Giám đốc Sở GD Quảng Ngãi: Tuyển gần 1.200 chỉ tiêu khắc phục việc thiếu GV

31/07/2023 06:32
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để khắc phục tình trạng thiếu GV, Quảng Ngãi sẽ tuyển dụng gần 1.200 chỉ tiêu (sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật đến tháng 9/2023), đồng thời, tăng cường GV hợp đồng.

Tuyển dụng gần 1.200 giáo viên cho năm học 2023-2024

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Thái - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Năm học 2022-2023, ngành giáo dục và đào tạo chủ yếu thiếu giáo viên bậc mầm non, tiểu học, tập trung ở khu vực miền núi; còn ở khu vực đồng bằng và thị xã thì cơ bản đáp ứng”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thái, tháng 10/2023, Quảng Ngãi sẽ tuyển dụng gần 1.200 chỉ tiêu cho năm học 2023-2024.

“Ngày 12/5/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đặng Văn Minh đã ký văn bản số 2119/UBND-NC phê duyệt kế hoạch tuyển dụng giáo viên năm 2023. Theo đó, thống nhất tuyển dụng 1.192 giáo viên năm 2023 cho các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

Văn bản nêu rõ các chỉ tiêu tuyển dụng bao gồm: bậc mầm non 283 chỉ tiêu; bậc tiểu học 528 chỉ tiêu; bậc trung học cơ sở 268 chỉ tiêu; bậc trung học phổ thông 113 chỉ tiêu.

Tuy nhiên, từ nay đến tháng 9/2023, các đơn vị sẽ rà soát, tổng hợp danh sách và bổ sung chỉ tiêu tuyển dụng, bởi còn có những giáo viên xin chuyển công tác hoặc nghỉ hưu” - ông Thái thông tin thêm.

Ông Nguyễn Ngọc Thái - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: quangngaitv.vn.

Ông Nguyễn Ngọc Thái - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: quangngaitv.vn.

Theo kế hoạch, việc tuyển dụng giáo viên tại Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo hình thức xét tuyển (vòng 1: Kiểm tra điều kiện dự tuyển tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, nếu đáp ứng đủ thì người dự tuyển được tham dự vòng 2: Thực hiện thi viết môn nghiệp vụ chuyên ngành).

Riêng việc tuyển dụng giáo viên cho các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định theo phân cấp và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh lưu ý, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ưu tiên việc tuyển dụng giáo viên theo chính sách thu hút tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Trường hợp vị trí việc làm không có hồ sơ xét tuyển thu hút hoặc xét tuyển không đạt yêu cầu thì mới thực hiện tuyển dụng viên chức theo quy định tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Sẽ tổ chức thi viết môn nghiệp vụ chuyên ngành vào ngày 29/10/2023. Các địa phương không đủ điều kiện để tổ chức thi tuyển vòng 2 thì thi ghép với các đơn vị khác.

Đồng thời, cho phép Ủy ban nhân dân các huyện miền núi thực hiện việc tuyển dụng người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện không quá 40% chỉ tiêu tuyển dụng (nếu có nhu cầu).

Trường hợp không tuyển đủ chỉ tiêu người dân tộc thiểu số, thì tuyển dụng các thí sinh khác thi cùng vị trí việc làm và lấy kết quả từ cao xuống thấp để đảm bảo chỉ tiêu tuyển dụng.

Thiếu giáo viên ở miền núi vì tâm lý e ngại

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi, một trong những vấn đề lớn của địa phương hiện nay chính là thiếu đội ngũ giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật bậc trung học phổ thông.

“Đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn, thầy cô được phân công giảng dạy các môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp,… còn khó khăn do chỉ được đào tạo đơn môn hoặc phải dạy kiêm nhiệm môn mới chưa được đào tạo.

Các môn học mới như Âm nhạc, Mỹ thuật cấp trung học phổ thông không đủ giáo viên. Vừa rồi, mặc dù đã tuyển dụng được một số giáo viên Nghệ thuật, nhưng trong đó, chỉ có một số ít giáo viên mới, còn lại là các thầy cô chuyển từ bậc trung học cơ sở lên.

Hiện tại, Sở cũng đã tiếp nhận hồ sơ của một số giáo viên có trình độ đại học ở bậc trung học cơ sở, có nhu cầu chuyển lên trung học phổ thông. Đối với các thầy cô có nhu cầu, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã sẽ xem xét, nếu đồng ý chuyển thì Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp nhận về các đơn vị trực thuộc.

Về bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật tại các trường trung học cơ sở trong cùng huyện, một giáo viên Mỹ thuật hoặc Âm nhạc có thể dạy liên trường, số tiết cũng không nhiều, nên có thể khắc phục được.

