Cho tự chọn môn học, làm sao đáp ứng nguyện vọng của 100% học sinh?

03/01/2021 07:04
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo chương trình mới, học sinh có quyền chọn môn học. Tuy nhiên, với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên hiện nay, khó đáp ứng 100% nguyện vọng học sinh.

Theo kế hoạch, năm học 2022 - 2023, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu được triển khai ở bậc Trung học phổ thông.

Chương trình tổng thể đã nêu rõ kế hoạch giáo dục đối với giai đoạn Giáo dục định hướng nghề nghiệp. Về nội dung môn học, học sinh sẽ học 12 môn, trong đó có 7 môn bắt buộc và 5 môn tự chọn.

Học sinh được quyền lựa chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học, bao gồm nhóm môn Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); nhóm môn Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ Thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc và mỹ thuât).

Với quy định này, nhiều giáo viên bày tỏ sự băn khoăn lo lắng về khả năng chênh lệch lớn số lượng học sinh giữa các môn học, thậm chí còn tính đến khả năng một môn học nào đó sẽ không được học sinh nào lựa chọn.

Những vấn đề bất cập khi học sinh tự chọn môn học

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hồ Văn Nhật Trường, giáo viên môn Sinh học Trường Trung học Thực hành - Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Chương trình giáo dục phổ thông mới cho phép học sinh bậc trung học phổ thông được chọn môn học, có nghĩa là một số môn học các em không cần phải học.

Điều này sẽ gây ra một số bất cập, có môn học số lượng học sinh chọn quá nhiều nhưng sẽ có những môn học ít hoặc không có học sinh nào chọn".

Để học sinh chọn môn học khiến nhiều giáo viên lo lắng về việc làm cũng như định hướng nghề nghiệp cho các em (Ảnh minh họa: Phạm Minh)

Để học sinh chọn môn học khiến nhiều giáo viên lo lắng về việc làm cũng như định hướng nghề nghiệp cho các em (Ảnh minh họa: Phạm Minh)

Thầy Trường nêu ra 3 vấn đề lo lắng liên quan đến việc cho phép học sinh chọn môn học theo chương trình mới.

Thứ nhất, học sinh có quyền chọn môn học dẫn tới chênh lệch số lượng học sinh giữa các môn, điều này sẽ liên quan trực tiếp đến việc sắp xếp nhân sự, giáo viên trong trường học có nhiều xáo trộn.

Môn học quá ít học sinh lựa chọn sẽ dẫn đến thừa giáo viên, có thể không tránh khỏi tình trạng một lớp học chỉ có một vài em học sinh, trong khi có những môn học số lượng học sinh chọn quá đông nhưng điều kiện đội ngũ giáo viên lại không thể đáp ứng.

"Nếu tất cả học sinh trong trường đều không chọn môn Sinh học, lúc này, giáo viên Sinh học sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp vì không có học sinh để dạy học", thầy Trường đặt vấn đề.

Vấn đề thứ 2 mà thầy Trường đặt ra là khi học sinh tự chọn môn học nhưng chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến việc chọn nghề, thi cử của các em về sau.

"Đặt ra ra ví dụ, nếu ở lớp 10 học sinh không chọn môn Sinh học, nhưng lên lớp 11, lớp 12 các em lại có định hướng, nguyện vọng thi khối B thì lỗ hổng kiến thức năm lớp 10 là một vấn đề lớn. Khi đó, giáo viên lại phải bổ sung phần kiến thức các em không học hay sao?

Hay chúng ta buộc học sinh lựa chọn môn học từ năm lớp 10 và không có quyền thay đổi khi lên lớp 11, lớp 12? Tôi cho rằng như vậy là làm khó cho các em học sinh. Ở lớp 10, nhiều em học sinh chưa có định hướng nghệ nghiệp rõ ràng, nhiều em chọn theo nguyện vọng của bố mẹ, nhiều em mơ hồ chưa biết mình sẽ làm gì?

Các em chọn môn học này bỏ môn học kia sẽ dẫn đến việc chọn nghề, thi cử khó khăn sau này", thầy Trường phân tích.

Thứ ba, hiện nay, ở các trường đại học sư phạm đã tuyển sinh, đào tạo ngành khoa học tự nhiên đáp ứng yêu cầu chương trình mới ở bậc trung học cơ sở,... vậy những giáo viên được đào tạo đơn môn như trước đây sẽ dạy học thế nào nếu học sinh trung học phổ thông được trao quyền chọn môn học và không chọn môn trong nhóm Khoa học tự nhiên?.

Cần định hướng để học sinh không chọn nghề theo cảm tính

Thầy giáo Nguyễn Văn Đằng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát (Quốc Oai, Hà Nội) bày tỏ lo lắng về việc tư vấn, định hướng cho học sinh chọn môn học, chọn ngành nghề.

