Năm học 2023-2024, Bình Dương dự kiến thiếu 3.241 giáo viên theo định mức

09/07/2023 07:35
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bình Dương có tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh, dẫn đến thiếu trường lớp, thiếu GV kéo dài, phải tăng sĩ số HS/lớp để dồn lớp, không thể dạy 2 buổi/ngày.

Đẩy mạnh chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương đã có báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới 2023-2024.

Theo báo cáo này, năm học 2022-2023, toàn ngành đã đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành bước đầu trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiến tới thực hiện thành công chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo.

Một số kết quả cụ thể: Tháng 6/2023, toàn ngành có 730 trường, trung tâm (gồm 394 đơn vị công lập, tỉ lệ 53,97%; 336 đơn vị ngoài công lập, tỉ lệ 46,03%). So với cùng kỳ năm học trước giảm 01 trường (cụ thể: tăng 03 trường trung học cơ sở công lập; giảm 01 trường mầm non công lập và 03 trường mầm non ngoài công lập).

Tổng số học sinh, học viên toàn ngành là 510.861 (công lập: 405.675; ngoài công lập: 105.186). So với cùng kỳ năm học trước tăng 34.241 học sinh.

Một giờ học tại Trường Mầm non Hải Âu (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ảnh: Mộc Trà.

Một giờ học tại Trường Mầm non Hải Âu (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ảnh: Mộc Trà.

Tính đến tháng 5/2023, tổng số công chức, viên chức, nhân viên toàn ngành giáo dục và đào tạo là 19.878 người (không bao gồm số liệu ngoài công lập và khối giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện). Trong đó, giáo viên là 14.883 người và cán bộ quản lý là 1.048 người.

Về trình độ đào tạo: Đội ngũ viên chức quản lý có trình độ đạt chuẩn trở lên là 1.032 người, đạt tỉ lệ 98,47%; trên chuẩn có 385 người, đạt tỉ lệ 36,74%. Đội ngũ giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên là 13.122 người, đạt tỉ lệ 88,17% (tăng 3,71% so với cùng kỳ năm học 2021-2022), trên chuẩn là 1.971 người, đạt tỉ lệ 13,24% (tăng 0,89% so với cùng kỳ năm học 2021-2022).

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học: Năm học 2022-2023, các trường mầm non công lập trong tỉnh được bảo đảm đủ đồ chơi ngoài trời, các bộ đồ chơi tăng cường phát triển kỹ năng vận động cho trẻ; các trường phổ thông cơ bản bảo đảm thiết bị dạy học. Bên cạnh đó, ngành cũng chỉ đạo các trường học có kế hoạch khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại...

Về chất lượng giáo dục: Đối với bậc mầm non, năm học 2022-2023, tỉ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đạt 32,44%; mẫu giáo đạt 91,77%. Tỉ lệ huy động trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đạt 70,40% (vượt 10,40% so với kế hoạch).

Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non sau sửa đổi, bổ sung và thực hiện các Chuyên đề “Đẩy mạnh phòng, chống bạo hành trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non”, “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non”.

Đẩy mạnh việc thực hiện chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo. Các trường mầm non chủ động lựa chọn và tổ chức liên kết với các trung tâm ngoại ngữ có uy tín đã được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp phép thành lập và cho phép hoạt động để xây dựng kế hoạch tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh.

Đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên: Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, 2, 6, và lớp 3, 7, 10 từ năm học 2022-2023. Hoàn thành công tác lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 năm học 2023-2024; đồng thời phối hợp các nhà xuất bản tổ chức hội thảo giới thiệu sách giáo khoa; tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng và triển khai trong công chức viên chức quản lý, giáo viên thực hiện sách giáo khoa theo lộ trình năm học...

Năm học 2023-2024 dự kiến thiếu 3.241 giáo viên

Năm học 2023-2024, dự kiến toàn ngành có 732 trường, trung tâm (396 trường công lập, 336 trường ngoài công lập), tăng 2 trường tiểu học công lập; tổng số học sinh các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên toàn tỉnh dự kiến khoảng 548.093 học sinh, tăng thêm 37.232 học sinh so với năm học 2022-2023 (khối công lập tăng 23.273 học sinh, khối ngoài công lập tăng 13.959 học sinh).

Về việc tiếp nhận trẻ mầm non, mẫu giáo và công tác tuyển sinh đầu cấp: Đối với giáo dục mầm non, ưu tiên tiếp nhận trẻ em mẫu giáo 5 tuổi vào học tại các trường mầm non, mẫu giáo công lập; Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố rà soát các điều kiện, tiêu chuẩn của các trường mầm non, mẫu giáo ngoài công lập để giao chỉ tiêu thu nhận trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo, trong đó tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi phấn đấu đạt trên 99% so với tổng số trẻ trong độ tuổi, đảm bảo thực hiện có hiệu quả Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Đối với trẻ 6 tuổi vào học lớp 1: Tuyển 100% trẻ 6 tuổi cư trú trên địa bàn vào học lớp 1, dự kiến năm học 2023-2024 toàn tỉnh có 1.100 lớp 1 với 45.026 trẻ 6 tuổi (theo điều tra dân số trong đó có 38.108 trẻ 5 tuổi đã học mẫu giáo trong năm học 2022-2023). Số học sinh tăng cơ học 6.918 học sinh.

Số học sinh tăng cơ học cao, các trường tiểu học luôn trong tình trạng quá tải sĩ số, không thể học 2 buổi/ngày. Ảnh: Mộc Trà.

Số học sinh tăng cơ học cao, các trường tiểu học luôn trong tình trạng quá tải sĩ số, không thể học 2 buổi/ngày. Ảnh: Mộc Trà.

Đối với lớp 6: Dự kiến xét tuyển 83.707 học sinh vào lớp 6 công lập, trong đó, có 630 học sinh học lớp 6 tạo nguồn (21 lớp/04 trường trung học cơ sở tạo nguồn và 01 trường trung học cơ sở có lớp tạo nguồn) và 901 học sinh học lớp 6 tiếng Anh tăng cường (26 lớp/21 trường trung học cơ sở có dạy tăng cường tiếng Anh).

Đối với lớp 10 trung học phổ thông: Ngành giáo dục và đào tạo đã tổ chức thi tuyển với 03 môn: Toán, Văn và tiếng Anh cho 22.059 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 trung học phổ thông (tăng 2.371 thí sinh so với năm học trước). Chỉ tiêu dự kiến ở các trường công lập là 12.700 học sinh; ngoài công lập là 3.248 học sinh.

Ngày 31/7/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố điểm chuẩn vào các trường trung học phổ thông công lập. Nhằm bảo đảm phân luồng sau tốt nghiệp trung học cơ sở, Sở dự kiến tuyển 70% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và có dự thi vào lớp 10 trung học phổ thông công lập. Số học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập dự kiến sẽ tham gia học tại các trường ngoài công lập, Trung tâm giáo dục thường xuyên và bồi dưỡng nghiệp vụ tỉnh, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện, thị xã, thành phố hoặc học tại các trường trung cấp trong tỉnh. Số học sinh không dự thi vào lớp 10 trung học phổ thông dự kiến sẽ tham gia học tại các trường trung cấp trong tỉnh hoặc tham gia vào thị trường lao động.

Dự kiến, cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm 19 công trình trường công lập được hoàn thành, với tổng mức đầu tư trên 2.101 tỷ đồng. Số phòng học tăng thêm ở năm học 2023-2024 là 337 phòng.

Để bảo đảm yêu cầu dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, toàn ngành đang nỗ lực phối hợp với các đơn vị, trường học mua sắm thiết bị dạy học lớp 3,7,10 và các khối lớp theo lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới…

Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục duy trì theo hướng bền vững; tiếp tục thực hiện các giải pháp khuyến khích, tăng cường công tác đầu tư giáo dục của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát biên chế, sắp xếp, bố trí đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên phù hợp chuyên môn và vị trí việc làm; hạn chế tối đa tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại các đơn vị, địa phương.

Dự kiến năm học 2023-2024 thiếu 3.241 giáo viên theo định mức (528 giáo viên mầm non, 1.012 giáo viên tiểu học, 1.550 giáo viên trung học cơ sở, 151 giáo viên trung học phổ thông) và 544 viên chức khác.

Dự kiến năm học 2023-2024, Bình Dương thiếu 3.241 giáo viên theo định mức. Ảnh: Mộc Trà.

Dự kiến năm học 2023-2024, Bình Dương thiếu 3.241 giáo viên theo định mức. Ảnh: Mộc Trà.

