“Nếu lực lượng Công an không nghiêm trị được những đối tượng côn đồ, coi thường pháp luật thì chưa hoàn thành nhiệm vụ và có lỗi khi để người dân lo lắng” - Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP Hà Nội nói.
Các lực lượng cảnh sát phối hợp thực thi nhiệm vụ trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Lê Dương. |
Ông Nhanh cho biết, từ đầu năm 2011 đến tháng 7 vừa qua, nổi lên một số vấn đề về tội phạm. Đó là tình hình tội phạm giết người, cướp tài sản; các băng nhóm tội phạm hoạt động manh động, côn đồ, hung hãn; đòi nợ thuê, đâm thuê, chém mướn; tội phạm sử dụng vũ khí nóng, vũ khí tự chế; các vụ chống người thi hành công vụ tiếp tục gia tăng với tính chất đặc biệt nghiêm trọng.
Có lúc, có nơi tội phạm có biểu hiện lộng hành, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Đáng chú ý, tình trạng thuê côn đồ giải quyết mâu thuẫn cá nhân diễn biến rất phức tạp.
Ví dụ, chỉ vì va chạm giao thông, đối tượng có thể rút ngay dao, kiếm đâm, chém, gây ra trọng án; do mâu thuẫn, các thành viên trong gia đình, nội tộc cũng có thể đâm chém nhau dẫn đến những vụ giết người thương tâm; hay khi bị kiểm tra xử lý vượt đèn đỏ, bị kiểm tra kinh doanh quá giờ, người vi phạm có thể dùng cả hung khí tấn công lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ một cách điên cuồng…
Điều tôi muốn nói là TP về đêm đang tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Đêm là thời điểm thích hợp để các băng nhóm tội phạm hoạt động; bên cạnh đó, nhiều tụ điểm vũ trường, quán bar và cả các quán ăn đêm bất chấp quy định là nơi tụ tập của các đối tượng phức tạp.
Nhiều vụ xích mích, mâu thuẫn, dẫn đến xô xát, đâm chém nhau, gây án mạng đã xảy ra từ những tụ điểm ban đêm này… Trước tình hình đó, chúng tôi thấy rằng, trách nhiệm của lực lượng Công an là phải kiên quyết đấu tranh xử lý nghiêm những vấn nạn gây bức xúc dư luận đó.
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP Hà Nội. |
Không để có “vết sứt”, “vết sẹo” nào
Và Công an TP đã mở đợt cao điểm phòng chống tội phạm toàn diện trên tất cả các lĩnh vực?
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội đã bàn, và chủ động xây dựng Kế hoạch số 130/ KH-CAHN về “Mở đợt cao điểm tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố từ 15-7 đến 30-10-2011”.
Ngày 30-10 là mốc thời gian chúng tôi định ra để sơ kết, đánh giá và tiếp tục triển khai thực hiện thường xuyên và liên tục.
Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, chúng tôi phân công từng đồng chí trong Ban Giám đốc trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch cao điểm theo từng lĩnh vực, địa bàn cụ thể. Đồng thời giao các đồng chí trưởng đơn vị kiểm tra, chịu trách nhiệm toàn diện trước Giám đốc Công an TP trong đảm bảo ANTT trên địa bàn được giao.
Theo đó, các kế hoạch chuyên đề chuyên sâu đã được xây dựng và triển khai thực hiện. Trong đó có kế hoạch 141 về thành lập các tổ công tác tập trung xử lý các đối tượng điều khiển mô tô, xe máy cố tình vi phạm Luật Giao thông, lạng lách, đánh võng, chở quá người quy định, có dấu hiệu phạm tội, mang theo vũ khí khi tham gia giao thông trên đường phố.
Kế hoạch 141 được thực hiện đã nhận được sự đồng tình của dư luận, song cũng không ít ý kiến băn khoăn vì sao CSHS lại phải hóa trang để xử lý vi phạm giao thông?
