Chỉ đọc tên dự án đã thấy đất nước mình sánh với cường quốc năm châu?

06/04/2021 07:18
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không đặt nặng thành tích, dự án của học sinh phải là những thứ rất gần gũi, đơn giản, chứ không mang tầm cỡ to tát quá sức học sinh.

Những ngày này, đâu đó trên khắp cả nước ta đang từng bừng, hân hoan mừng học sinh đạt giải Quốc gia cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học.

Cùng với đó là các cơ quan ngôn luận đưa tin, viết bài về “...có học sinh đoạt giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia”.

Không mừng sao được khi tên học trò, tên trường, tên huyện, tên tỉnh mình được xướng lên trong một cuộc thi đầy ý nghĩa, được thẩm định đánh giá bởi những giáo sư, tiến sĩ.

Những dự án được ghi nhận, những dự án được xếp giải quả là niềm hạnh phúc tự hào cho cá nhân, tập thể, quê hương sinh ra những đứa con thông minh tài năng đầy hứa hẹn.

Dự án “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông Hoa Lư A, tỉnh Ninh Bình đoạt giải Nhất tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2021. (Ảnh: Vietnamnet)

Dự án “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông Hoa Lư A, tỉnh Ninh Bình đoạt giải Nhất tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2021. (Ảnh: Vietnamnet)

Mỹ thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật như thế nào?

Trao đổi với Báo Lao Động, Vũ Hoàng Long - tác giả Dự án “Robot hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân Parkinson sử dụng công nghệ xử lý ảnh” giành giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2018-2019 khu vực phía Bắc; giải Ba tại Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế 2019 – cho biết: “Nhờ cuộc thi, trong các nhà trường đã có những phong trào, khuyến khích học sinh làm khoa học. Nó đã tạo ra những chuyển biến về mặt nhận thức.

Khi sang Mỹ tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế, em đã rất ngạc nhiên về cách tổ chức cuộc thi của họ.

Họ không đặt nặng thành tích, dự án của học sinh là những thứ rất gần gũi, đơn giản, chứ không mang tầm cỡ, vấn đề to tát quá sức học sinh.

Ví dụ như học sinh có ý tưởng làm lò đốt tiết kiệm nhiên liệu, lượng khí thải ít mà lượng nhiệt sinh ra cao. Hoặc đơn giản chỉ dừng ở ý tưởng, giải pháp, chứ không nhất thiết tạo ra 1 sản phẩm hoàn chỉnh.

Họ chỉ quan trọng học sinh có ý tưởng, chú tâm với khoa học từ nhỏ, có cách nghiên cứu khoa học từ trong trường phổ thông, chứ không nhất thiết tạo ra được sản phẩm hay không, vì đó là việc của các nhà khoa học”.[1]

Chỉ đọc tên dự án, đã thấy giáo dục nước mình sánh với cường quốc năm châu

Thầy giáo H. (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: “Mình cũng đã mấy lần tham gia hướng dẫn học sinh Nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Những dự án học sinh đề xuất, thực hiện, mình thấy rất đơn giản, thật ra không có mình hướng dẫn các bạn ấy cũng làm ra sản phẩm được.

Mình chỉ giúp các bạn ấy làm báo cáo sao cho giống một báo cáo Nghiên cứu khoa học kỹ thuật theo yêu cầu của cuộc thi.

Thế nhưng, mình rất bất ngờ với những dự án đạt giải quốc gia, năm nào cũng vậy, chỉ đọc tên dự án đã thấy đất nước mình sánh với cường quốc năm châu.

Nói thật lòng, mình muốn tin những dự án đó do các em làm, là sản phẩm trí tuệ của học trò dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Nhưng, mình không tin, mình biết rằng trong vài tháng mà một học sinh trung học có thể nghiên cứu, hoàn thành, có sản phẩm minh họa những dự án như thế là... không tưởng.

Nếu thật sự có học sinh kiệt xuất như thế, những dự án của các em thực hiện chắc chắn đã được các tập đoàn mua ngay sau khi công bố giải, các em sẽ “nổi tiếng” là những nhà sáng tạo tầm cỡ thế giới chỉ một vài năm sau”.

Có nên thi khoa học kỹ thuật “kiểu Việt Nam” không?

Những dự án đi thi, đạt giải Quốc gia cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học có bao nhiêu phần là của học trò?

Thực chất những dự án đó có phải do học trò làm không?

Người viết tin chắc rằng phần đa bạn đọc đều không tin các dự án đó là do học sinh làm, làm trong vài tháng.

Báo Lao Động đăng bài “Học sinh thi Khoa học kỹ thuật: “Hãy dừng lại càng sớm càng tốt”! đã nhận được rất nhiều bình luận của bạn đọc, đại đa số đều nhất trí với đề xuất của bài viết. [2]

Vậy có nên tiếp tục thi khoa học kỹ thuật “kiểu Việt Nam” không? Không nên, là câu trả lời của người viết và tuyệt đại đa số bạn đọc đã bình luận trong những bài viết về đề xuất bỏ cuộc thi này.

Lật tẩy gian dối trong những dự án thi khoa học kỹ thuật “siêu nhân” có khó không?

Thực tế hiện nay, những dự án thi khoa học kỹ thuật có tính thực tiễn, tính khả thi thường bị đánh giá thấp; bị coi là “hàm lượng chất xám thấp”; vì thế, muốn đạt giải cao cần phải có dự án mang tầm “siêu nhân”, dành cho siêu nhân đánh giá.[3]

Lật tẩy gian dối trong những dự án thi khoa học kỹ thuật “siêu nhân” có khó không? Người viết khẳng định là không khó, mà có thể nói là rất đơn giản.

Vấn đề đặt ra là người chấm có muốn “trắng ra trắng, đen ra đen” không, hoặc là sự gian dối đã thành thói quen, hoặc là cái “Bằng tiến sĩ vừa tiến ... vừa sĩ”[4] mà thôi.

Vô hình trung, cách thi của chúng ta đã và đang dung dưỡng sự dối trá, cấp độ dối trá ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Vì thế, sau mỗi cuộc thi khoa học kỹ thuật Quốc gia lại lùm xùm chuyện gian dối.

Không đặt nặng thành tích, dự án của học sinh phải là những thứ rất gần gũi, đơn giản, chứ không mang tầm cỡ to tát quá sức học sinh, chỉ quan trọng học sinh có ý tưởng, chú tâm với khoa học từ nhỏ, có cách nghiên cứu khoa học từ trong trường phổ thông đó mới là thi khoa học kỹ thuật dành cho học trò.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/giao-duc/nguoi-trong-cuoc-noi-ve-de-xuat-bo-cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-872823.ldo

[2]https://laodong.vn/ban-doc/hoc-sinh-thi-khoa-hoc-ky-thuat-hay-dung-lai-cang-som-cang-tot-893385.ldo

[3] https://laodong.vn/xa-hoi/ts-nguyen-van-khai-toi-bi-duoi-khoi-phong-cham-thi-khoa-hoc-ky-thuat-872413.ldo

[4]https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/bang-tien-si-luong-dung-vua-tien-vua-si-post216629.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai