Liên quan đến quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội, theo điều 40, 41, 42, 43 trong dự thảo Luật Tố tụng Hình sự, qua các phiên họp gần đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng còn nhiều quan điểm khác nhau.
Cho ý kiến về nội dung này, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung – Giám đốc Công an Hà Nội (Đại biểu đoàn Hà Nội) cho biết, thực tế ở Hà Nội có 58-60% các vụ là bắt phạm tội quả tang, còn lại án truy xét một năm trên 5.000 vụ, trong đó hơn 100 vụ là trọng án.
“Án chưa rõ gọi là án truy xét. Còn lại thành phần là các đối tượng sau khi bắt, truy xét mở rộng gọi là án truy xét mở rộng. Cho nên việc quy định quyền im lặng là không phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Tôi đồng ý với phương án đưa ra ở bản thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, tức quy định theo hướng người bị bắt, bị tạm giữ, bị can bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không bị ép buộc đưa ra lời khai chống lại chính mình và không bị ép buộc nhận mình có tội, như thế phù hợp hơn”, ông Chung nêu quan điểm.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an Hà Nội không ủng hộ "quyền im lặng". ảnh: Ngọc Quang. |
Khác với quan điểm của ông Chung, Đại biểu Phạm Huy Hùng nhận định, cần quan tâm đến chế định bào chữa, là một thành tố quan trọng đảm bảo tiến trình tố tụng minh bạch, giúp tiếp cận sự thật khách quan và công lý.
“Tôi ủng hộ quan điểm phải cụ thể hóa quyền im lặng, quyền không khai báo cho đến khi có mặt của người bào chữa, quy định này phù hợp với quyền con người.
Cần xóa bỏ cơ chế xin cho bằng cách xóa bỏ thủ tục cấp phép đăng ký người bào chữa, thay bằng cơ chế quyền luật sư, luật sư chỉ cần thông báo với cơ quan điều tra về việc tham gia vụ án. Việc trao đổi giữa người bào chữa và người bị buộc tội không bị ghi âm.
Vị trí chỗ ngồi của luật sư hiện không ngang bằng với chỗ ngồi của Viện kiểm sát, không thể hiện được quyền công bằng trong tranh tụng tại tòa án”, ông Hùng chỉ rõ.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp cũng cho rằng: “Cần làm rõ hơn theo hướng bị can bị cáo khi bị bắt có quyền im lặng, không khai ra những gì bất lợi cho mình để chờ đến khi có luật sư.
Tất cả cơ quan điều tra khi tiếp cận người bị bắt cần thông báo cho người bị bắt quyền được im lặng của họ. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam có quyền được từ chối trình bày ý kiến hoặc đưa ra chứng cứ bất lợi cho mình".
Chỉ điều nên điều tra đặc biệt vì an ninh, quốc phòng
Vấn đề quyền bị can, bị cáo được ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án cũng là một chủ đề tranh luận rất sôi nổi giữa các Đại biểu Quốc hội.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung bày tỏ: “Cá nhân tôi trong quá trình làm điều tra viên và chỉ đạo điều tra rất nhiều năm ở Hà Nội, nhận thấy việc chúng ta tổ chức ghi lời khai, lấy lời khai của bị can, bị cáo, từ khi bị bắt bị tạm giữ, tạm giam chỉ là một chứng cứ chứ không phải là chứng cứ duy nhất để buộc tội.
Hơn nữa, khi trình bày, ngoài ghi lời khai, hỏi cung người bị tạm giam, tạm giữ, người bị can, bị cáo đều được đọc lại và đều ghi ở dưới bản khai là tôi đã đọc, ký vào đó công nhận lời khai trên là đúng, ngay cả các chỗ ngắt đoạn ở giữa cũng có ký vào đó.
Vậy việc ghi chép lại thế này là trái với Nghị định 89 của Chính phủ, chưa kể việc đem giấy tờ vào buồng tạm giam, tạm giữ cho bị can bị cáo ghi chép, rồi lưu giữ thế nào, bút giấy ở đâu.
