Thiệt hại kinh tế rất lớn từ tai nạn giao thông
Nước ta được coi là một trong những quốc gia có tỷ lệ người uống rượu, bia cũng như lượng tiêu thụ bia, rượu cao nhất trong khu vực. Uống rượu, bia cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, thương tích trong các vụ tai nạn giao thông.
Trong hoạt động điều tra, xử lý tai nạn giao thông, vấn đề kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ có nồng độ cồn trong máu vượt mức quy định gây tai nạn là vấn đề đang được quan tâm.
Rượu bia được coi là thức uống rộng rãi và phổ biến trong sinh hoạt hằng ngày. Khoa học đã chứng minh rượu, bia cũng có lợi ích nhất định cho sức khỏe, nếu sử dụng điều độ. Nhưng, sử dụng rượu, bia thế nào cho hợp lý là vấn đề cần bàn.
Theo thống kê có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn liên quan đến rượu, bia và đang có xu hướng gia tăng - ảnh nguồn: Báo Giao thông. |
Hiện nay, trong đời sống hằng ngày, việc sử dụng rượu - bia đã bị lạm dụng nghiêm trọng, gây hậu quả xấu cho xã hội. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông uống rượu, bia gây tai nạn giao thông là thực trạng đáng lo ngại.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn liên quan rượu, bia và đang có xu hướng gia tăng.
Hậu quả của tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia thường rất nghiêm trọng cả về tính chất lẫn mức độ thiệt hại.
Qua tìm hiểu ở một số bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, có tới 60% số ca cấp cứu do tai nạn giao thông liên quan sử dụng rượu, bia.
Ông Phạm Gia Anh (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) cho biết, rượu, bia gây ảnh hưởng lớn đến khả năng điều khiển phương tiện giao thông như biểu hiện bốc đồng, chạy với tốc độ cao, không làm chủ được hành vi, ức chế não bộ gây buồn ngủ, giảm 10 đến 30% phản xạ khi gặp tình huống…
Theo nghiên cứu của các chuyên gia y tế, tùy vào mức độ sử dụng rượu bia, sẽ gây nguy hiểm cho người sử dụng khi tham gia giao thông.
Cụ thể, với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/l khí thở, người uống bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ; nồng độ 0,2mg/l khí thở, người điều khiển dễ bị ức chế, giận dữ, đi lại loạng choạng.
Nếu ở các mức độ cao hơn, người uống có thể không tự chủ được hành vi cá nhân.
Tổ chức Y tế thế giới khảo sát hơn 18 nghìn nạn nhân nhập viện do tai nạn giao thông tại Việt Nam cho thấy, 36% số người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép; 66,8% số người lái xe ô-tô vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.
Người điều khiển phương tiện giao thông có biểu hiện sử dụng rượu bia bị Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn - Ảnh: Hà An (Báo Thanh Niên) |
Tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia không chỉ gây thiệt hại về tính mạng, tài sản đối với những người liên quan trực tiếp tới vụ việc, mà còn khiến thân nhân của những nạn nhân bị tai nạn giao thông gián tiếp phải gánh chịu hậu.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đưa ra thống kê số thiệt hại về kinh tế. Cụ thể mỗi năm thế giới mất đi 1.500 tỷ USD do tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia.
Tại Việt Nam, tai nạn giao thông gây ra thiệt hại về kinh tế lên tới 250 tỷ đồng/ngày và mỗi năm tổng mức thiệt hại vào khoảng 2,9% GDP
Nhiều biện pháp đồng bộ ngăn chặn tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia
Thực tế cho thấy, phần lớn các vụ va quệt, tai nạn giao thông xảy ra từ 12 giờ đến 14 giờ và từ 21 giờ đến 24 giờ đều liên quan đến rượu, bia.
Tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia tại một số địa phương, có xu hướng tăng qua các năm, cả về số vụ, số người chết và bị thương.
Trước thực trạng tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia, tháng 5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP với mức phạt nặng hơn nhằm tăng tính răn đe, giáo dục.
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP vừa được ban hành, bắt đầu từ ngày 1/8/2016 người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền với mức phạt tăng từ 10-15 triệu đồng (theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP) lên 16-18 triệu đồng.
Ngoài ra, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cũng thực hiện Kế hoạch tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ năm 2016.
Để giảm tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia quan trọng nhất là phải tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về tác hại của rượu bia khi lái xe - ảnh nguồn: Báo Công an nhân dân |
Kế hoạch này gồm 6 nội dung chính: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường năng lực thực thi pháp luật về nồng độ cồn; tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật; tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; tăng cường vai trò cộng đồng và huy động kinh phí xã hội hóa; xây dựng các mô hình thí điểm.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, kế hoạch triển khai thực hiện chuyên đề một nhóm vi phạm pháp luật giao thông tập chung vào việc kiểm tra nồng độ cồn bằng cách huy động các bộ, ban ngành, đoàn thể vào cuộc.
Và để thực hiện tốt hơn nữa việc ngăn chặn sử dụng rượu bia mà vẫn lái xe, cần phải tăng mức xử phạt.
Theo ông Hoàng Đình Ban (Học viện Cảnh sát nhân dân), việc phát hiện và xử lý vi phạm nồng độ cồn rất hạn chế, mức xử phạt không đủ tính răn đe dẫn đến “nhờn” luật.
Cụ thể, năm 2014, số trường hợp sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông được phát hiện chỉ chiếm 1,62% tổng số vụ, tỷ lệ số vụ tương tự bị xử phạt chỉ 0,25%.
Vì thế, cần nghiên cứu, sửa đổi quy định của pháp luật theo hướng xử lý hình sự hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, xem đây là lỗi cố ý, để tạo sức răn đe lớn.
Tuy nhiên nếu chỉ nâng mức xử phạt là chưa đủ, mà quan trọng hơn để giảm tình trạng tai nạn giao thông do rượu, bia cần nâng cao ý thức của người dân.
Cơ quan chức năng cần tuyên truyền về mức xử phạt vi phạm của hành vi này nhằm tạo chuyển biến về nhận thức của cộng đồng. Người ngồi trên xe có trách nhiệm nhắc nhở, phản đối người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia.
Trong nhà trường, cần lồng ghép nội dung giáo dục về tác hại của lạm dụng rượu, bia vào môn học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa phù hợp các cấp học, bậc học.
Chú trọng tuyên truyền, thông tin cho học sinh, sinh viên về tác hại của lạm dụng rượu, bia với sức khỏe con người, tác hại đối với từng lứa tuổi, độ tuổi được phép mua, uống rượu, bia; kỹ năng từ chối uống rượu, bia…
Mặt khác các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia cần có khuyến cáo, cảnh báo nguy cơ hay hàm lượng trên sản phẩm để người sử dụng biết thông tin, chủ động khi uống.
Các chuyên gia cũng kiến nghị, ở góc độ Nhà nước, cần ban hành những chế tài cụ thể trong việc sản xuất, nhập khẩu rượu, bia.
Nghiên cứu, đề xuất Chính phủ áp dụng chính sách thuế phù hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, bia nhằm giảm sử dụng, hạn chế tình trạng buôn lậu và sử dụng rượu, bia không bảo đảm tiêu chuẩn.
Quy định việc in thông tin về tác hại của lạm dụng rượu, bia trên nhãn sản phẩm, giúp người dân nâng cao nhận thức; nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia.