Thầy cô đừng nóng vội mất tiền oan, nhà nước sẽ có lộ trình nâng chuẩn giáo viên

03/12/2019 06:11
Phan Tuyết
(GDVN) - Với những giáo viên đang giảng dạy nhưng chưa đạt chuẩn trình độ theo quy định mới sẽ được đào tạo, bồi dưỡng để nâng chuẩn theo lộ trình.

Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu "Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm".

Cán bộ quản lý, giáo viên khối phòng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh tham gia tập huấn nghiệp vụ công tác giáo dục (Báo Lạng Sơn).
Cán bộ quản lý, giáo viên khối phòng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh tham gia tập huấn nghiệp vụ công tác giáo dục (Báo Lạng Sơn).

Luật Giáo dục 2019 cũng quy định rõ: “Giáo viên mầm non: Phải có bằng cao đẳng sư phạm (trước chỉ cần bằng trung cấp sư phạm);

- Giáo viên tiểu học: Phải có bằng cử nhân sư phạm (trước chỉ cần bằng trung cấp sư phạm);

- Giáo viên trung học cơ sở: Phải có bằng cử nhân sư phạm (trước chỉ cần bằng cao đẳng sư phạm hoặc bằng cao đẳng ngành khác nhưng có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm);

- Giáo viên trung học phổ thông: Phải có bằng cử nhân sư phạm (trước đây có bằng đại học ngành khác và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cũng được chấp nhận).

Mặc dù còn hơn 10 tháng nữa Luật Giáo dục 2019 mới bắt đầu có hiệu lực, thế nhưng ngay từ bây giờ, không ít trường đại học đã “đi tắt đón đầu” mở lớp chiêu sinh chuẩn hóa giáo viên có bằng trung cấp, cao đẳng lên bằng đại học.

Nhiều trường đại học đã tranh thủ thời cơ

Hiện có khá nhiều trường đại học trong cả nước mở lớp chiêu sinh đối tượng là giáo viên đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng sư phạm.

Thầy cô đừng nóng vội mất tiền oan, nhà nước sẽ có lộ trình nâng chuẩn giáo viên ảnh 2
Địa phương đi trước trong nâng chuẩn giáo viên lại bị...tuýt còi

Hình thức học vô cùng đa dạng như vừa học vừa làm, tại chức, từ xa. Thời gian học đại học từ xa và đại học tại chức thường được tổ chức vào 2 tháng hè hằng năm.

Đại học vừa học, vừa làm thường học vào 2 ngày thứ 7 và chủ nhật trong tuần.

Nếu giáo viên có bằng trung cấp học đại học phải mất từ 2.5-3 năm, có bằng cao đẳng mất từ 1.5-2 năm.

Thời gian quy định chỉ để thu học phí, thời gian này cũng sẽ được rút ngắn trong quá trình học.

Để đăng ký đi học, giáo viên phải tốn không ít tiền từ tiền phí nhận hồ sơ 100 ngàn đồng/bộ, phí xét tuyển 200 ngàn đồng/hồ sơ.

Tiền học phí tùy thuộc từng trường nhưng ít nhất cũng khoảng 3 triệu đồng/năm. Ngoài ra, còn tiền nhà trọ (với học viên ở xa), tiền ăn, tiền tàu xe…3 năm học mất đứt vài chục triệu đồng.

Vì nôn nóng, vì lo sợ không đủ chuẩn sẽ bị sa thải, không ít thầy cô giáo đã vay mượn tiền đăng ký đi học đại học tại chức, từ xa, vừa học vừa làm đã gây tốn kém về tài chính, khiến cho đời sống của một bộ phận giáo viên đã khó khăn càng khó khăn hơn.

Sẽ có lộ trình chuẩn hóa

Khoản 2 Điều 72 của Luật Giáo dục 2019 chỉ rõ: “Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở…”.

Điều này có nghĩa là, với những giáo viên đang giảng dạy nhưng chưa đạt chuẩn trình độ theo quy định mới sẽ được đào tạo, bồi dưỡng để nâng chuẩn theo lộ trình

Thầy cô đừng nóng vội mất tiền oan, nhà nước sẽ có lộ trình nâng chuẩn giáo viên ảnh 3
Đây có phải là lần nâng chuẩn trình độ cuối cùng của giáo viên?

Thông tin từ đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, có khoảng 400.000 - 500.000 giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên tổng số 1,2 triệu giáo viên phải tham gia các khóa đào tạo lại để nâng chuẩn trình độ.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, sẽ chỉ đạo các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo lại để nâng chuẩn trình độ giáo viên từ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm lên đại học trong thời gian khoảng 5 năm.

Đối với những giáo viên chưa đạt trình độ đại học còn thời gian công tác từ 1 đến dưới 5 năm, các địa phương phối hợp với các trường sư phạm tổ chức các khóa bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực dạy học để đáp ứng yêu cầu đổi mới theo các chuyên đề phù hợp.{1}

Đây không phải là lần đầu tiên ngành giáo dục thực hiện việc nâng chuẩn cho số lượng lớn giáo viên.

Nhiều năm về trước, do thiếu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở nên giáo viên ra trường chỉ có trình độ 7+3; 9+3; 12+1; 12+2; 12+6 tháng…

Để chuẩn hóa cho các đối tượng này, hằng năm các địa phương đã mời giảng viên tại một số trường đại học về tại địa phương giảng dạy. Thầy cô vừa không phải nộp tiền học phí, vừa không phải đi học nơi xa.

Điều này đã giúp giáo viên không tốn kém gì khi đi học chuẩn hóa. Bởi thế, giáo viên cũng đừng lo lắng, nôn nóng để đăng ký đi học chuẩn hóa tự túc ngay từ bây giờ.

Tài liệu tham khảo:

https://www.tienphong.vn/giao-duc/40-giao-vien-chua-dat-chuan-giai-quyet-the-nao-1278448.tpo{1}

Phan Tuyết