Cập nhật từng phút kỳ thi ĐH đợt 2 tại Hà Nội và TP.HCM

09/07/2012 06:52
Nhóm PVGDVN
(GDVN) - Sáng nay (9/7), 576.534 thí sinh trên cả nước sẽ chính thức bước vào kỳ thi ĐH, CĐ đợt 2. Khối B sẽ bước vào môn thi Sinh, còn Khối C thi môn Văn. 
Khu vực Đống Đa: ĐH Y, HV Ngân hàng là "điểm nóng"

Nhóm PV Báo Giáo dục Việt Nam ghi nhận tình hình kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, đợt 2 tại các điểm thi thuộc khu vực quận Đống Đa, Hà Nội.
5h30 tại các điểm thi Học viện Ngân hàng, ĐH Y, ĐH Thủy lợi, ĐH Công đoàn ngay từ sáng sớm đã tập trung rất đông thí sinh và phụ huynh. Hầu hết các thí sinh đều tỏ ra rất hồi hộp và lo lắng, phụ huynh cũng nóng lòng không kém.
Thí sinh Đặng Thanh Mai, quê Nam Định dự thi vào khoa Ngôn ngữ tiếng Anh, Học viện Ngân hàng (Hà Nội) có mặt tại cổng trường thi từ rất sớm. Trước giờ thi, Mai tỏ ra khá căng thẳng vì lo lắng. Tuy nhiên, bên cạnh em luôn có sự sát cánh, đồng hành của người bố. Mai cho biết: “Em thấy khá căng thẳng và hồi hộp! Không biết đề thi năm nay sẽ thế nào nữa? Buổi sáng, bọn em thi môn Văn. Em lo nhất là đề Văn dài, không căn đủ thời gian làm bài. Năm ngoái khoa Ngôn ngữ tiếng Anh lấy 20 điểm đầu vào, tiếng Anh không nhân hệ số. Em thấy điểm đầu vào như vậy không quá cao nhưng cũng không hề thấp. Em sẽ cố gắng để thi tốt nhất…”.

HỌC VIỆN BÁO CHÍ: HAI THÍ SINH KHÔNG ĐƯỢC THI VÌ ĐẾN MUỘN
CHỤP TRỘM SĨ TỬ TRƯỚC ĐÊM THI

Hai bố con thí sinh Đặng Thanh Mai (Ảnh Thu Hòe)
Hai bố con thí sinh Đặng Thanh Mai (Ảnh Thu Hòe)
Thấy con gái căng thẳng và lo lắng, bác Đặng Hữu Khoa lòng như lửa đốt, thấp thỏm, lo lắng. Bác Khoa chia sẻ: “Con bé học khá khối D. Kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi con đạt 55 điểm. Các môn Văn, Toán và tiếng Anh đạt điểm khá giỏi. Tuy nhiên, kỳ thi tuyển sinh ĐH thì đề sẽ khó hơn nhiều. Tôi thấy lo lắng nhưng cũng tin là con sẽ thi tốt”.
Tại điểm thi ĐH Y Hà Nội, thí sinh Nguyễn Minh Hiếu, quê Bắc Ninh, dự thi vào Khoa Bác sỹ đa khoa, ĐH Y Hà Nội cũng tỏ ra lo lắng. Hiếu chia sẻ: “ĐH Y Hà Nội năm nào cũng lấy điểm cao. Tuy nhiên, trở thành bác sỹ là mơ ước từ nhỏ của em. Em đã dốc sức ôn luyện trong thời gian qua, rất tự tin với kiến thức của mình, nhưng giờ đứng trước cổng trường thi lại thấy lo lắng và hồi hộp quá. Buổi sáng nay, bọn em thi môn Sinh. Không biết đề thi thế nào, có quá khó không, có dài quá không…?”.

Sĩ tử và người thân vội vàng tới điểm thi - Ảnh Sỹ Nam
Sĩ tử và người thân vội vàng tới điểm thi - Ảnh Sỹ Nam

5h45, tại điểm thi ĐH Thủy lợi, điểm thi của Trường ĐH KHXH & NV, các thí sinh và phụ huynh cũng tập trung đông đúc. Các thí sinh bước vào kỳ thi với những tâm trạng khác nhau. Nhiều thí sinh không yên tâm nên tranh thủ đọc lại bài trước khi bước vào phòng thi. Một số thí sinh khác vội vàng ăn mẩu bánh mì lót dạ trước khi vào phòng thi.
Thí sinh Trần Hạnh Nguyên, quê Hải Phòng dự thi vào Khoa Đông phương học, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQGHN tâm sự: “Khoa Đông phương học bao giờ cũng lấy điểm cao nhất. Giờ em thấy rất hồi hộp nhưng cũng mong nhanh chóng được vào phòng thi. Cảm giác chờ đợi thật mệt mỏi…”.

