Án phạt cao nhất là 15 năm tù?
Như đã đưa tin, vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 vừa qua, tại Quảng Ninh đã liên tiếp xảy ra các vụ nộ độc “Rượu nếp 29 Hà Nội”. Hậu quả, đã có 6 người chết và một số người khác phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Liên quan đến vụ việc này, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với 3 đối tượng thuộc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 29 Hà Nội để phục vụ cho công tác điều tra làm rõ về tội “Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Rượu nếp 29 Hà Nội đã bị chỉ đạo thu giữ trên toàn quốc. Giám đốc công ty sản xuất loại rượu này đã bị bắt giữ khẩn cấp. |
3 đối tượng này gồm: Nguyễn Duy Vường (46 tuổi, ở phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 29 Hà Nội), Trần Xuân Mạnh (30 tuổi, quê ở xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), Đặng Văn Cảnh (36 tuổi, quê ở xã Song Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, hai người này đang tạm trú tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội). Mạnh và Cảnh là nhân viên của Vường, phụ trách kỹ thuật pha chế, sản xuất rượu nếp 29 Hà Nội.
Phóng viên Báo Giáo Dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Phú Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) liên quan đến khía cạnh pháp lý của vụ việc nói trên.
Luật sư Thắng cho biết, theo Điều 244 Bộ Luật Hình sự, người phạm tội “Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 15 năm. Trong trường hợp này, nếu xác định được hành vi “Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” của công ty sản xuất Rượu nếp 29 Hà Nội thực sự là nguyên nhân dẫn đến cái chết của 6 người, thì nhiều khả năng, các cá nhân phạm tội sẽ bị áp dụng khung hình phạt cao nhất là từ 7 năm đến 15 năm tù.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể phạt tiền đến 50 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề ở lĩnh vực liên quan trong vòng 5 năm.
Tại sao không khởi tố về tội Giết người?
Theo LS Thắng, mặc dù vụ ngộ độc rượu gây chết nhiều người nhưng việc cơ quan điều tra khởi tố về tội “Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” theo Điều 244, Bộ Luật Hình sự là có cơ sở.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng. |
Một số ý kiến cho rằng, hành vi của giám đốc và cán bộ quản lý kỹ thuật thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội "Giết người” là không đúng. Bởi vì, thứ nhất, người phạm tội không có động cơ, mục đích là tước đoạt tính mạng con người trước khi, trong khi thực hiện hành vi. Thứ hai, hậu quả chết người là nằm ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội, mục đích chính chỉ là nhằm gia tăng lợi nhuận nên không có dấu hiệu của tội Giết người.
Trường hợp của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội, báo chí thông tin kết quả kiểm định các mẫu rượu thu được từ các vụ ngộ độc trên cho thấy, hàm lượng methanol và ethanol trong rượu chiếm từ 80-98%, vượt từ 1.600 đến 1.900 lần tiêu chuẩn cho phép (theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7044:2009). Đây là một loại cồn công nghiệp có độc tính cao, cấm sử dụng trong ăn uống. Lô sản phẩm nói trên bị vi phạm về hàm lượng methanol. Hậu quả của việc vi phạm quy định trong chế biến tính đến nay đã làm 6 người chết và nhiều người bị ngộ độc trong tình trạng nguy kịch.
Như vậy, việc khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo quy định tại Điều 244 Bộ Luật Hình sự hiện hành là đúng theo quy định của pháp luật.
Giám đốc, cán bộ phụ trách kỹ thuật, người thực hiện hành vi sẽ là những cá nhân chịu trách nhiệm trước tiên đối với vụ việc này. Trong quá trình điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, cơ quan CSĐT có thể tố khởi tố bổ sung các bị can khác và khởi tố bổ sung tội danh khác tương ứng với từng hành vi phạm tội của từng bị can./.