Sự cố Công ty nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cung cấp nước sinh hoạt nhiễm dầu thải đã gây ảnh hưởng tới hàng vạn hộ dân ở phía Tây Hà Nội, trong đó có hàng nghìn học sinh.
Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, Ban giám hiệu một số trường học ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã buộc phải chọn giải pháp mua nước đóng bình để nấu ăn.
Việc phải chuyển sang sử dụng nước đóng bình tiêu chuẩn gây tốn kém thêm cho nhà trường cũng như các bậc phụ huynh học sinh.
Nhưng điều đáng nói ở đây là việc nhiều người dân mất niềm tin vào Viwasupco khi mà dầu thải dễ dàng đi qua hệ thống kỹ thuật của nhà máy nước.
Người dân phải trả tiền mua nước nhưng đổi lại họ được cung cấp một sản phẩm không đảm bảo an toàn và cho đến giờ dù được cho là đã an toàn thì phụ huynh vẫn rất lo lắng.
Đây là vấn đề rất đáng phải suy ngẫm vì trong đó có trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn của Hà Nội. Tại Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Anh Trí nói thẳng: "Viwasupco lấy nước từ một hồ không an toàn lộ thiên về bán cho dân dùng nhiều năm mà không một ai cảnh báo, nhắc nhở, vô cảm lâu dài đến thế là cùng".
Sức khỏe của học sinh phải được đảm bảo trước khi nghĩ đến chuyện học hành. |
Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm tại khu đô thị Mỹ Đình 2 Hà Nội với hơn 2.800 học sinh, sử dụng khối lượng nước máy mỗi tháng khoảng 1.600 m3.
Nhiều năm qua, nhà trường đã đưa vào sử dụng hệ thống kỹ thuật riêng để lọc lại nước máy được cung cấp từ nhà máy nước Sông Đà, nhằm đảm bảo sức khoẻ cho học sinh.
Trường lắp hệ thống lọc nước để bảo vệ sức khỏe học sinh, vì không yên tâm về chất lượng của Nhà máy nước sông Đà. |
Hệ thống lọc công nghiệp mà Trường Tiểu học Đoàn thị Điểm đang sử dụng có công suất gần 300 lít 1 giờ, dùng cho việc nấu ăn bán trú tại trường.
Anh Trần Hoàng, người phụ trách vận hành hệ thống lọc nước này cho biết: Đây là hệ thống lọc, xả, sục tự động và lọc suốt ngày đêm, sau đó nước qua lọc được bơm vào bể lớn. Nước qua hệ thống lọc này đã được đưa đi kiểm định đều cho ra các chỉ số an toàn.
Hệ thống bếp nấu ăn bán trú của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm sử dụng 100% nước đã được xử lý qua hệ thống lọc đảm bảo, trung bình lượng nước dùng để nấu trong 1 ngày vào khoảng 3m3.
Hệ thống máy rửa và tráng bát bằng nước sôi của nhà trường cũng sử dụng nước đã qua hệ thống lọc của trường.
Nước rửa thực phẩm của nhà trường luôn được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo an toàn về sức khỏe của các em học sinh.
Phòng Y tế của nhà trường cũng được trang bị riêng 1 hệ thống lọc nước hiện đại cho ra nguồn nước sạch đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Nước uống cho học sinh tại các lớp học của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm đều sử dụng 100% nước đóng bình của những nhà cung cấp có uy tín trên thị trường.
Trường Lômônôxốp cũng nằm trong khu đô thị Mỹ Đình 2 (Hà Nội) với hơn 4.200 học sinh và hơn 300 cán bộ giáo viên, lượng nước sạch sử dụng trong 1 tháng vào khoảng 1.700 m3 cung cấp từ nhà máy nước Sông Đà. Mức phí nước sạch là 23.000 đồng/1m3 cộng thêm 10% phí nước thải theo quy định.
Từ lâu nhà trường đã sử dụng hệ thống kỹ thuật lọc lại nước cung cấp từ Nhà máy nước sông Đà. Nước lọc từ hệ thống này được sử dụng để phục vụ việc rửa rau, sinh hoạt và phục vụ toàn bộ các khu vệ sinh của nhà trường.
Nấu ăn phục vụ học sinh bán trú và các cán bộ, giáo viên của nhà trường đều được sử dụng nước đóng bình để đảm bảo, không sử dụng nguồn nước máy Sông Đà.
Mỗi tháng nhà trường dùng hết khoảng 1.500 bình nước lọc để phục vụ riêng vào việc nấu ăn cho học sinh.
Thầy Nguyễn Phú Cường cho biết, nhà trường luôn phải sử dụng nguồn nước sạch đáng tin cậy để phục vụ nấu ăn cho học sinh. |
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxốp Hà Nội, cho biết: Tôi vẫn chưa có cở sở nào để tin rằng nước từ nhà máy nước Sông Đà đã đảm bảo, một bản xét nghiệm mà thành phố đưa ra có vài chỉ số thì chưa nói lên được điều gì, trong khi Ban phụ huynh của nhà trường mang nước đi xét nghiệm có đến 28 chỉ số.
Nước uống sử dụng cho học sinh tại các lớp học đều được nhà trường sử dụng loại nước đóng bình đảm bảo trên thị trường.