Tại khu vực ĐH Văn hóa Hà Nội, thí sinh Trần Thị Tố Uyên (Trường THPT B Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) thi vào ngành Xuất bản của trường ĐH Văn hóa Hà Nội với khối C cũng tỏ ra khá lo lắng. "Văn là môn học khá dày tác phẩm, trong nhiều tác phẩm thì em cũng học tủ một số tác phẩm yêu thích và cầu mong trúng vào một trong số những tác phẩm đó. Với chương trình như hiện nay, học sâu cho tất cả các thể loại là không được nên em cũng chỉ học chọn lọc thôi, còn các phần khác thì nắm những ý chính", Uyên chia sẻ.

Thí sinh Trần Thị Tố Uyên - Ảnh Hỗ Sỹ Anh
Thí sinh Trần Thị Tố Uyên - Ảnh Hỗ Sỹ Anh


Một thí sinh khác là Hoàng Thị Thủy (Trường THPT Trực Ninh B, tỉnh Nam Định), dự thi Khoa Việt nam học cho hay bạn và người nhà chờ tại cổng trường từ 5h sáng, vì sợ có sự cố nên phải đi sớm. "Em rất lo lắng và hồi hộp bởi kỳ thi rất quan trọng, tuy tự tin với môn văn nhất trong ba môn, nhưng em vẫn có chút run sợ. Em hy vọng sẽ làm bài tốt như ở những kỳ tại trường", Thủy nói.

Khu vực Thanh Xuân: Sức hút lớn từ HV An ninh, ĐH KHXH & NV

Tại cổng Trường ĐH KHXH&NV, HV Y học cổ truyền, HV Bưu chính viễn thông, HV An ninh nhân dân… ngay từ 5h sáng đã có rất nhiều sĩ tử cùng người thân đã có mặt. Tâm trạng lo lắng, hồi hộp hiện rõ trên gương mặt của các thí sinh. Chiến sĩ Lê Văn Trường đến từ Thái Nguyên hiện đang theo học tại T35 Thái Nguyên chia sẻ: “Em khá lo lắng với môn văn. Dù em cũng đã chuẩn bị bài rất cẩn thận, nhưng vẫn thấy thiếu thiếu ở phần hiểu về các tác giả văn học. Ước mơ của em là trở thành một chiến sĩ trinh sát giỏi nên nhất định em sẽ cố gắng để hoàn thành tốt kì thi này”.

Thí sinh Lê Văn Trường trước giờ vào thi ĐH An ninh nhân dân - Ảnh Bích Thảo
Thí sinh Lê Văn Trường trước giờ vào thi ĐH An ninh nhân dân - Ảnh Bích Thảo

Lo lắng cũng là tâm trạng chung của nhiều sĩ tử khác. Nguyễn Khắc Dũng thi tại Trường ĐH KHXH&NV cho hay: “Thực sự là em mới ôn thi khối C được 3 tháng thôi. Trước đây em theo khối A, nhưng em lại thích ngành xã hội học nên đành phải chuyển sang ôn khối C. Môn văn đối với em không phải là quá khó khăn, em sợ nhất là môn sử thôi”.

Không chỉ các sĩ tử, mà các bậc phụ huynh đứng ngoài cổng trường đợi con cũng cùng chung tâm trạng với các thí sinh. Phụ huynh Trần Mạnh Hải đến từ Phú Thọ có con thi tại Học viện Bưu chính Viễn thông cho biết: “12 năm học của cháu ai cũng mong muốn nó đạt kết quả thi tốt nhất. Nhưng trước giờ thi thì cũng chỉ biết động viên con cố gắng, bình tĩnh, tự tin để làm tốt nhất”.

