Sẽ có nhiều thầy cô gặp khó khi nâng chuẩn trình độ được đào tạo của giáo viên
Một trong những điểm mới của Bộ Luật giáo dục 2019, thu hút sự quan tâm của dư luận và nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội đó chính là điều 72: Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo.
Căn cứ theo điều 72, trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo sẽ được quy định như sau:
Nỗi khổ của giáo viên học Đại học… phải nhận lương trung cấp, cao đẳng |
Đối với giáo viên mầm non: Phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên.
Trong khi đó quy định hiện hành chỉ yêu cầu có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm
Đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông: Phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.
(Quy định hiện hành yêu cầu bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên tiểu học; bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở).
Việc nâng chuẩn trình độ giáo viên là một động thái cần thiết và quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức giáo dục.
Tuy nhiên trong thời gian chờ đợi Chính phủ ban hành Nghị định: Quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Giáo viên tại nhiều địa phương vẫn lo lắng nguy cơ bị mất việc.
Nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên ảnh hưởng không nhỏ đến 35% giáo viên không đạt chuẩn (Ảnh:V.N) |
Tại huyện Đông Anh (thuộc thủ đô Hà Nội) được coi là có chất lượng mặt bằng giáo viên có trình độ cao vẫn còn có khá nhiều giáo viên không đạt chuẩn theo quy định tại điều 72 Luật Giáo dục 2019.
Cụ thể nhất là trường hợp của khối giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học. Theo đó nhiều giáo viên mầm non chỉ có bằng trung cấp; trong khi đó cũng có nhiều giáo viên tiểu học chỉ có bằng Cao đẳng.
Cô Nguyễn Thanh Thúy, giáo viên mầm non nói: “Tôi công tác tại trường được hơn 10 năm. Trước đây ra trường bằng trung cấp về trường làm việc cho đến nay.
Nếu theo quy định mới tại Luật giáo dục thì trường tôi cũng có khá nhiều giáo viên không đạt chuẩn phải có bằng cao đẳng trở lên. Trong khi đó quy định này lại rất phù hợp với những em mới ra trường.
Rõ ràng là nếu đưa vào thực tiễn chúng tôi sẽ bị mất việc. Cho nên điều này khiến chúng tôi rất lo lắng.
Mong các cơ quan ban ngành có sự hướng dẫn dành cho số đối tượng giáo viên này để ổn định công việc”.
Đại biểu Quốc hội tán thành nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tuy nhiên cần có lộ trình cụ thể (Ảnh:quochoi.vn) |
Tâm trạng của cô Thúy cũng là tâm trạng của nhiều giáo viên mầm non, tiểu học. Theo khảo sát đối với những giáo viên có thâm niên nhiều giáo viên chỉ có trình độ trung cấp.
Cái vướng mắc ở đây là hiện nay để thay thế số giáo viên này đảm bảo chuẩn trình độ đào tạo bắt buộc các trường phải tuyển số giáo viên mới.
Điều này kéo theo một sự xáo trộn nhất thời, cùng với đó là quỹ lương chi trả cho giáo viên phải tăng thêm so với hiện nay.
Tại một số địa phương, việc tuyển giáo viên hợp đồng đã khó chứ đừng nói đến tuyển giáo viên có trình độ cao đẳng, đại học hiện nay.
Lấy ví dụ tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), Huyện thực hiện tuyển dụng giáo viên hợp đồng thời vụ cũng đang gặp khó chứ đừng nói đến giáo viên có trình độ cao đẳng, đại học.
Bên cạnh đó một số chuyên gia cho rằng: Việc nâng chuẩn trình độ giáo viên dựa trên yếu tố là bằng cấp liệu có đảm bảo công bằng. Nhất là trong thời điểm vấn đề chạy bằng cấp nan giải như hiện nay.
Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) đồng tình với việc nâng chuẩn trình độ giáo viên.
Tuy nhiên bà Thảo cũng băn khoăn: “Theo định mức quy định số giáo viên mầm non còn thiếu tính đến cuối năm 2018 là trên 43.000 người, chiếm đến gần 60% trong số giáo viên cả nước còn thiếu sau khi đã được giao biên chế để tuyển dụng.
Nếu quy định không cho phép tuyển mới giáo viên mầm non ở trình độ trung cấp sư phạm sẽ gây khó khăn cho các địa phương còn đang thiếu giáo viên một cách cục bộ”. (1)
Nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên; nhiều giáo viên mất việc làm (Ảnh:L.Đ) |
Phát biểu của bà Thảo không phải là không có lý trong bối cảnh ngành sư phạm đang không thu hút được người trẻ.
Việc nâng cao trình độ chuẩn của giáo viên là cần thiết nhưng cần phải có lộ trình cụ thể.
