Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắm (đoàn Quảng Trị) chỉ rõ sự vênh nhau giữa Luật giáo dục và Luật giáo dục nghề nghiệp; chính sách bất cập khiến nhiều nhà giáo thiệt thòi…đồng thời đề nghị đưa các nội dung trên vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, cũng như điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII vào năm 2015.
Luật giáo dục năm 2005 được sửa đổi bổ sung một số điều vào năm 2009, vừa qua được một số Đoàn đại biểu Quốc hội có đề nghị được tiếp tục sửa đổi.
Tuy nhiên, tại Tờ trình số 861 ngày 11/5/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và 2016, Luật giáo dục không được đưa vào chương trình với lý do được là mới được đề xuất về tên gọi, chưa có thuyết minh cụ thể nên chưa có cơ sở để đưa vào chương trình.
Sau khi xem xét các mối quan hệ giữa Luật giáo dục hiện hành và một số luật mới vừa được Quốc hội thông qua gần đây và xét thấy một số nội dung bất cập khi triển khai Luật giáo dục năm 2009, Đại biểu Hoàng Đức Thắm đề nghị Quốc hội cho phép đưa Luật giáo dục vào chương trình xây dựng luật năm 2015 hoặc năm 2016 với lý do cụ thể sau đây:
Một là, có sự không thống nhất giữa Luật giáo dục hiện hành với Luật giáo dục nghề nghiệp mới được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Cụ thể, theo Luật giáo dục trình độ Cao đẳng thuộc bậc giáo dục đại học. Còn theo Luật giáo dục nghề nghiệp thì trình độ Cao đẳng lại thuộc bậc giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Đại biểu Hoàng Đức Thắm chỉ rõ nhiều bất cập trong Luật Giáo dục. ảnh: TTBC. |
Bên cạnh đó, trong Luật giáo dục hiện nay, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp là một cơ sở của giáo dục phổ thông. Nhưng tới đây triển khai Luật giáo dục nghề nghiệp thì các trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp lại là một cơ sở của giáo dục nghề nghiệp.
Hai là, trong quá trình triển khai Luật giáo dục, một số nội dung còn rất bất cập và bất hợp lý, trong đó nổi lên hai vấn đề chính:
Thứ nhất, trong Luật giáo dục sửa đổi năm 2009 có phân biệt nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Theo đó cán bộ quản lý giáo dục không phải là nhà giáo. Đây là một vấn đề cũng cần phải xem xét lại.
Ông Thắm phân tích: “Theo tôi cán bộ quản lý giáo dục là nhà giáo công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, kể cả các nhà giáo đang làm công tác quản lý tại các cơ sở giáo dục.
Cán bộ quản lý giáo dục hiện nay phần lớn họ là những nhà giáo, họ có một thời gian trực tiếp giảng dạy tại cơ sở giáo dục.
Họ là những nhà giáo giỏi, có năng lực, có kinh nghiệm, có phẩm chất chính trị đạo đức, tác phong tốt họ mới được điều động, bổ nhiệm lên làm việc tại các cơ quan quản lý giáo dục. Thế mà họ lại mất đi thiên chức nhà giáo.
Mặt khác, tôi thấy tuy trong Luật giáo dục có quy định cán bộ quản lý giáo dục không phải là nhà giáo, nhưng Nhà nước ta vẫn thừa nhận cán bộ quản lý giáo dục vẫn là nhà giáo. Có như vậy, họ mới được phong tặng các danh hiệu cao quý như Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú”.
Thứ hai, tại Điều 81 của Luật giáo dục hiện hành có quy định về chế độ thâm niên trong ngành giáo dục: "Nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ".
Như vậy, thâm niên chỉ được quy định cho nhà giáo trực tiếp giảng dạy và cán bộ quản lý đang công tác tại các cơ sở giáo dục. Còn cán bộ quản lý giáo dục tại các Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục, Bộ Giáo dục thì không thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên.
“Tôi thấy điều này rất bất hợp lý, một giáo viên giỏi, một cán bộ quản lý giỏi ở cơ sở họ thì mới được điều động lên công tác tại các cơ quan quản lý giáo dục, thế mà họ lại không được hưởng chế độ thâm niên của Nhà nước.
Việc này không đảm bảo công bằng trong ngành giáo dục và cũng không đảm bảo công bằng so với các ngành khác mà hiện nay đang hưởng chế độ thâm niên của Nhà nước”, ông Thắm bày tỏ.
Để khắc phục một phần bất hợp lý trên, ngày 5/8/2011 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 42 về bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động đến làm công tác tại các phòng giáo dục, các sở giáo dục.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời và quyết định này cũng chỉ có hiệu lực đến ngày 31/5/2015, chỉ còn vài ngày nữa là hết hiệu lực.
Ông Thắm đề nghị: “Với những lý do trên, tôi đề nghị Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội cân nhắc thêm để đưa Luật giáo dục vào chương trình sửa đổi năm 2015 hoặc năm 2016 để có cơ sở giải quyết những bất cập trên”.