Tại khu vực thi ĐH Kinh tế Quốc dân, trước giờ G, thí sinh Trương Quỳnh Anh tâm sự: “Hôm nay đi thi em lo lắm vì hôm qua em vừa bị cảm, không biết có ảnh hưởng đến việc làm bài thi ngày hôm nay không nữa. hôm nay em lo nhất là môn Văn vì thế mạnh của em là khối A nhưng em thi thêm khối D. Em hơi hồi hộp và lo lắng về môn thi ngày hôm nay”.

Thí sinh Trương Quỳnh Anh
Thí sinh Trương Quỳnh Anh

Còn bác Lam, phụ huynh của thí sinh T.T. Châu chia sẻ: “hôm nay cháu phải dậy sớm từ bên Hà Đông sang để dự thi. Thi môn văn tôi thấy không an tâm vì môn đó không phải là môn sở trường của cháu, nhưng tôi chỉ biết nói cháu cố lên thôi con ạ. Kì thi đợt một cháu thi ở dưới trường HV Bưu chính viễn thông nghe cháu kể là có thể làm được 20 điểm, nên tôi cũng bớt lo cho cháu phần nào, không được trường này thì có trường kia”.

Ngoại thương, Luật, Báo Chí, HV Cảnh sát đều... "nóng bỏng"
Trương Thị Thủy (THPT Triệu Sơn III, Triệu Sơn, Thanh Hóa) thi khối C, khoa Luật Kinh tế, ĐH Luật Hà Nội cho biết: “Ở ngoài này thì thấy bình thường, không biết vào phòng thi em có run không. Em cố gắng để tâm trạng thật sự thoải mái để có thể bình tĩnh làm tốt bài thi. Em hy vọng đề không quá khó. Hôm qua em không thể ngủ được vì lo lắng, hồi hộp có làm được hay không”.
Thí sinh Trương Thị Thủy (phải) - Ảnh Kim Ngân
Thí sinh Trương Thị Thủy (phải) - Ảnh Kim Ngân

Thủy được ông ngoại đưa từ Long Biên sang thi từ hơn 5h vì sợ trời mưa, tắc đường làm ảnh hưởng đến tâm lý thi của cháu.

Còn thí sinh Nguyễn Hoàng Tùng (A1, THPT chuyên Sơn Tây, Hà Nội) dự thi khối D, Học viện Hành chính quốc gia.Tùng được chú đèo từ bên Đông Anh đến trường từ lúc 5h30, đợi ngoài cổng trường với tâm trạng lo lắng. “Mặc dù đó Văn là môn sở trường của em nhưng vẫn lo vào đề khó. Em đã dự thi khối A1 trước đó, nhưng tâm lý hồi hộp vẫn không tránh khỏi”, Tùng lo lắng cho biết.
Thí sinh tranh thủ xem lại bài trước giờ vào phòng thi tại HV Ngoại giao (Ảnh Kim Ngân)
Thí sinh tranh thủ xem lại bài trước giờ vào phòng thi tại HV Ngoại giao (Ảnh Kim Ngân)

Còn đôi bạn cùng phòng mới quen nhau hôm qua cùng thi vào khoa Ngôn ngữ, HV Ngoại giao đang tranh thủ ôn lại mấy bài văn lớp 11. “Đi thi thì chắc chắn vẫn lo lắng, hồi hộp chứ. Bọn em lo không biết sẽ vào phần nào, đề ra sao, có so sánh hay không. Bọn em đều thích truyện ngắn hơn thơ, đang lo không biết có vào lớp 11 hay không. Giờ chẳng học được đâu, nhưng tâm lý nên cứ xem lại, đọc qua thôi ạ”, Nguyễn Thị Hồng (Hải Dương) cho biết.

Hồng cho biết đã khi khối A để thử sức, giờ tâm lý cũng đỡ run hơn trước, nhưng vì Văn không phải là sở trường, chỉ đạt 5 – 6 điểm nên Hồng khá lo.
Vào lúc 5h30 sáng ngày 9/7, PV Báo Giáo dục Việt Nam đã có mặt tại Trường HV Báo chí và tuyên truyền, ĐH Sư phạm Hà Nội, nơi có rất nhiều thí sinh dự thi khối C, D.

