Vì sao hiệu trưởng cứ xấu dần trong mắt giáo viên?

26/05/2019 08:11
Mai Thảo
(GDVN) - Hiệu trưởng sống mà chỉ lo thu vén cho bản thân mình sao có thể đòi hỏi giáo viên phải hết lòng với công việc?
Hiệu trưởng mẫu mực, giáo viên sẽ hết lòng trong giảng dạy ((Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Hiệu trưởng mẫu mực, giáo viên sẽ hết lòng trong giảng dạy ((Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Muốn lãnh đạo nhà trường tốt, hiệu trưởng nhà trường phải là người mẫu mực trong mọi chuyện.

Thế nhưng một số hiệu trưởng hiện nay chỉ vì lợi nhuận trước mắt đang làm xấu dần hình ảnh của mình trong mắt giáo viên.

Khi lòng tôn trọng của cấp dưới với lãnh đạo không còn thì mọi chỉ đạo của họ ít được giáo viên đồng tình ủng hộ.

Vợ chủ tài khoản chồng là đại lý bán hàng

Không ít hiệu trưởng ở các trường học hiện nay chọn cách kinh doanh bán văn phòng phẩm.

Dù là hiệu trưởng, lương cũng thấp vì thế kiếm việc làm thêm cũng là nhu cầu chính đáng.

Thế nhưng cách mà một số hiệu trưởng chọn là chủ yếu bán buôn cho chính ngôi trường của vợ (của chồng) hoặc chí ít cũng là anh em trong nhà làm hiệu trưởng.

Buôn bán kiểu này có lợi thế là mua tận gốc, bán tận ngọn khi không lo bị trả giá hay chê bai.

Bởi thế, lợi nhuận nhiều nhưng gây không ít thắc mắc cho giáo viên, cán bộ công nhân viên nhà trường (dĩ nhiên họ chỉ dám xì xào, bàn tán, chê bai ngoài hành lang).

Có đủ thứ văn phòng phẩm nhà trường cần mua ví như giấy in, phấn, giẻ lau bảng, giấy kiểm tra, mực in, sách tham khảo, sách giáo khoa, sổ chủ nhiệm, sổ dự giờ, đặc biệt là vở viết để làm phần thưởng cho học trò và một số trang thiết bị dạy học khác.

Hiệu trưởng phải là thầy giáo giỏi, một nhà quản lý có tài

Trường nhỏ, số tiền mua văn phòng phẩm hàng năm chỉ tính vài chục triệu, những ngôi trường lớn, số tiền bỏ ra mua văn phòng phẩm phải gấp nhiều lần như thế.

Một số văn thư thiết bị cho biết, nếu mua ở những nhà sách khác, mình có quyền chọn sản phẩm phù hợp với túi tiền.

Mình có thể trả giá tùy ý. Thế nhưng mua ở cửa hàng của hiệu trưởng, họ chỉ cái nào phải lấy cái ấy và giá cả bao giờ cũng đắt hơn.

Có người về so sánh cũng cuốn vở phần thưởng ấy, giống y chang nhà xuất bản, mẫu giấy…

Nhưng bên ngoài mua chỉ 6.500đ/cuốn thì cửa hàng của nhà hiệu trưởng lại bán tới 7.200đ/cuốn.

Khi giáo viên chuyển trường (có năm một trường chuyển hàng chục giáo viên), hiệu trưởng cũng gợi ý mua cặp, sổ để tặng.

Có giáo viên nói rằng mang quà về cho người khác hoặc ném vào xó vì không có nhu cầu sử dụng.

Mua bên ngoài với số lượng nhiều còn được bên bán chiết khấu lại phần trăm cho trường và cuối năm cửa hàng của họ còn tặng học sinh nghèo vài chục phần quà để giữ chân làm ăn sang năm.

Nhưng mua ở cửa hàng nhà hiệu trưởng không chỉ cao gấp vài giá, cũng không hoa hồng trích lại và cũng chẳng có quà khuyến mãi để hỗ trợ học sinh nghèo.

Về nguyên tắc, chồng hoặc vợ là chủ tài khoản mà mua hàng của gia đình là vi phạm về quản lý thu chi tài chính.

Thế nhưng chẳng ai dám có ý kiến góp ý hay phản đối gì (có chăng chỉ dám xì xào nhỏ to ngoài luồng).

Trường học là nơi thanh toán hàng tồn

Làm hiệu trưởng…sướng thật

Hiệu sách của nhà hiệu trưởng không bao giờ sợ hàng tồn, hàng ế như nhiều cửa hàng khác.

Bởi nhà trường chính là nơi tiêu thụ những mặt hàng bán ế, bán chậm.

Ví như những cuốn sổ chủ nhiệm, sổ dự giờ cho giáo viên in mẫu mã cũ tồn từ năm ngoái.

Nhưng theo yêu cầu của hiệu trưởng vẫn nhà trường vẫn phải mua về vì không bán cho trường sẽ chẳng bán được cho ai.

Hay vở học sinh giấy không được đẹp và cũ vì bán tồn vài năm. Thế nhưng trường vẫn phải mua về phát thưởng cho học sinh.

Ai dám không mua khi hiệu trưởng đã có lời?

Hiệu trưởng sống mà chỉ lo thu vén cho bản thân mình sao có thể đòi hỏi giáo viên phải hết lòng với công việc?

Mai Thảo