tiết có cán bộ phòng dự giờ.
“Mớm bài” cho trò và những bài giảng mang danh hão! |
Bài giảng được đầu tư công phu, có hình ảnh minh họa, màn giới thiệu rồi những tràng vỗ tay đã được quán triệt.
Dĩ nhiên tất cả học sinh – những cái đầu thơ dại không hề biết được cô giáo và nhà trường làm như vậy để làm gì, chỉ biết ngồi im thin thít nghe cô giáo triển khai từng đề mục.
Rất nhiều trường hợp câu hỏi trả bài, câu hỏi trong bài học đã được cô giáo “mớm” trước, tất nhiên câu trả lời sao cho “êm tai” nhất, chuẩn nhất đã được biên soạn và tập dượt kỹ càng.
Giáo viên cũng thường chỉ chọn ra vài đứa học giỏi nhất lớp để “gửi vàng”, không hiếm trường hợp tại buổi thao giảng nhiều học sinh yếu kém được… cho nghỉ!
Cả tiết học, cô và trò đều căng như dây đàn, học sinh ngồi im phăng phắc thậm chí không dám thở mạnh hay quay sang nhìn đứa bạn bên cạnh mình, nhưng có lẽ khổ nhất vẫn là giáo viên, phải gắng gượng thao tác sao cho đúng mô phạm.
Những bài giảng kiểu như vậy, chúng tôi đã thuộc nằm lòng từng câu từng chữ, kể ra nếu tiết dạy nào cũng sinh động như vậy thì chất lượng giảng dạy đã khác, nhưng tiếc thay đó chỉ là những “quân bài” tủ tay áo để lòe mỗi khi “Phòng về”.
Thực ra những bài giảng như vậy cũng chẳng nói lên được điều gì vì tất cả như một màn kịch mà khán giả là đều là những diễn viên, phía các giáo viên dự giờ cũng thừa hiểu sự “chuẩn mực” mà mình được xem chỉ mang tính biểu diễn, không nhằm mang lại lợi ích cho học sinh.
Về phần giáo viên đứng lớp và nhà trường cũng “vã” mồ hôi vì những lần “Phòng về”, chỉ có học sinh là “quân bài” ngây thơ, trong trắng nhất trong màn kịch ấy.
"Ngáo ộp" thanh tra ở trường học!(GDVN) - Mọi năm, giáo viên phải căng sức để đối phó với các đợt thanh tra về trường. Cho nên khi có đổi mới thanh tra, giáo viên như trút được gánh nặng. |
Trẻ em đâu nghĩ được rằng tất cả chỉ là sự vẽ vời của người lớn nhằm lấp liếm những khuyết điểm, tích tụ thêm nguồn cơn cho căn bệnh thành tích trong giáo dục.
Nền giáo dục trì trệ như hiện nay có sự “đóng góp” không nhỏ từ cung cách kiểm tra và những buổi dự giờ vô thưởng vô phạt.
Hiện nay hệ thống các trường trung học ở Việt Nam vẫn tồn tại vô vàn các vấn đề như bệnh thành tích, công tác nhân sự, chế độ đãi ngộ…
Buồn thay, đến tận hôm nay, những tiết học được “dàn dựng” như những màn kịch vẫn còn tồn tại và những người có trách nhiệm vẫn đánh giá nó là chất lượng thực chất.
Có ai biết được đằng sau những tiết học như vậy là một mảng màu tối của nền giáo dục nước nhà?