Bộ Công thương cho biết, lượng xăng dầu nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 7/2014 là 872,13 nghìn tấn, trị giá 847,21 triệu USD, giảm 6,4% về lượng và giảm 5,4 % về trị giá so với tháng 6/2014. Tính đến hết 7 tháng năm 2014, cả nước đã nhập khẩu gần 5,49 triệu tấn xăng dầu, với trị giá nhập khẩu hơn 5,21 tỷ USD, tăng 28,1% về lượng và 29,6% về trị giá, so với cùng kỳ năm trước.
Xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 7 tháng qua chủ yếu có xuất xứ từ Singapore với gần 1,9 triệu tấn, tăng 48,06%; Trung Quốc là 954 nghìn tấn, tăng 28,6%; Đài Loan là 852 nghìn tấn, tăng 18,33%; Hàn Quốc là 499 nghìn tấn, tăng 73,2% so với cùng kỳ năm 2013.
Giá xăng trong nước tuy giảm nhưng vẫn cao hơn giá xăng tại một số thị trường như Mỹ, Singapore... |
Bên cạnh đó, theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, lượng xuất khẩu dầu thô của Việt Nam trong tháng 7.2014 là 809,89 nghìn tấn, đạt trị giá là 731,38 triệu USD, tăng 1,8% trị giá so với tháng 6.2014. Cộng dồn 7 tháng đầu năm nay, lượng dầu thô xuất khẩu của Việt Nam là 5,4 triệu tấn, đạt kim ngạch 4,77 tỷ USD, tăng 11,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013.
Dầu thô của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2014 chủ yếu được xuất khẩu sang Australia với hơn 1,44 triệu tấn, đạt trị giá hơn 1,29 tỷ USD; xuất khẩu sang Nhật Bản gần 1,34 triệu tấn, có trị giá gần 1,18 tỷ USD; Trung Quốc với 0,96 triệu tấn, trị giá 0,84 tỷ USD.
Từ đầu năm đến nay Bộ Công thương đã nhiều lần điều chỉnh giá mặt hàng xăng, trong đó có 5 lần tăng giá và 4 lần giảm liên tiếp. Giá xăng lập kỷ lục vào ngày 7/7, khi tăng 410 đồng lên 25.640 đồng mỗi lít và cũng có mức giảm kỷ lục 600 đồng/lít chiều 18/8, đây cũng là lần giảm giá mạnh nhất kể từ đầu năm.
Mặc dù giá xăng trong nước liên tục giảm tuy nhiên nếu so với thị trường xăng dầu các nước, giá xăng dầu Việt Nam vẫn ở mức cao, người dân vẫn phải chịu thiệt.
Cụ thể, tại thị trường Singapore, giá xăng RON 92 trong một tuần qua liên tục đi xuống. Sau khi chốt ở ngưỡng 118,99 USD mỗi thùng vào ngày 18/7, giá xăng ngày 24/7 xuống còn 115,6 USD một thùng.
Theo Hiệp hội xăng dầu, giá cơ sở mặt hàng xăng trong vòng một tuần nay cũng liên tục đi xuống. Tính đến ngày 24/7, giá xăng giảm 241 đồng mỗi lít so với một tuần trước đó.
Trong khi đó, hiện giá bán lẻ trong nước vẫn ở mức cao. Sau lần điều chỉnh tăng 410 đồng ngày 7/7, giá xăng đang ở mức kỷ lục 25.640 đồng mỗi lít. So sánh giữa giá cơ sở và giá bán lẻ, doanh nghiệp hiện lỗ 409 đồng mỗi lít xăng. Tuy nhiên, do được sử dụng quỹ bình ổn 670 đồng, các đơn vị này, có thể lãi khoảng 198 đồng mỗi lít.
Giá xăng, dầu hiện nay được điều hành theo Nghị định 84/NĐ-CP của Chính phủ, tuân thủ nguyên tắc hài hòa quyền lợi của 3 bên: Nhà nước - doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thế nhưng, thực trạng giá xăng tăng nhanh, giảm chậm khiến dư luận không ngừng đặt dấu hỏi xung quanh việc điều hành giá mặt hàng thiết yếu này.
Một vấn đề khác, khi giá xăng dầu thế giới nhích lên một chút là các doanh nghiệp đã ngay lập tức kiến nghị đòi nâng giá nội địa. Và ngay lập tức được nhà quản lý chấp thuận. Thế nhưng, khi giá xăng, dầu thế giới giảm thì phải sau khoảng thời gian dài giá xăng trong nước mới được điều chỉnh giảm, mức giảm không đáng là bao.
Trước đó, theo tính toán của Bộ Tài chính, một lít xăng RON 92 về Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu (18%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế bảo vệ môi trường (1.000 đồng), thuế giá trị gia tăng (10%), tương đương 8.244 đồng.
Theo lý giải của Bộ Công thương tại "Báo cáo thị trường xăng dầu tháng 8/2014 và dự báo tháng 9/2014", một trong những nguyên nhân khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước thường trong tình trạng "một mình một chợ" so với giá thế giới là do quy định lấy giá bình quân 30 ngày để làm căn cứ tính giá cơ sở, trong khi thế giới lại điều chỉnh giá xăng dầu hằng giờ.
"Bất cập trong cách tính giá cơ sở đã được Liên bộ Tài chính - Công thương, cơ quan điều hành giá xăng dầu nhận thấy từ 2 năm trước và đã được điều chỉnh rút ngắn thời gian tính giá xăng dầu bình quân xuống còn 15 ngày trong dự thảo sửa đổi Nghị định 84. Tuy nhiên, nghị định mới đến nay vẫn chưa được ban hành khiến quyền lợi của người dân trong tình trạng "bấm bụng" chịu thiệt chờ văn bản mới" - báo cáo của Bộ Công thương nhận định.