Bên cạnh khó khăn trong tuyển dụng giáo viên ở các bậc học như mầm non, tiểu học và bộ môn Nghệ thuật, thiếu giáo viên Tin học, Ngoại ngữ cũng đang là một trong những thách thức lớn nhất của địa phương. Giáo viên giảng dạy hai bộ môn này không chỉ khó sắp xếp nhất ở các trường thuộc khu vực miền núi, mà đối với bậc trung học phổ thông cũng rất khó phân công dù không phải thiếu quá nhiều” - ông cho biết.

Buổi dạy thực nghiệm Tài liệu giáo dục địa phương (chủ đề 6) của lớp 11 tại Trường Trung học phổ thông Võ Nguyên Giáp (Quảng Ngãi). Ảnh: quangngai.edu.vn.

Buổi dạy thực nghiệm Tài liệu giáo dục địa phương (chủ đề 6) của lớp 11 tại Trường Trung học phổ thông Võ Nguyên Giáp (Quảng Ngãi). Ảnh: quangngai.edu.vn.

Liên quan những khó khăn trong tuyển dụng giáo viên, vị Giám đốc phân tích: “Thực trạng thiếu giáo viên sẽ khó giải quyết triệt để, vì số lượng giáo viên luôn biến động bởi nhiều yếu tố khác nhau như nghỉ hưu, chuyển việc...

“Bài toán” thiếu giáo viên hiện nay còn do sự thay đổi về quy định. Chẳng hạn, trước đây, giáo viên bậc tiểu học, mầm non chỉ cần có bằng trung cấp, nhưng nay, Luật Giáo dục 2019 quy định giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng và tiểu học phải có trình độ đại học.

Việc thi tuyển giáo viên, nhất là ở miền núi gặp nhiều khó khăn do quy định về bằng cấp nên nguồn tuyển hạn chế.

Mặt khác, nguyên nhân lớn nhất do nguồn tuyển khó khăn, phần nào có lẽ về mặt tâm lý, sinh viên sau khi tốt nghiệp mong muốn làm việc ở vùng điều kiện thuận lợi, thường e ngại công tác ở miền núi vì điều kiện ăn ở, đi lại của giáo viên, nhất là nữ rất khó khăn. Chính vì vậy, trong mỗi đợt thi tuyển viên chức, rất ít người đăng ký thi tuyển ở các địa bàn này, chủ yếu nộp hồ sơ ở vùng đồng bằng, thuận lợi, trong khi nhu cầu ở miền núi mới là cao”.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi trao thưởng cho các giáo viên Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Khiết đạt thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong năm học 2022-2023. Ảnh: quangngai.edu.vn.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi trao thưởng cho các giáo viên Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Khiết đạt thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong năm học 2022-2023. Ảnh: quangngai.edu.vn.

Từ khó khăn trong thực tiễn tuyển dụng giáo viên, ông Nguyễn Ngọc Thái cho rằng, một trong những giải pháp hàng đầu để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy và học, chính là sử dụng giáo viên hợp đồng. Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh cũng nêu rõ, trường hợp các trường thiếu giáo viên giảng dạy, yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thực hiện hợp đồng giáo viên theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ.

Cũng theo vị Giám đốc Sở, thời gian qua, Quảng Ngãi mới chỉ tiến hành nâng chuẩn giáo viên theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP, mà vẫn chưa tính đến phương án đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Ngọc Thái cho hay: “Đã rất nhiều lần tôi có kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những “điểm nghẽn” trong triển khai đặt hàng đào tạo tạo giáo viên theo Nghị định này. Khó ở chỗ, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ rà soát, thống kê nhu cầu giáo viên theo từng trình độ, cấp học. Trên cơ sở đó, xác định chỉ tiêu để giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc tỉnh hoặc đặt hàng đào tạo giáo viên với các trường sư phạm. Điều này đồng nghĩa với việc phải có trách nhiệm về đầu ra với các sinh viên được đặt hàng.

Tuy nhiên, hiện nay, việc tuyển dụng giáo viên vẫn phải theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ nên những sinh viên này cũng trải qua kỳ thi tuyển như ứng viên khác. Khi thi tuyển, có thể các em không trúng tuyển. Như vậy nếu sau khi tốt nghiệp, nếu thi tuyển không đỗ, những giáo sinh này sẽ về đâu?... Chính những điều này khiến địa phương vẫn chưa tiến hành đặt hàng sinh viên sư phạm”.

“Vì vậy, tôi cho rằng, để các địa phương “mặn mà” hơn, cần chỉnh sửa Nghị định 116, sắp xếp làm sao để tránh tình trạng địa phương bỏ kinh phí đào tạo sinh viên sư phạm xong lại không tuyển dụng được giáo viên” - vị Giám đốc Sở nhấn mạnh.

Ngân Chi