Vụ Tiên Lãng: Làm rõ ai là người chỉ đạo phá nhà ông Vươn

09/04/2013 08:22
Quang Tuệ (tổng hợp)
(GDVN) - Hôm nay, ngày 9/4, TAND TP. Hải Phòng tiếp tục phiên toà xét xử cựu chủ tịch huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền cùng các bị cáo khác bị truy tố về tội hủy hoại tài sản và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Lê Văn Hiền trước vành móng ngựa (Ảnh: Thanh niên)
Bị cáo Lê Văn Hiền trước vành móng ngựa (Ảnh: Thanh niên)

Chính ông Nguyễn Văn Khanh chỉ đạo phá nhà?
Trong phần công bố bản cáo trạng của VKSND TP Hải Phòng tại phiên tòa, dư luận thực sự quan tâm đến tình tiết bị cáo Nguyễn Văn Khanh đã chỉ đạo tháo dỡ nhà anh em ông Đoàn Văn Vươn.

Về vấn đề này, báo Người lao động đưa tin: “Ngày 24/11/2011, UBND huyện Tiên Lãng ban hành Quyết định số 3307/QĐ-UBND áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi 19,3 ha đất giao nuôi trồng thủy sản tại khu bãi bồi, thuộc xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng đã hết thời hạn sử dụng đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn.

Cùng ngày, UBND huyện Tiên Lãng có kế hoạch số 104/KH-UBND về việc tổ chức cưỡng chế để thi hành quyết định thu hồi đất đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn; trong đó nêu rõ nội dung cưỡng chế, bàn giao toàn bộ diện tích đất và công trình gắn liền với đất đã thu hồi cho UBND xã Vinh Quang quản lý.

Để tổ chức thực hiện, lúc đó, ông Lê Văn Hiền đã giao cho ông Nguyễn Văn Khanh làm trưởng ban chỉ đạo cưỡng chế; Phạm Xuân Hoa làm Phó Trưởng ban Thường trực; Lê Thanh Liêm cùng một số cán bộ khác làm thành viên ban chỉ đạo”.

“Tuy nhiên, không làm đúng nội dung của các quyết định, kế hoạch trên, Nguyễn Văn Khanh đã trực tiếp chỉnh sửa, ký ban hành thông báo số 225 ngày 28/12/2011 phân công nhiệm vụ cho các tổ công tác để tháo dỡ tài sản ở khu vực có quyết định cưỡng chế. 

Tại hiện trường buổi cưỡng chế ngày 5/1/2012, Nguyễn Văn Khanh là người trực tiếp ra lệnh cho Phạm Xuân Hoa, Lê Thanh Liêm, Phạm Đăng Hoan đôn đốc những người được trưng dụng thuộc tổ công tác cưỡng chế số 2 trực tiếp tháo dỡ lều trông đầm, nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý. Việc tháo dỡ thực hiện trong 2 ngày 5 và 6/1/2012 gây thiệt hại về tài sản trị giá 295.389.842 đồng”, tờ báo này viết.

Lời khai các bị cáo mâu thuẫn với nhau

Về diễn biến phần xét hỏi tại phiên toà ngày 8/4, điều khiến dư luận quan tâm, chú ý nhất ở chỗ lời khai của các bị cáo Nguyễn Văn Khanh và Lê Văn Hiền đã phủ nhận nhau. 

Cụ thể, báo Thanh niên đưa tin: “Bị cáo Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, khai tại một cuộc họp do bị cáo chủ trì, lãnh đạo huyện có bàn việc này nhưng bị cáo Khanh không đồng ý và chữa từ phá dỡ thành tháo dỡ. 

Còn theo bị cáo Lê Văn Hiền, toàn bộ các văn bản bị cáo ký đều không đề cập tới vấn đề này (việc phá nhà - PV).Về việc luật sư công bố trong cuốn sổ ghi chép của bị cáo Hiền mà cơ quan điều tra thu được có ghi: “Tổ tháo dỡ làm nhiệm vụ tháo dỡ”. Bị cáo Hiền giải thích, đó là ý kiến của một thành viên trong cuộc họp.

