Trao đổi với báo chí bên lề lễ trao giải chương trình sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam 2011, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng nói:
Ông Trần Quốc Lượng |
- Để phòng chống tham nhũng, phải có sức mạnh tổng hợp. Chúng ta có quyết tâm chính trị rất mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước. Đây chính là thế mạnh. Tuy nhiên, kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của chúng ta chưa nhiều.
"Việc quy định bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình là một bước tiến mới. Cũng có người nói giải pháp này chưa được như mong muốn, nhưng phải từng bước và làm kiên trì.
Về nguyên tắc có yêu cầu phải kê khai các tài sản ở nước ngoài. Chúng ta là nước thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về phòng, chống tham nhũng. Ngay cả bí mật như ngân hàng Thụy Sĩ nhưng trước áp lực của Công ước này, vừa rồi cũng phải cung cấp thông tin. Cho nên mình không ngại là không lấy được thông tin từ nước ngoài".
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng
|
Bên cạnh đó hệ thống luật pháp chưa đồng bộ, có những cái xung đột nhau. Lực lượng cán bộ của mình còn thiếu tính chuyên nghiệp, năng lực trình độ có hạn...
Hiện cũng có nhiều đề xuất liên quan đến vấn đề tổ chức tăng cường thực thi pháp luật, như có ý kiến cho rằng nên tính lại cơ cấu tổ chức các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng.
Chúng tôi cũng phối hợp với các ngành để trong tổng kết Luật phòng, chống tham nhũng, xem mô hình tổ chức của ta hiện nay đã đáp ứng chưa.
Ví dụ như mô hình của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và Văn phòng Ban chỉ đạo, rồi các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng khác đã phù hợp chưa, nếu chưa phù hợp thì có đề xuất để tổ chức phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hơn.
* Kinh nghiệm thế giới cho thấy quan trọng nhất là phải minh bạch hóa...
- Về mặt chủ trương chúng ta đã đặt ra vấn đề này, đó là giảm thiểu tối đa những quy định bí mật nhà nước. Chủ trương như vậy nhưng trong thực tế hiện nay cũng có một số cơ quan, một số tập đoàn kinh tế viện dẫn bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh để không cung cấp tổ chức hoặc hoạt động của mình.
Theo Luật phòng, chống tham nhũng, các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai về tổ chức, hoạt động. Nhiều nơi cho rằng đây là bí mật nhà nước vì trong quy định có nói “trừ những cái thuộc bí mật nhà nước”.
Hiện trong chỉ đạo của Chính phủ là phải sửa đổi hệ thống văn bản về bí mật nhà nước, cái nào thực sự làm phương hại đến an ninh quốc gia hoặc làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, có tác dụng ngược với xã hội thì không công khai; còn về nguyên tắc, tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước, hoạt động tài chính của các doanh nghiệp, hoạt động đầu tư của các tập đoàn phải được công khai.
* Thưa ông, đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn đã được xây dựng đến đâu?
- Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng và đề xuất hoàn thiện một loạt cơ chế chính sách liên quan đến kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn. Tuy nhiên, đề xuất này chưa rõ ở ba ý: thứ nhất là cơ sở pháp lý, thứ hai là cơ sở thực tiễn, thứ ba là một số vấn đề khác liên quan đến đề xuất của Thanh tra Chính phủ.
Tổng thanh tra Chính phủ đã giao đơn vị chức năng rà soát các đề xuất của mình, tổng hợp lại để báo cáo Chính phủ. Về lâu dài sẽ xây dựng đề án và đề án này phải trình ra Quốc hội. Đúng là cơ quan Quốc hội đã nhắc Chính phủ chậm trình đề án này, quả thực làm đề án rất khó, nhưng khó không có nghĩa là không làm được mà sẽ thực hiện theo lộ trình.
* Ông có thể nêu một khó khăn cụ thể?
- Các nước đã kiểm soát tài sản, thu nhập trong toàn quốc gia rất tốt, không chỉ quan chức mà đến từng hộ gia đình, nhưng quản lý của mình chưa tốt. Ví dụ, đất đai là cái nhìn thấy, sờ thấy nhưng quản lý của mình còn yếu. Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ công chức và toàn xã hội phải có lộ trình, tôi chắc là thời gian cũng không thể nhanh được, nhưng mình phải làm.V.V. THÀNH ghi
Theo V.V. THÀNH/Tuổi trẻ