Ông Đỗ Như Tuyến – Phó Chánh Thanh tra huyện Tiên Lãng đã công bố bản kết luận của UBND huyện Tiên Lãng về việc việc thanh tra, rà soát việc sử dụng đất của ông Đoàn Văn Vươn kể từ khi được giao đất năm 1993 đến nay.
Theo đó, ông Đoàn Văn Vươn được UBND huyện Tiên Lãng giao 40,3ha đất bãi bồi ven biển phía Nam Cống Rộc thuộc xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản (NTTS). Ông Vươn đã đầu tư vào khai thác và NTTS nhưng trong quá trình sử dụng đất, đã có một số vi phạm theo quy định của pháp luật về đất đai, Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Căn nhà ông Vươn bị phá trong vụ cưỡng chế. |
Cụ thể: Trong quá trình đắp đầm, cùng phần diện tích được giao 21 ha theo Quyết định 447, ngày 14/10/1993 của UBND huyện Tiên Lãng, ông Đoàn Văn Vươn đã lấn chiếm 19,3ha đất. Hành vi lấn chiếm đất đai của ông Đoàn Văn Vươn đã được UBND huyện Tiên Lãng xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình sử dụng đất ông Đoàn Văn Vươn đã có hành vi chặt phá rừng phòng hộ, đã được UBND huyện Tiên Lãng xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật; ông Vươn đã cho thuê lại một số diện tích đất nhưng không đúng các quy định của pháp luật, hành vi của ông Vươn chưa được cấp có thẩm quyền xử lý nhưng đến nay đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp với số tiền là 10.030.000đ.
Về biện pháp xử lý, UBND huyện Tiên Lãng yêu cầu ông Đoàn Văn Vươn chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đất đai và nộp đầy đủ số tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp còn nợ đọng năm 2007 là 10.030.000 đ vào ngân sách Nhà nước.
Sau khi nghe bản kết luận thanh tra của UBND huyện Tiên Lãng, bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bày tỏ quan điểm không đồng tình với bản kết luận này, với một số lý do.
Thứ nhất, việc lấn chiếm của gia đình bà không phải lấn chiếm đất thuộc sở hữu của cá nhân đang sử dụng, đổi lại, gia đình bà đã có công lấn biển thực hiện chủ trương của Nhà nước đang khuyến khích khai hoang, phục khóa, lấn biển, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.
Thứ hai, việc cho thuê đất khi gia đình bà được giao đất thì có quyền cho thuê lại.
Thứ 3, UBND huyện kết luận gia đình bà chặt phá rừng phòng hộ, “chúng tôi cũng đang làm đơn khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này bởi đất khi được giao cho chúng tôi là đất nuôi trồng thủy sản chứ không phải là đất trồng rừng và gia đình tôi còn có công trồng mấy chục ha rừng chắn sóng tại đây” – Bà Thương chia sẻ.
Theo VTC News