Trả lời chủ tọa về việc có được bị cáo Khanh với cương vị Trưởng ban chỉ đạo báo cáo về vấn đề phá dỡ tại khu đầm gia đình Vươn không, bị cáo Hiền trả lời: “Bị cáo Khanh chưa bao giờ báo cáo chính thức về việc phá dỡ tại khu đầm trên”.

“Bị cáo có kiểm tra việc cưỡng chế nhưng không chú trọng mà chỉ đôn đốc tình hình chung. Bị cáo chưa làm hết trách nhiệm dẫn đến cán bộ dưới quyền phá nhà Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý gây thiệt hại lên tới hàng trăm đồng. Bị cáo thiếu trách nhiệm”, báo Thanh niên dẫn lời bị cáo Hiền.


Cũng tại phần xét hỏi, báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Đoàn Văn Vươn với tư cách bị hại: “Lời khai của các bị cáo mâu thuẫn với nhau vì ban đầu thì nói quyết định thu hồi đất là đúng, sau lại nói sai. Ông Vươn cho rằng quyết định giao đất 14 năm là trái luật vì theo quy định của Luật Đất đai thì thời hạn giao đất phải là 20 năm.

Ông Vươn trình bày toàn bộ quá trình giao đất phải đầu tư đến 8 năm mới sản xuất được. Bản thân ông Vươn cùng gia đình đã phải trồng tới 60ha rừng để phòng hộ, hằng năm đều nộp tiền thuê đất và chưa lần nào bị dừng đầu tư. Khi nhận được thông báo thu hồi đất đã dừng đầu tư và thiệt hại rất lớn.
Ông Vươn cho rằng số tiền đầu tư chưa thể tính cụ thể được nhưng giá trị thực tế đến nay phải khoảng 60 tỉ đồng, trong đó gia đình ông còn đang nợ 5 tỉ đồng, thiệt hại mỗi năm lên đến hàng tỉ đồng”.

Các bị hại không đồng ý về giá trị tài sản được định giá

Và đáng chú ý tại phiên toà, ông Vươn đã khẳng định mình không đòi tiền bồi thường về thủy sản mà chỉ đòi bồi thường tài sản gồm nhà ở, lều canh, chuồng trại chăn nuôi... 

“Tuy nhiên, ông Vươn cũng không đồng ý với giá trị tài sản được định giá của gia đình mình và em trai Đoàn Văn Quý là 295 triệu đồng. Ông Vươn khẳng định đến hôm nay mới biết giá trị đền bù như thế chứ nếu biết trước sẽ có đơn kiến nghị về vấn đề này.Và cuối phần xét hỏi, bị hại Đoàn Văn Vươn, Phạm Thị Báu và Nguyễn Thị Thương đều không đồng ý với kết quả định giá của Hội đồng định giá”, các báo đưa tin.

Các nhân chứng nói gì?

Người làm chứng Mai Công Nhìu khai: 13h30 ngày 5/1/2012, ông Khanh phát lệnh cưỡng chế. Sau đó các tổ triển khai tại khu vực lều nhà ông Vươn. Ông Khanh chỉ đạo tại đó. Ông Hoa là người đôn đốc. 15 giờ, các cán bộ dùng dụng cụ tháo dỡ đã dỡ xong toàn bộ, khi xong, các bộ phận quay về. Khi qua nhà ông Quý, thấy ông Khanh ở đó, ông Khanh cho tiếp tục phá khu vực nhà ông Quý.
“Tôi thấy nhiều người dùng búa phá ngôi nhà hai tầng nhưng không phá được”, ông Nhìu khai.

Người làm chứng Vũ Văn Kết khai, chiều 5/1/2012, ông nhận được điện của ông Hoan nói ra tổng đội thanh niên xung phong có việc. “Tôi ra đó, gặp cả ba ông Khanh, Hoan, Liêm, các ông này nhờ tôi thuê máy xúc. Tôi điện thoại cho Vũ Văn Thái vì Thái có máy xúc. Tôi gọi Thái ra khu đầm gặp Khanh, Hoan và Liêm. Sau đó Thái điện cho tôi nói bận không làm được. Ông Khanh gọi hai lần, đến lần 2 tôi trả lời là có máy xúc bằng xích của ông Đoàn. Lúc này ông Khanh nói thôi muộn rồi, để mai làm. Sau đó tôi không biết”. 

(Theo Thanh niên)
Quang Tuệ (tổng hợp)