"Có thể thấy được những ưu điểm, tính tích cực của quy định này trong chương trình mới. Tuy nhiên, nhiều học sinh hiện nay chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.

Vậy bài toán đặt ra là cần thầy cô, nhà trường phải tư vấn cho các em chọn môn học đúng với thế mạnh và sở thích của bản thân.

Nếu để học sinh chọn môn học theo cảm tính, theo bạn bè,... thì tính ưu việt của việc chọn môn học sẽ không thể đạt được", thầy Đằng khẳng định.

Khi cho học sinh chọn môn học, bài toán đặt ra là định hướng, tư vấn chọn môn học phù hợp cho các em (Ảnh minh họa: Phạm Minh)

Khi cho học sinh chọn môn học, bài toán đặt ra là định hướng, tư vấn chọn môn học phù hợp cho các em (Ảnh minh họa: Phạm Minh)

Theo thầy Đằng, nếu học sinh phải chọn môn từ năm lớp 10 thì nhiệm vụ tư vấn, định hướng các em chọn môn là của các thầy cô ở bậc Trung học cơ sở. Bởi lẽ, ở bậcTrung học phổ thông, khi các thầy cô mới tiếp nhận học sinh sẽ không thể hiểu năng lực, sở thích, môn học sở trường để tư vấn cho các em.

Đây cũng chính là một nhiệm vụ, môt bài toán khó khăn khi thực hiện, triển khai chương trình mới.

Đối với những lo lắng về việc thừa, thiếu giáo viên khi học sinh tự chọn môn học, thầy Đằng cho biết: "Đây chỉ là những dự đoán vì thực tế quy định mới này chưa triển khai. Việc thừa, thiếu giáo viên nếu có cũng mang tính cục bộ.

Vấn đề này có thể giải quyết nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo có thể điều tiết các giáo viên dạy học các môn tự chọn trong phạm vi một huyện hoặc một cụm trường.

Nhà trường cũng có thể phân công nhiệm vụ mới cho giáo viên trong trường hợp môn học không có học sinh lựa chọn. Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng thêm cho giáo viên để đáp ứng những yêu cầu mới là cần thiết".

Theo thầy Nguyễn Văn Đằng, quá trình đổi mới có thể thấy trước những khó khăn nhưng cần có phương án tháo gỡ vướng mắc để hướng tới mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chia sẻ về việc học sinh tự chọn môn học trong chương trình giáo dục mới ở bậc Trung học phổ thông, thầy Đặng Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lạng Giang số 2 (Bắc Giang) cho biết: Trong những năm đầu triển khai, sẽ rất khó để đáp ứng 100% nguyện vọng của các em học sinh về việc chọn môn học.

Nhà trường cần phải chủ động, linh hoạt trong việc triển khai chương trình giáo dục mới, có những phương án cụ thể để từng bước tiệm cận được với mục tiêu đặt ra.

Thầy Dũng chia sẻ: "Từ những năm trước, chúng ta đã triển khai môn học tự chọn, chủ trương cho học sinh tự chọn môn học là rất tiến bộ, đảm bảo giúp các em định hướng con đường học tập của mình và chọn nghề trong tương lai.

Tuy nhiên, trước thực tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, sẽ rất khó để đáp ứng được tất cả nhu cầu, nguyện vọng của học sinh.

Nhà trường cần cho học sinh đăng ký nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Trong trường hợp nguyện vọng thứ nhất không phù hợp với điều kiện thực tế của trường về cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên thì cần xem xét đến nguyện vọng 2, nguyện vọng 3".

Theo quan điểm của thầy Dũng, quá trình đổi mới cần phải thích nghi với thực tế đào tạo giáo viên hiện nay. Điều quan trọng là cần phải kết hợp hài hòa giữa nguyện vọng của học sinh và điều kiện của mỗi trường học.

Tuy nhiên, thầy cô cũng phải là người lắng nghe mong muốn, tiếng nói của học sinh. Nếu nguyện vọng đầu tiên không phù hợp, thầy cô sẽ xem xét nguyện vọng 2, khi có sự đồng thuận thì nhà trường sẽ triển khai, sắp xếp lớp học phù hợp.

"Không nên áp dụng mọi quy định một cách cứng nhắc, việc để học sinh chọn môn học cũng cần thực hiện từng bước, tiệm cận dần với điều kiện thực tế.

Quá trình đào tạo giáo viên, phân công nhân sự cũng cần phải có những điều chỉnh để qua những năm đầu khó khăn, chúng ta có thể đặt được mục tiêu của chương trình giáo dục mới", thầy Dũng nhấn mạnh.

Phạm Minh