Điều này đưa ra là không phù hợp thực tiễn và cũng không giải quyết được vấn đề để đảm bảo chứng minh cho bị can sau này bởi án tại hồ sơ. Chưa kể hồ sơ sau này còn được luật sư nghiên cứu, công khai tại tòa, toàn bộ tài liệu ghi lời khai này là một trong những tài liệu được cả điều tra viên, kiểm sát viên kiểm soát, giám sát rất chặt chẽ.
Vì vậy theo tôi không nên đưa ra quy định này, có nêu ra cũng không khả thi, lại còn gây khó khăn cho quá trình điều tra”.
Đối với đề nghị bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động của bị can, Tướng Chung cho hay, khi tổng kết 10 năm bộ luật tố tụng hình sự ở Hà Nội cho thấy 58-60% là bắt phạm tội quả tăng. Dù pháp luật không bắt buộc, nhưng trong một số vụ án cơ quan điều tra thấy bị cáo hay thay đổi lời khai hoặc cần phải đảm bảo ghi hình, ghi âm toàn bộ thì vẫn thực hiện.
Thủ tục ghi âm, ghi hình rất chặt chẽ, không phải cứ đặt máy ghi bí mật mà phải lập biên bản ghi rõ cuộc hỏi cung hôm nay được tiến hành ghi hình, ghi âm bằng những thiết bị gì, sau đó phải bật lại cho bị can bị cáo hoặc người bị tạm giam, tạm giữ nghe để xác nhận xem cuộc ghi âm đó có đúng không để họ ký vào, rồi lập biên bản, niêm phong lại. Sau này tài liệu ghi âm, ghi hình đó mới có giá trị về mặt pháp lý.
Đồng thời, ông Chung băn khoăn: “Hiện nay cả nước bắt giữ gần 100.000 bị can, bị cáo, trang bị hệ thống ghi âm ghi hình này bao nhiêu cho đủ, kho nào để chứa khối lượng hồ sơ khổng lồ đó. Bởi ít nhất trong hồ sơ 1 vụ án, từ lúc bị bắt cho đến lúc hoàn thành quá trình điều tra để khởi tố phải có 8 bản cung, 8 bản ghi lời khai, nhiều thì vài chục bản. Rồi toàn bộ kinh phí cho việc này ở đâu ra? Chưa kể không phải điều tra viên nào cũng có thể thao tác ghi âm, ghi hình được
Do vậy, tôi thấy quy định này là không thực tiễn, tốn kém và khó khả thi. Chỉ nên quy định ở góc độ những vụ án phức tạp mà trong quá trình điều tra, bản thân cơ quan điều tra cũng phải thực hiện ghi âm, ghi hình theo đúng quy định pháp luật. Sau này nếu bị can, bị cáo có vấn đề gì thì mới mở niêm phong ghi âm ghi hình ra”.
Nhiều Đại biểu Quốc hội ủng hộ "quyền im lặng" nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân. ảnh: TNO. |
Tuy nhiên, Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) thì cho rằng, trước đây công nghệ thông tin điện tử chưa hiện đại, còn bây giờ việc này thực hiện rất đơn giản thì tại sao không cho bị can, bị cáo cái quyền này.
“Việc này là để chống việc khi bị can, bị cáo ra trước tòa mới khai rằng trong quá trình điều tra các ông đánh đập, ép tôi, mớm lời cho tôi phải nói thế, chứ tôi không muốn nói thế. Giá trị của việc này rất sâu sắc nên cần ủng hộ, thể hiện tính công khai minh bach. Thời gian qua có vài việc ảnh hưởng đến tính mạng cửa nhân dân”, ông Minh nói.
Đồng thời, Đại biểu Ngô Văn Minh cũng ủng hộ quan điểm ghi âm, ghi hình, để bị can, bị cáo chép lại hồ sơ, lời khai, do hiện nay kỹ thuật công nghệ ở trình độ cao, nên có những trường hợp ghép ảnh cũng rất khó phát hiện.
Ông Minh nói thêm: “Theo tôi, điều tra đặc biệt là không nên, vì dễ bị lạm dụng, nhưng quy định trong trường hợp nào được điều tra đặc biệt, sẽ ảnh hưởng cuộc sống đời tư đời sống đời tư.
Nhưng trong trường hợp bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh quốc phòng thì áp dụng điều tra đặc biệt, trong một số trường hợp điển hình phải khoanh vùng đối tượng. nên quy định chặt chẽ điều này”.