5h30 trong sân trường ĐH SP đã chật ních phụ huynh đứng chờ con - Ảnh Đỗ Quyên
5h30 trong sân trường ĐH SP đã chật ních phụ huynh đứng chờ con - Ảnh Đỗ Quyên

Đầu giờ sáng, thí sinh sẽ đến nhận phòng thi, nghe giám thị phổ biến quy chế, nếu có sai sót giấy tờ thì báo với hội đồng thi để kịp thời sửa chữa. Thí sinh Trịnh Thu Trang tâm sự: "Em thi trường ĐH Sư phạm Hà Nội với mong muốn học sư phạm kế nghiệp bố mẹ của em".

Phụ huynh Lê Trung Thành chia sẻ: "Suốt đêm tôi không nghủ được vì lo cho cháu. Tới 4h sáng hai bố con đã lục cục dậy, đi xe ôm tới trường, ăn xôi tại cổng trường. Mong cháu thi tốt, đỗ vào trường cho bõ công vất vả của hai bố con".

7 giờ 3 phút, tại cổng Học viện Báo chí & Tuyên truyền, một thí sinh hớt hải chạy đến, nhưng do đã quá giờ quy định nên không được phép vào khu vực thi. Như vậy, đây là thí sinh đầu tiên của HV Báo chí & Tuyên truyền phải hủy thi vì đi muộn.
Học viện Cảnh sát: Nhiều thí sinh bắt "50:50"
5h30 khu vực thi của HV Cảnh sát nhân dân đã chật ních thí sinh và phụ huynh. Cũng giống như những năm trước, HV Cảnh sát luôn có tỷ lệ chọi khá cao, do đó đây là cuộc đua cực kỳ khốc liệt.
Chia sẻ với chúng tôi, Hoàng Ngọc (đến từ Cao Bằng) cho biết, đây là năm thứ 2 thi đại học nhưng vẫn không tự tin. "Trong 3 môn thì Địa là môn em học tốt nhất, trong khi đó môn Sử lại lơ mơ hơn nên khi dự báo về khả năng đỗ của mình em chỉ đoán là 50:50".


Một thí sinh khác là Thanh Hải (đến từ Ninh Bình) chia sẻ, ước mơ được trở thành chiến sĩ cảnh sát đã có trong em từ nhỏ, nhưng do trường luôn có tỷ lệ chọi cao nên cũng chỉ cầm được 50% phần thắng cho mình. "Em cũng đã cố gắng ôn luyện và hỏi kinh nghiệm của một số anh chị học ở trường, nhưng sự thật là để đỗ vào HV Cảnh sát thì các bạn đều học khá giỏi cả nên em không quá lạc quan, chỉ dám nhận 50% khả năng đỗ. Năm nay thi mà không được, em sẽ thi lại năm sau, vì em thích trường này", Hải nói.
Bạn Mai Trang (Hà Nội) thì chia sẻ, ở thành phố nhiều bạn thích học kinh tế hay ngân hàng, nên khi em đăng ký thi cảnh sát nhiều người bất ngờ, nhất là khi em là con gái. "Em cũng chỉ biết cố gắng hết sức thôi, được trở thành nữ cảnh sát là mơ ước của em, và chắc nhiều bạn nữ khác cũng thích. Em cũng biết là thi vào trường này có nhiều bạn học giỏi lắm, nhất là các bạn đến từ Nam Định hoặc Nghệ An, Hà Tĩnh... nên em chỉ tin vào 50% khả năng thắng lợi", Trang cho hay.
Trong khi đó ở ngoài khu vực thi, bác Trần Quang Sơn, một phụ huynh đưa con đi thi từ Hải Phòng cho hay: "Mình cảm thấy sai lầm khi năm ngoái hướng con thi theo ngành của gia đình chọn sẵn để xin việc cho dễ. Nhưng chắc công an là cái nghiệp của nó hay sao ý, nên năm nay nó quyết tâm lại thi tiếp. Giờ chúng ta cần tôn trọng suy nghĩ và sở thích của trẻ".

TP.HCM: Không có ùn tắc ngày đầu thi ĐH đợt 2

Thời tiết TP.HCM hôm nay nắng nhẹ, dịu mát, rất thích hợp cho các thí sinh. Theo ghi nhận của phóng viên Giáo dục Việt Nam, các thí sinh đến các điểm thi khá trật tự và đúng giờ, tâm lý thí sinh tốt, không xảy ra ùn tắc giao thông.

Thí sinh Trần Ngọc Phương Trà, quê Bình Thuận thi ngành Tâm lý Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: “Em rất tự tin vì học bài kỹ. Môn  Văn là thế mạnh của em nên em cảm thấy rất thoải mái cho buổi thi đầu tiên, hy vọng các đề sau không quá khó”.

Thí sinh Trần Ngọc Phương Trà - Ảnh Dương Cầm
Thí sinh Trần Ngọc Phương Trà - Ảnh Dương Cầm

Một thí sinh khác là Kim Oanh thi khoa Ngữ văn tự tin cho hay: "Nói chung là với cả ba môn thi em đều đầu tư công sức rất nhiều rồi, các dạng đề và bài thi ở nhiều khu vực em cũng đã làm hết. Em nghĩ là sẽ không có nhiều khó khăn với mình".

Tại Trường ĐH Y dược TP.HCM, thí sinh Trần Văn Trung, thi vào ngành Bác sỹ đa khoa, cho biết: "Năm nay, dù mới thi lần đầu tiên nhưng em chỉ thi duy nhất khối B. Tất cả mọi hy vọng em đều dồn vào kỳ thi này".

Trung cho biết, môn học yêu thích nhất của mình là Hóa và Sinh nên tự tin mình sẽ đạt điểm cao. Quê Trung ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Biến Tre. Nơi này chưa có nhiều bác sỹ, bà con ở đây chưa được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên Trung muốn dự thi vào ngành này để sau này ra trường về quê phục vụ bà con.

Vừa đưa con đến trước điểm thi Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc Hội đồng thi Trường ĐH Y dược TP.HCM, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan (mẹ của thí sinh Dương Nguyễn Công Thành) vội vàng lục túi xách lấy thuốc, nước suối cho thí sinh này uống thuốc. Bà cho biết, do Công Thành ham học, ăn uống thất thường nên đã bị đau dạ dày khoảng 1 năm nay.

Thí sinh Dương Nguyễn Công Thành, học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Du, thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắc Lắc dự thi vào ngành Dược học. Công Thành và mẹ vừa bắt xe từ Huế vào TP. HCM cách đây 2 ngày để chuẩn bị cho kỳ thi này. Công Thành cho biết: "Ở khối A em thi vào ngành Dược của trường ĐH Y dược, ĐH Huế. Mình làm bài rất tốt. Mình tự tin sẽ đủ điểm đỗ vào Trường ĐH Y dược, ĐH Huế".

Bà Tuyết Lan cho biết, gia đình cô ở xã Hòa Thành, huyện Krông Bông nhưng ngay từ năm lớp 10, gia đình đã đưa Công Thành lên thành phố Ban Mê Thuột để theo học tại Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ. "Gia đình chưa có ai theo ngành y dược nhưng cháu đam mê ngành này từ nhỏ nên gia đình đã đầu tư thời gian, tiền bạc cho cháu học tập từ năm lớp 10. Ở Huế, cháu làm bài rất tốt. Cô chỉ mong, đề thi lần này không quá khó để cháu làm được bài. Nếu đậu cả 2 trường, cô sẽ khuyên cháu học ở TP.HCM cho tiện đường cô lên xuống chăm sóc", bà Lan nói.

Thí sinh và phụ huynh tại ĐH Y dược TP.HCM trước giờ thi - Ảnh Dương Quang
Thí sinh và phụ huynh tại ĐH Y dược TP.HCM trước giờ thi - Ảnh Dương Quang


Còn thí sinh Đoàn Phương Thảo ở Ninh Thuận đi thi thì được cả ba và anh họ "tháp tùng". Ở khối A, Phương Thảo đã thi vào ngành Giáo dục tiểu học ở Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận. "Ở khối A, do mất bình tĩnh, em đã làm bài không tốt, hy vọng ở lần này sẽ làm bài tốt hơn", Thảo nói.

Ba của Thảo là ông Đoàn Văn Đắc đã xin nghỉ phép để đưa con đi thi. Ông Đắc công tác ở Trung đoàn 98, Binh đoàn 12 và đang đóng quân ở Đắc Nông. "12 năm học đã qua, chú chỉ mong Thảo làm bài tốt để được trúng tuyển rồi đi học kiếm một cái nghề sinh sống. Nhìn con bước vào phòng thi mà chú lo lắng quá. Mấy tháng nay, áp lực học hành, đỗ đạt đã đè nặng lên vai của Thảo. Thi xong, chú sẽ cho Thảo đi chơi xả hơi", ông Đắc bùi ngùi chia sẻ.
Nhóm PVGDVN