Giá bán lẻ xăng dầu có "gánh" hoa hồng đại lý?

24/12/2011 09:09
Không ít người đặt câu hỏi, liệu mức chiết khấu xăng dầu quá cao như trong thời gian vừa qua, người tiêu dùng có phải “gánh” trong cơ cấu giá thành bán lẻ?
Vừa qua Bộ Tài chính đã công bố kết luận về việc kiểm tra rà soát giá vốn của mặt hàng xăng dầu nhập khẩu  trong kỳ, tình hình sản xuất kinh doanh của 4 doanh nghiệp kinh doanh dầu mối tại thời điểm 30/6 và 26/8/2011 của các Tổ kiểm tra.
d
d
Qua đợt rà soát này, Tổ kiểm tra đã phát hiện ra những sai phạm trong quản lý kinh doanh xăng dầu của một vài đại lý. Trong đó, chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp vượt định mức chi phí kinh doanh về tính giá cơ sở, chi thù lao đại lý tại mốc số thời điểm cao hơn định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở.

Điển hình, tại Công ty TNHH 1 thành viên thương mại Dầu khí Đồng Tháp, mức chiết khấu thù lao đại lý tháng 6/2011 là 867,29 đồng/lít, từ 1/7/2011 – 26/8/2011 trung bình là 859,68 đồng/lít.

Trong khi đó, theo kết cấu giá cơ sở làm căn cứ xây dựng giá bán lẻ của các đầu mối kinh doanh xăng dầu theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ và Thông tư 234/2009/TT-BTC ngày 9/12/2009 của Bộ Tài Chính quy định: Chi phí kinh doanh theo định mức 600 đồng/lít đối với xăng dầu, 400 đồng/kg đối với dầu madut (trong đó đã bao gồm chiết khấu thù lao đại lý). Như vậy, mức chiết khấu trên là không hợp lý, sai so với quy định đưa ra.

Với kết luận này, một câu hỏi đặt ra là liệu khi mức chiết khấu cao như vậy, thì liệu trong thời gian vừa qua người tiêu dùng có phải “gánh” trong cơ cấu giá thành bán lẻ?.

Trả lời câu hỏi này, ông Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý Giá cho biết, trong thời gian vừa qua thành công lớn nhất là chúng ta đã điều hành đảm bảo xăng dầu, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng. Cùng với đó là các cơ quan cũng thực hiện được bình ổn giá, trước biến động rất bất thường của giá thị trường thế giới, góp phân tích cực vào việc kìm chế lạm phát, đảm bảo kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.

Cũng theo ông Thoả, qua rà soát Tổ kiểm tra nhận thấy nhiều bất cập, trong đó nổi cộm lên việc các doanh nghiệp đầu mối, chi hoa hồng vượt định mức quy định cho các đại lý. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, việc chiết khấu này sẽ hoàn toàn do doanh nghiệp tự trang trải lấy, nên người tiêu dùng không phải chịu thông qua giá bán xăng dầu. Đồng thời, Nhà nước cũng không cấp bù cho khoản chênh lệch này.

Theo ông Thỏa, chưa khi nào tổ giám sát liên ngành giá xăng Bộ Tài chính - Công thương chấp nhận việc chi hoa hồng vượt định mức của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Mà trong giá cơ sở để điều hành Bộ tài chính – Công thương chỉ tính chi phí định mức xăng dầu là 600 đồng/lít, không có chi phí thực tế là 700 – 800 đồng/lít.

Để chứng minh cho việc người tiêu dùng không phải chịu khoản chi hoa hồng này vào cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu, ông Thoả nói: Trong mấy tháng nay Nhà nước vẫn giữ ổn định giá, tức là giá bán lẻ Nhà nước đã yêu cầu được giữ ổn định. Vì vậy, việc doanh nghiệp có tăng thêm chi phí vào chăng nữa thì doanh nghiệp phải tự trang trải lấy để đảm bảo giá bán lẻ giữ ổn định.

"Liên Bộ cũng thấy rằng quy định về chiết khẩu xăng dầu này cũng có nội dung không hợp lý, nhưng để thay đổi là bao nhiêu thì phải có khảo sát, đánh giá và tổng kết. Cuộc khảo sát và kết quả kiểm tra của doanh nghiệp vừa rồi, cũng là căn cứ để chờ xem chi phí kinh doanh của doanh nghiệp bao nhiêu", ông Thỏa nói.

Tuy nhiên, trong khi chưa có thay đổi gì mới thì Nhà nước không thể điều hành bằng cách thoải thuận với doanh nghiệp được, các Bộ cũng không thể thoả thuận với nhau mà không có văn bản, vì đây là pháp lý Nhà nước. Quy định đó đã được quy định rõ tại Thông tư số 234 của Bộ Tài chính, trong đó có quy định là khi thay đổi chi phí kinh doanh thì Bộ Tài chính phải thông báo cho doanh nghiệp bằng văn bản để thực hiện, ông Thoả khẳng định.

Theo VnMedia