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và gửi Sở Nội vụ thẩm định kế hoạch tuyển dụng viên chức các đơn vị trực thuộc Sở với 160 chỉ tiêu; Sở Giáo dục và Đào tạo đã thông báo tuyển dụng và đang tổng hợp hồ sơ của thí sinh đăng ký dự tuyển để tham mưu xét tuyển theo quy định. Các huyện, thị xã, thành phố hiện cũng đang triển khai thực hiện công tác tuyển dụng viên chức ngành giáo dục đào tạo tại địa phương theo phân cấp quản lý hiện hành.

Trên cơ sở kết quả sau tuyển dụng, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với Sở Nội vụ để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chủ trương hợp đồng viên chức còn thiếu theo quy định; tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện các phương án về phân công giáo viên dạy thêm giờ, dạy thỉnh giảng nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trong thời gian chưa được tuyển dụng đủ số lượng theo quy định.

Nhiều khó khăn, vướng mắc mang tính cấp thiết và lâu dài

Báo cáo này cũng chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc mang tính lâu dài: Hằng năm, Bình Dương có tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến tình trạng thiếu trường, thiếu phòng học, thiếu giáo viên kéo dài; tình trạng giáo viên, nhân viên trong ngành xin nghỉ việc nhiều,… nên các trường phải thực hiện phương án tăng sĩ số học sinh/lớp để dồn lớp, không thể tổ chức giảng dạy 2 buổi/ngày. Từ đó, đã ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo quy định, ảnh hưởng đến việc xây dựng, duy trì tỉ lệ trường chuẩn Quốc gia.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng đề cập đến những khó khăn, vướng mắc mang tính cấp thiết cần tháo gỡ chuẩn bị cho năm học 2023-2024.

Thứ nhất, trong quá trình tham mưu thành lập Hội đồng trường và công nhận Chủ tịch Hội đồng trường đối với trường phổ thông tư thục có vốn đầu tư nước ngoài, Sở Giáo dục và Đào tạo gặp khó khăn do vướng mắc trong thực hiện các chỉ đạo, hướng dẫn tại Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26/9/2012 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục; Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục; Thông tư số 40/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục. Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo gặp khó khăn trong việc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thành lập Hội đồng trường và công nhận Chủ tịch Hội đồng trường Trường Tiểu học Việt Hoa.

Thứ hai, hiện nay, có rất nhiều địa điểm giảng dạy ngoại ngữ, giáo dục kỹ năng sống và tổ chức dạy học ngoài nhà trường tự phát, không làm hồ sơ xin cấp phép hoạt động. Đặc biệt, do nhu cầu học 2 buổi/ngày nên nhiều trung tâm giữ trẻ, học sinh bán trú ngoài nhà trường cấp tiểu học hình thành, phát triển ngày càng nhiều, gây khó khăn trong công tác quản lý đối với ngành và các địa phương.

Do nhu cầu học 2 buổi/ngày, nhiều trường học không đủ cơ sở vật chất đáp ứng, nên có những trung tâm giữ trẻ, học sinh bán trú ngoài nhà trường cấp tiểu học hình thành, phát triển ngày càng nhiều, gây khó khăn trong công tác quản lý. Trong hình: Chỉ một phần số học sinh được ở bán trú tại Trường Tiểu học Thuận Giao (Thuận An, Bình Dương). Ảnh: Mộc Trà.

Do nhu cầu học 2 buổi/ngày, nhiều trường học không đủ cơ sở vật chất đáp ứng, nên có những trung tâm giữ trẻ, học sinh bán trú ngoài nhà trường cấp tiểu học hình thành, phát triển ngày càng nhiều, gây khó khăn trong công tác quản lý. Trong hình: Chỉ một phần số học sinh được ở bán trú tại Trường Tiểu học Thuận Giao (Thuận An, Bình Dương). Ảnh: Mộc Trà.

Thứ ba, theo thẩm quyền, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép tổ chức dạy nghề ngoại ngữ, tin học cho các doanh nghiệp theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lợi dụng tổ chức giảng dạy không đúng chương trình, đối tượng, quy mô... được cấp phép (như dạy tiếng Anh, kỹ năng sống cho học sinh mầm non, phổ thông; luyện thi các chứng chỉ tiếng Anh…).

Thứ tư, về kinh phí biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương: Năm 2022, theo kế hoạch, tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, lớp 7 và lớp 10 sẽ tiếp tục thực hiện bằng nguồn xã hội hóa nên Sở Giáo dục và Đào tạo chưa lập dự toán nguồn kinh phí để chi trả cho công tác biên soạn, thẩm định tài liệu và dạy thực nghiệm. Do có một số hướng dẫn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm chấn chỉnh trong công tác in ấn, phát hành nên Sở vẫn chưa có phương án để in ấn và phát hành trong năm học 2022-2023.