Như tôi đã nói, vào ban đêm tại các nơi công cộng thường nảy sinh các hành vi tụ tập, tổ chức đua xe máy, mô tô và có thể đua ô tô. Đáng lưu ý, hầu hết đối tượng hình sự hoạt động ban đêm, thường mang theo dao kiếm, thậm chí cả vũ khí nóng.
Chính vì vậy, Công an TP thành lập các tổ công tác để kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trên các tuyến giao thông, địa bàn trọng điểm về ANTT. Không chỉ xử lý về những vi phạm giao thông mà còn phòng chống các đối tượng phạm pháp hình sự có tính chất côn đồ hung hãn, nên Công an TP thành lập các tổ công tác gồm 3 lực lượng CSGT, CSCĐ, CSHS vừa công khai vừa hóa trang để hỗ trợ, bọc lót cho nhau khi làm nhiệm vụ cũng như nâng cao tính hiệu quả trong xử lý vi phạm và trấn áp tội phạm.
Vừa qua đã có trường hợp lực lượng này nổ súng khi truy đuổi tội phạm, vậy cơ chế sử dụng vũ khí của các tổ công tác này ra sao?
Các tổ công tác này khi làm nhiệm vụ được trang bị đầy đủ các phương tiện hoạt động như bộ đàm, công cụ hỗ trợ, kể cả vũ khí nhằm tấn công, trấn áp, răn đe hiệu quả các loại tội phạm. Tất nhiên, việc sử dụng vũ khí chỉ được áp dụng trong những trường hợp cần thiết và đảm bảo đúng các quy định của pháp luật.
Ví như, vừa qua tổ công tác đuổi bắt đối tượng côn đồ hung hãn, đã bị đánh trả, nguy hại đến tính mạng nên buộc phải nổ súng cảnh cáo, răn đe tội phạm.
Thưa ông, có ý kiến lo ngại, nêu tổ liên quân được giao quyền quá nhiều mà lại thiếu sự kiểm tra, giám sát e rằng sẽ nảy sinh lạm quyền và tiêu cực?
Đây là điều chúng tôi rất quan tâm, yêu cầu chỉ huy các đơn vị cũng như lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, không để nảy sinh tiêu cực. Trước hết phải xác định đây là hoạt động nơi công cộng nên tuyệt đối giữ gìn và không một đồng chí nào được có biểu hiện tiêu cực; bởi vì hiệu quả công việc đang rất tốt, được dư luận đồng tình mà lại có một “vết sứt”, “vết sẹo” cho dù là nhỏ thì mọi thành quả tan biến.
Thứ hai, là phải chấp hành nghiêm điều lệnh, tác phong, tư thế người Công an nhân dân; nếu làm không tốt sẽ gây phản cảm, mất lòng tin của nhân dân.
Nhận định sau 1 tháng ra quân, theo ông đâu là những kết quả nổi bật?
Sau 1 tháng thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố, các lực lượng Công an Hà Nội đã điều tra, khám phá trên 300 vụ từ vi phạm hành chính đến các vụ vi phạm hình sự; qua đó thu được nhiều dao, kiếm, mã tấu, vũ khí nóng và đã ngăn chặn được nhiều vụ phạm pháp hình sự.
Nhiều đối tượng bị tạm giữ là đối tượng hình sự, có tiền án, tiền sự, nhiều đối tượng mắc tệ nạn xã hội và có cả đối tượng truy nã. Theo tôi, kết quả quan trọng chính là góp phần ngăn ngừa các vụ phạm pháp hình sự; và hơn thế là tình hình ANTT tại nơi công cộng từng bước được thiết lập chặt chẽ, nhân dân đồng tình và tin tưởng vào lực lượng Công an.
Những đối tượng này bị xử lý ra sao và biện pháp răn đe, phòng ngừa thực sự có đủ mạnh?
