EC tài trợ cho dự án đảm bảo an ninh lương thực của ĐH Nông nghiệp HN

13/03/2012 08:45
Kim Ngân
(GDVN) - Dự án được Cộng đồng chung Châu âu tài trợ với mức kinh phí 3,4 triệu Euro được chính thức ký kết vào ngày 13/3/2012.
Chiều ngày 12/3, tại trường ĐH Nông nghiệp diễn ra hội thảo “Áp dụng các công nghệ thích hợp nhằm đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm cho người dân địa phương tại Lào và Campuchia”. Đây là chương trình hợp tác giữa trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội với các trường đại học khối Pháp ngữ tại Bỉ về mô hình chương trình hợp tác phát triển vùng.
Hội thảo "Áp dụng các công nghệ thích hợp nhằm đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm cho người dân địa phương tại Lào và Campuchia" với tổng kinh phí là 3,4 triệu Euro do Hội đồng chung Châu âu tài trợ.
Hội thảo "Áp dụng các công nghệ thích hợp nhằm đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm cho người dân địa phương tại Lào và Campuchia" với tổng kinh phí là 3,4 triệu Euro do Hội đồng chung Châu âu tài trợ.

Đó là dự án tăng cường áp dụng các kỹ thuật thích hợp nhằm đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm cho các hộ nông dân địa phương của Lào và Campuchia. Dự án này có các đối tác tham gia bao gồm Trường ĐH Tự do Bruxell, Trường ĐH Liege – ABT Gembloux, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội. Đây là một mô hình hợp tác vùng giữa các trường ĐH phía Bắc (các nước phát triển) với các trường ĐH phía Nam (các nước đang phát triển) và hợp tác 5 năm (VN – Lào – Campuchia).
Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội có nhiệm vụ chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp cho các hộ nông dân ở vùng này. Dự án này sẽ được tiến hành trong vòng 3 năm (từ 1/02/2012 – 31/01/2015) với tổng kinh phí là 3,403,327 Euro (khoảng 95,261,200,000 VND) với mục tiêu là giúp 20.000 người nông dân nghèo ở Lào và Campuchia tăng sản xuất lương thực và thu nhập.
Theo PGS.TS Vũ Đình Tôn (Trưởng khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng Thủy sản) đồng thời là người quản lý dự án thì trường ĐH Nông nghiệp sẽ giá trị hóa kiến thức vào trong thực tiễn. Những cán bộ kỹ thuật nghiên cứu của trường sẽ phổ biến kiến thức cho các nước đặc biệt là các nước lân cận Lào và Campuchia.
“Mất hơn một năm để đưa ra ý tưởng, xây dựng dự án hoàn chỉnh, chúng tôi mong rằng đây sẽ là cơ hội để các thầy cô, sinh viên được học tập, nghiên cứu, làm việc thực tế tại Lào, Campuchia. Là một đối tác của dự án, trường có vai trò hỗ trợ nhân lực, đưa cán bộ nghiên cứu sang Lào để trao đổi công nghệ và quản lý dự án”, ông Đình Tôn nói thêm.
Ông Vũ Đình Tôn (giữa), trưởng khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản, ĐH Nông nghiệp,quản lý dự án cho biết rằng đây là cơ hội để chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực.
Ông Vũ Đình Tôn (giữa), trưởng khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản, ĐH Nông nghiệp,quản lý dự án cho biết rằng đây là cơ hội để chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực.
Trong dự án này thì các sinh viên Lào, Campuchia đang học tại trường ĐH Nông nghiệp sẽ có thể trở về đất nước để làm việc theo dự án. Và sinh viên Việt nam tại trường cũng được hỗ trợ sang Lào, Campuchia để thực tập 4 – 5 tháng để trải nghiệm, hỗ trợ dự án, có cơ hội việc làm…
Đánh giá về chương trình hợp tác, PGS.TS Nguyễn Xuân Trạch – Phó hiệu trưởng trường ĐH Nông nghiệp nói: “Đây là dự án thứ 3, ĐH Nông nghiệp hợp tác với các đối tác nước ngoài lớn để chuyển giao công nghệ nhằm giúp đỡ nước bạn Lào và Capuchia. Trong quá trình hợp tác nhiều cán bộ nhà trường đã được cử đi để đào tạo ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và thực tập sinh ngắn hạn. Đây là dự án có tính liên kết cao”.
Được biết, đây là một dự án nằm trong chương trình hợp tác giữa Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội với các trường ĐH khối pháp ngữ - Vương quốc Bỉ đã bắt đầu từ 1997 đến nay. PGS.TS. Vũ Đình Tôn cho biết, trong quá trình hợp tác hàng chục cán bộ nhà trường đã được cử đi để đào tạo ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và thực tập sinh ngắn hạn. Ngoài ra còn có khoảng 70 người tham gia đào tạo ngắn hạn tại Bỉ. 
Kim Ngân