Con nhập học – cha mẹ nặng gánh hai vai

13/09/2015 05:06
Phan Tuyết
(GDVN) - Chưa kịp tận hưởng hết niềm vui con đỗ Đại học, cha mẹ lại đối mặt với những nỗi lo về tiền bạc để con nhập trường.

LTS: Con đỗ đại học, cao đẳng là niềm vui, tự hào đâu phải chỉ của cha mẹ, mà nhiều nơi còn là của họ hàng, gia tộc...Vậy nhưng, cũng ở không ít nơi, con khoa bảng thì cha mẹ rụng rời.

Điều đó được cô giáo Phan Tuyết thấu hiểu qua những câu chuyện mà cô chứng kiến hàng ngày. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả. 


Nghe tin con đỗ Đại học Công nghiệp, gia đình cô giáo Mai khu phố 1 phường Tân An, thị xã La Gi, Bình Thuận mừng khôn xiết. Nhưng khi nghĩ đến những khoản tiền phải chi trước mắt, ít nhất cũng trên 10 triệu đồng, cô không khỏi chạnh buồn và lo lắng. 

Có nghề nghiệp ổn định cũng thấy chóng mặt khi vừa lo tiền sách vở, quần áo cho cô con út vào lớp 10 cũng ngốn gần 5 triệu bạc, nay phải lo tiếp tiền học phí và sắm sửa vật dụng tư trang cho cô chị vào Đại học. 

Với thu nhập của hai vợ chồng nhà giáo, sau khi đã trừ các khoản phải đóng còn 10 triệu. “Nếu chỉ để lo cái ăn, cái mặc hằng ngày cũng tạm ổn. Nhưng phải dành dụm đôi chút phòng khi trái nắng trở trời, rồi tiền học thêm cho đứa em, tiền điện nước, tiền đám đình…cũng chẳng còn là bao”. 

Mấy hôm nay, gia đình chị Hoa thôn Cam Bình, Tân Phước, Bình Thuận cũng tràn ngập niềm vui khi hai anh em song sinh đều đỗ trường Cao đẳng Cao Thắng nhưng niềm vui cũng qua nhanh khi nỗi buồn, nỗi lo lại ập xuống. 

Bố mất từ khi hai anh em còn nhỏ, gia đình với 5 miệng ăn chỉ một mình mẹ chống đỡ. Hàng ngày, chị rời nhà lúc tờ mờ sáng đi chở hàng thuê cho các đại lý, về nhà chưa kịp ăn cơm có hàng cũng tất tả chạy đi khuân vác. 

Con nhập học – cha mẹ nặng gánh hai vai ảnh 1
Nỗi trăn trở của người cha có con đỗ đại học trong phim ngắn “Trao hạnh phúc, ấp niềm tin”. (Ảnh: vnexpress.net)

Có những đêm làm xong cũng quá nửa đêm, mệt rã rời chỉ kịp nằm xuống giường là ngủ ngay như chết.

Nhưng dù có vắt kiệt sức cũng chỉ lo cho 4 đứa con sống qua ngày với vài lưng cơm hẩm mà thức ăn quen thuộc chỉ là xì dầu bởi bao nhiêu tiền kiếm được, sách vở bút viết và các khoản tiền trường của 4 đứa con đã ngốn hết sạch. 

Dạo này nghỉ học, hai anh em tranh thủ đi làm để kiếm tiền đỡ đần mẹ và gom góp tiền vào Sài Gòn đóng học. Nhưng để kiếm dăm bảy chục sống qua ngày thì dễ chứ gom góp thành số tiền triệu là điều vọng tưởng. Chị Hoa đau đầu khi không biết kiếm đâu ra số tiền để cho con nhập học lúc này.

Chị không lo nổi tiền nên có ý định cho chúng nghỉ học. Ham học, con năn nỉ: “Mẹ cố lo tiền ăn cho tụi con một tháng, tiền học phí ít bữa vay theo chế độ sinh viên, tụi con học rồi tranh thủ đi làm thêm kiếm tiền trang trải…”. 

Còn chị Hà, trú tại thôn Tân Lý, xã Tân Bình cả gia đình sống bằng nghề nông. Chỉ có vài sào ruộng nhưng vợ chồng chị cũng vắt kiệt sức, vì tự làm hết mọi việc, từ cày bừa, cấy hái, làm cỏ, bỏ phân… 

Con nhập học – cha mẹ nặng gánh hai vai ảnh 2

Nước mắt người mẹ nghèo có con đỗ Học viện Tài chính

Biết tin con gái Đặng Minh Hậu đỗ Học viện Tài chính, cả nhà bà Phạm Thị Hanh (thôn Lưu Xá, xã Phú Túc, Phú Xuyên, Hà Nội) ôm nhau khóc vừa mừng, vừa lo. Bà chưa biết lấy tiền đâu cho con ăn học.

Mỗi ngày ra đồng từ khi gà gáy sáng, trở về khi đã lặn mặt trời, mong lấy công làm lời nhưng cũng chẳng được là bao. Mỗi vụ cũng chỉ kiếm được vài ba tạ thóc. 

Tranh thủ lúc nông nhàn, chị bán thêm gánh đậu hũ, cóp nhặt thêm chút tiền cho cuộc sống đỡ vất.

Lần này, bé Lan nhập học, chị bán mấy tạ lúa cũng chỉ được vài triệu, chưa thấm vào đâu so với số tiền con cần phải nộp. Chạy vạy khắc nơi cũng chỉ mượn được một ít, anh chị đành vay nợ lãi chứ biết làm sao. 

Con đi rồi lại “cố cày trả nợ, mong nó nên người sau ấm tấm thân. Chứ lam lũ như tôi thì khổ lắm. Dù vất vả thế nào, tôi cũng chịu đựng được, được cái các con chăm học, ngoan ngoãn nên cũng mừng”, chị Hà nhìn tôi cười đầy mãn nguyện. 

Nhìn theo dáng lam lũ, tất bật của các bậc cha mẹ nghèo lo mùa tựu trường cho con, lòng tôi cứ ngân mãi câu ca của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại: Họ đã đổ mồ hôi sôi nước mắt/ Từ gieo mầm đến gặt hái phơi phong/ Dăm bảy tạ, vài trăm nghìn một vụ/ Một bữa tiệc xoàng của mấy “xếp” là xong.

Phan Tuyết