Các đối tượng có dấu hiệu phạm pháp hình sự đều được đưa về phòng CSHS để phân loại, xử lý những đối tượng cộm cán; một số đối tượng khác sẽ bị đưa về quản lý tại địa phương hay đi trường giáo dưỡng. Đối với các đối tượng tàng trữ, sử dụng vũ khí nóng, đặc biệt vũ khí quân dụng đương nhiên là phải xử lý hình sự.
Đối tượng đua xe, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ có thể xử lý hình sự. Hiện tại, cái khó chính là với hành vi mang theo vũ khí thô sơ mới chỉ dừng ở xử lý hành chính.
Theo đánh giá của Công an TP thì tình hình phạm pháp trên địa bàn có giảm không sau một tháng thực hiện kế hoạch 141?
Theo số liệu thống kê, tổng số vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn Hà Nội trong tháng qua có giảm so với trước đó. Nhưng quan trọng là tội phạm mang tính chất côn đồ hoạt động ban đêm đã giảm nhiều. Kế hoạch 141 là một mũi công tác giải quyết vấn đề tội phạm nơi công cộng, tội phạm côn đồ hung hãn.
Bên cạnh đó, Công an TP đã và đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp khác như: Tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke, kinh doanh rượu có sử dụng nhạc mạnh, kinh doanh lưu trú, cầm đồ trên địa bàn thành phố; chống tội phạm trộm cắp, cướp giật, cờ bạc… tạo sức mạnh tổng hợp trong phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội.
Khống chế đối tượng có 2 dao găm. Ảnh: Lê Dương. |
Diễn tập chống cướp tiệm vàng
Dự kiến cuối năm tình hình ANTT sẽ có nhiều phức tạp, đặc biệt là sau vụ cướp tiệm vàng ở Bắc Giang gây chấn động dư luận, vậy CATP đã có những kế hoạch tiếp theo để đảm bảo an ninh trên địa bàn ra sao?
Những năm trước đây, Công an TP đã chỉ đạo công tác phòng ngừa cướp tiệm vàng và bước đầu có những thành công. Chúng tôi đã đặt ra yêu cầu mỗi điểm kinh doanh vàng bạc phải đảm bảo các điều kiện như: tập huấn nghiệp vụ cho chủ tiệm vàng, lực lượng bảo vệ; lắp các camera; lắp còi báo động; lắp hệ thống thông tin kết nối, khi bấm một số máy là đến liền các số máy cần gọi…
Trên địa bàn thành phố có hàng ngàn điểm kinh doanh vàng bạc nhưng hầu như không xảy ra cướp tiệm vàng lớn. Tuy vậy, sau vụ cướp tiệm vàng tại Bắc Giang, chúng tôi đã chỉ đạo Phòng CSHS tổ chức diễn tập cho lực lượng CSHS đặc nhiệm cùng các lực lượng khác về chống cướp tiệm vàng trong tháng 9.
Mục tiêu mà CATP đặt ra trong việc đấu tranh với tội phạm hình sự đặc biệt là nhóm tội phạm côn đồ hung hãn, coi thường pháp luật đến cuối năm cụ thể ra sao thưa ông?
Mục tiêu rõ ràng là phải kéo giảm tổng số vụ phạm pháp hình sự, giảm các vụ án có tính chất côn đồ hung hãn, công khai nơi công cộng, tội phạm sử dụng vũ khí nóng; kéo giảm trọng án và phấn đấu không để xảy ra cướp tiệm vàng hay những vụ án nghiêm trọng gây chấn động dư luận, gây bất an cho người dân.
Bên cạnh đó, Công an TP cũng quyết tâm ngăn chặn bằng được tội phạm hoạt động về đêm như đua xe, tội phạm băng nhóm, manh động. Ngoài ra, Kế hoạch 141 sẽ được Công an TP tiếp tục triển khai, nhân rộng đến cả các khu vực ngoại thành, các địa bàn giáp ranh.
Cảm ơn ông.