Trước mắt là giải quyết vấn đề mưu sinh, chế độ cho số giáo viên không đạt chuẩn còn tồn đọng. Sau đó cần đảm bảo đủ nguồn cung ứng nhân lực phục vụ ngành sư phạm có trình độ cao đẳng, đại học trở nên.
Nâng chuẩn trình độ giáo viên là cần thiết nhưng cần có lộ trình phù hợp
Việc nâng chuẩn trình độ giáo viên là cần thiết nhưng không thể nào thực hiện một chốc, một lát được.
Điều này cũng được chính Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận bằng việc xây dựng lộ trình cụ thể nâng chuẩn trình độ giáo viên.
Nâng chuẩn giáo viên, tiếp tục băn khoăn về số phận 160.000 giáo viên tiểu học |
Tuy nhiên nhiều giáo viên cũng như các chuyên gia băn khoăn: Việc nâng chuẩn trình độ giáo viên đột ngột có ảnh hưởng đến việc lên lớp của 35% giáo viên chưa đạt chuẩn (theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Một vấn đề cũng rất đáng quan ngại đó chính là việc nâng chuẩn theo kiểu chạy đua bằng cấp có thể khiến giáo viên không được đánh giá đúng về mặt chuyên môn.
Thầy Nguyễn Văn Thành, giáo viên Nam Định bày tỏ: “Bộ nói rằng chống bệnh bằng cấp nhưng trong Luật giáo dục lại yêu cầu bằng Cao đẳng với giáo viên mầm non; bằng Đại học đối với giáo viên tiểu học.
Trong khi đó không thể đánh giá hết được trong đó có bao nhiêu bằng Đại học chính quy, bao nhiêu bằng tại chức, liên thông.
Nếu cứ chạy đua bằng cấp như thế này thì giáo viên còn tâm trí đâu mà bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ”.
Dưới góc độ của một vị phụ huynh, thầy Thành bày tỏ: “Tôi cho con đi học chẳng cần biết thầy giáo, cô giáo bằng cấp gì? Chỉ cần dạy giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt là được.
Nhiều vị bằng thạc sĩ nhưng giảng không bằng cả thầy giáo làng. Bộ cũng nên cân nhắc ban hành chuẩn về giáo viên giỏi.
Giáo viên giỏi là giáo viên dạy giỏi, có thành tích trong giảng dạy hay là giáo viên có bằng nọ, bằng kia”.
Nỗi lo chạy đua bằng cấp khi nâng chuẩn giáo viên (Ảnh:giaoduc.net) |
Trước việc nâng chuẩn trình độ giáo viên, nhiều thầy cô cũng mong muốn Bộ Giáo dục tạo điều kiện, nới lỏng cho bằng cách chấp nhận bằng Đại học tại chức, liên thông. Tuy nhiên điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ chạy đua bằng cấp.
Dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng, cô Nguyễn Thị Thu Hằng - Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Hướng Dương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay:
“Việc xây dựng lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo để nâng cao chất lượng giáo viên là điều cần thiết nếu muốn nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên điều mà tôi trăn trở nhất là vấn đề làm sao để nâng cao trình độ giáo viên một cách thực sự chứ không phải chỉ là vấn đề bằng trung cấp hay bằng cao đẳng.
Tôi được biết mỗi một lần tổ chức bồi dưỡng nâng chuẩn cho giáo viên, địa phương phải bố trí lớp học, mời giảng viên trường đại học về giảng dạy.
Vấn đề là có những giáo viên đã biên chế bao năm vẫn phải đi học và việc học cũng chỉ “qua loa” để lấy cái bằng.
Có lẽ chúng ta nên nhìn rộng hơn là giáo viên ở trình độ trung cấp, tất nhiên đầu vào “rất thấp” vậy, sau khi nâng chuẩn thì trình độ thì cũng không hơn được là bao.
Vậy tôi đề xuất trước tiên hãy xóa sổ việc đào tạo trung cấp, nâng cao hơn nữa đầu vào sư phạm với các trường trọng điểm. Chỉ có như thế trình độ của các thầy cô mới nâng cao được”.
Dư luận mong mỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có lộ trình cụ thể cho việc nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên (Ảnh:VOV.VN) |
Như vậy có thể thấy xung quanh chuyện nâng chuẩn trình độ giáo viên có nhiều ý kiến trái chiều.
Điều mà dư luận mong mỏi đó là Bộ xây dựng một lộ trình thực hiện tỉ mỉ, chính xác: Để làm sao đảm bảo công ăn việc làm cho những giáo viên lâu năm có trình độ; đồng thời tuyển dụng được đội ngũ giáo viên hiện đại, chính quy góp phần đưa giáo dục Việt Nam sánh vai với các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Tài liệu tham khảo:
http://dangcongsan.vn/khoa-giao/nang-chuan-trinh-do-giao-vien-can-co-lo-trinh-phu-hop-523032.html