Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Trung tâm 3) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lượng Chất lượng vừa tiến hành thử nghiệm mẫu gạo tại TP.HCM nghi là gạo giả chứa nhựa hay cao su.
Kết quả cho thấy những mẫu trên là gạo, có thành phần chính là Glucid, protein, không hề chứa nhựa hay cao su.
Trước đó vào ngày 29/9, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip (của một gia đình sống tại TP. HCM), ghi lại hình ảnh thử nghiệm khi rang gạo thì phát hiện các hạt gạo kết dính lại với nhau giống như những hạt nhựa nên dư luận nghi ngờ gạo được làm từ hạt nhựa.
Kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm 3 và Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam đều khẳng định không có gạo giả bằng nhựa, cao su tại TP. HCM (Ảnh minh họa: Thedailypedia) |
Ngay khi có thông tin nghi có gạo giả từ các đại lý mua bán gạo tại TP.HCM, các thương lái và nông dân tại Tiền Giang rất hoang mang. Càng lo lắng hơn khi thông tin nguồn gạo nghi giả xuất phát ở Tiền Giang.
Kết quả kiểm nghiệm hạt gạo bình thường của Trung tâm 3 đã phần nào giải tỏa được lo lắng của họ cũng như hàng ngàn người trồng lúa tại tỉnh Tiền Giang.
Cũng trước lo lắng của người dân và đơn vị kinh doanh lúa gạo, TS Đàm Minh Sô - Trưởng phòng Nghiên cứu cây lương thực, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam tiến hành xét nghiệm từ mẫu gạo kết quả cho thấy đây không phải gạo giả.
Theo TS Đàm Minh Sô, đầu tiên các chuyên gia của viện quan sát những hạt gạo theo mẫu và nấu thành cơm ăn thử không thấy bất thường. Sau đó, Viện đã xét nghiệm hóa học để xác định độ hóa kiềm và phân tích hàm lượng ammylose. Từ những xét nghiệm cho thấy, hàm lượng ammylose của gạo nằm trong nhóm 15-16%, tương tự gạo nếp, thuộc nhóm gạo dẻo. Còn độ hóa kiềm đạt ở mức cấp độ 6-7, hạt đều, kiềm hóa gần như hoàn toàn. Số gạo còn lại khoảng 30% ít kiềm hóa, ở cấp độ 3.
“Theo đánh giá của tôi là do gạo mẫu không đồng nhất, có thể do người bán đã trộn loại gạo cứng vào. Từ thực tế quan sát gạo, ăn thử cơm và qua những xét nghiệm, mẫu gạo do báo Lao Động cung cấp không phải gạo giả” - TS Đàm Minh Sô khẳng định.
Trước đó trong bài viết gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS Vật lý Nguyễn Văn Khải khẳng định: “Gạo giả bằng nhựa chỉ là hoang tin vì giá nhựa nguyên sinh có độ trong như hạt gạo với độ sạch cao giá đắt hơn giá gạo rất nhiều và công nghệ để làm ra hạt gạo phía trong có phôi màu đục hơn, có vết nứt nhỏ ở gần đầu đòi hỏi khuân mẫu phức tạp, quy trình sản xuất rất khó thực hiện”.
TS Nguyễn Văn Khải cũng phủ nhận tin đồn gạo làm từ bột giấy, bột sắn bởi chỉ bằng mắt thường khi đun sôi những hạt làm từ chất liệu trên không giống hạt cơm.
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, người dân có thể kiểm tra, nhận biết gạo giả dễ dàng bằng hai cách: Cách thứ nhất, chỉ cần ngâm vào nước, dựa vào sự nổi chìm của hạt gạo là phân biệt được. Cách thứ hai, đó là ngâm vào nước khoảng vài tiếng sau đó xay hoặc nghiền, nếu là hạt gạo thật thì dễ dàng trở thành bột mịn và tinh bột