Hiện nay, cơ sở giáo dục triển khai giảng dạy tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Bình Dương lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 dưới dạng file PDF.

Theo chỉ đạo, Sở Giáo dục và Đào tạo ngưng công tác phối hợp với các nhà xuất bản trong việc thiết kế, minh họa, điều chỉnh số liệu, hình ảnh… nên các thành viên trong Ban Biên soạn, Ban thẩm định và dạy thực nghiệm tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Bình Dương dù đã thực hiện xong nhiệm vụ nhưng vẫn chưa được thanh toán tiền thù lao theo quy định.

Theo Công văn số 2075/STC-TCHCSN ngày 20/6/2023 của Sở Tài chính về việc thanh toán chi phí thực hiện in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Bình Dương, Sở Tài chính không có cơ sở để tham mưu sử dụng ngân sách nhà nước thanh toán tiền biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương mà đơn vị đã thực hiện năm 2022.

Hiện nay, đối với tài liệu giáo dục địa phương lớp 4, lớp 8 và lớp 11, Ban biên soạn chỉ thực hiện soạn và chịu trách nhiệm về nội dung; còn gặp khó khăn trong việc thiết kế, chế bản tài liệu cho đúng chuẩn của sách giáo khoa để lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, thẩm định quốc gia theo đúng quy trình.

Thứ năm, về mua sắm trang thiết bị tối thiểu theo chương trình giáo dục phổ thông 2018: Năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo lập dự toán trang bị thiết bị tối thiểu cho lớp 6 và lớp 10. Ngày 07/11/2022 Sở Tài chính có Công văn số 4252/STC-TCHCSN về việc bố trí dự toán mua sắm thiết bị dạy học, theo đó Sở Tài chính đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư để được bố trí từ nguồn thu xổ số kiến thiết theo quy định. Ngày 30/12/2022 Sở Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 3781/SKHĐT-KGVX về việc xác định nguồn kinh phí mua sắm thiết bị dạy học theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo; theo đó Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài chính tiếp tục thực hiện từ nguồn vốn chi thường xuyên.

Thứ sáu, Đề án “Củng cố, tăng cường, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất của ngành giáo dục tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” tiến độ điều chỉnh, bổ sung còn chậm so với kế hoạch đề ra do quá trình hoàn chỉnh Đề án còn vướng số liệu chưa được thống nhất giữa các sở, ngành liên quan; khó khăn trong việc xác định quy mô dân số theo độ tuổi của từng địa phương giai đoạn từ 2021-2025.

Một lớp ghép ở Trường Tiểu học Thuận Giao 3 (Thuận An, Bình Dương). Ảnh: Mộc Trà.

Một lớp ghép ở Trường Tiểu học Thuận Giao 3 (Thuận An, Bình Dương). Ảnh: Mộc Trà.

Thứ bảy, đối với Đề án “Phát triển tỉnh Bình Dương thành trung tâm giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cấp vùng và quốc gia”: Đây là một Đề án có quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của tỉnh trong tương lai nên cần phải có thời gian và chuyên gia trong việc xây dựng Đề án, nên hiện tại Sở Giáo dục và Đào tạo chưa tham mưu được đề cương chi tiết của Đề án theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Thứ tám, đối với Đề án “Tổ chức dạy song ngữ, tiếng Anh tại Trường Trung học phổ thông chuyên Hùng Vương của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022-2030”: Hiện nay, dự thảo Đề án song ngữ đã cơ bản hoàn thành sau nhiều lần thống nhất với Sở Tài chính về kinh phí hoạt động của từng nhiệm vụ trong Đề án.

Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo nhận được góp ý của Sở Tài chính về việc không thống nhất với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc vận dụng Thông tư số 51/2018/TT-BTC ngày 23/5/2018 của Bộ Tài chính để tính hệ số 3.0 cho mỗi tiết dạy các môn học bằng tiếng Anh cho giáo viên.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh mức tính kinh phí bồi dưỡng theo hệ số 1.0 cho mỗi tiết dạy bằng tiếng Anh cho giáo viên nhưng Sở nhận thấy, nếu giảm mức tính kinh phí này thì chưa tương xứng với việc đầu tư soạn giảng bằng tiếng Anh cho giáo viên.

Do đó, đến nay, dự thảo Đề án chưa thống nhất để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo kế hoạch.

Mộc Trà