Giám đốc Sở Giáo dục Nghệ An nói gì về công văn bồi dưỡng chức danh giáo viên?

13/06/2021 06:45
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giám đốc Sở Giáo dục Nghệ An Thái Văn Thành xác nhận Sở có ban hành văn bản về việc bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông.

Mạng xã hội mới đây đang lan truyền văn bản số 1127/SGDDT-TCCB được cho là của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An về việc bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông.

Trong văn bản này nêu: "Đồng ý để đại học Vinh (là đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã theo đúng hướng dẫn tại Công văn số 1101/SGDDT-TCCB ngày 4/4/2021".

Chưa biết rõ độ xác thực của văn bản này như thế nào, nhưng sự việc này đã dấy lên dư luận nhiều ý kiến trái chiều, bởi nếu đối chiếu theo Công văn số 2499/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ thì Chính phủ đang giao Bộ Nội vụ rà soát, đề xuất bỏ, sửa đổi các chứng chỉ trong đó có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của giáo viên [1]. Vậy việc tổ chức đào tào, bồi dưỡng liên quan các chứng chỉ phù hợp?

Để có thông tin chính xác, khách quan, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với thầy Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An để làm rõ hơn về những thông tin này. Thầy Thái Văn Thành vừa chính thức trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Thầy Thái Văn Thành xác nhận đây đúng là văn bản do Sở Giáo dục Nghệ An ban hành. Ảnh: chụp màn hình Facebook

Thầy Thái Văn Thành xác nhận đây đúng là văn bản do Sở Giáo dục Nghệ An ban hành.

Ảnh: chụp màn hình Facebook

Thầy Thái Văn Thành xác nhận: “Văn bản đó chính xác là của Sở Giáo dục Nghệ An ban hành nhưng cũng mong dư luận hiểu rõ bản chất của vấn đề trong văn bản mà chúng tôi đưa ra.

Đầu tiên, thay mặt ngành giáo dục Nghệ An tôi xin cảm ơn sự quan tâm của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đến những chủ trương của Sở. Qua đây, tôi cũng muốn nói rõ một số vấn đề để dư luận được biết.

Về việc tổ chức bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên như trong văn bản này đề cập thứ nhất là do, giáo viên khi công tác thì kiểu gì họ cũng phải học một vài chứng chỉ, đó là hạng 1, hạng 2 hoặc hạng 3 chứ không phải cùng một lúc mà chúng tôi bắt họ học nhiều chứng chỉ như thế.

Như vậy, những điều có trong Công văn 2449 của Bộ Nội vụ đề nghị là hoàn toàn hợp lý. Trên quan điểm là người đứng đầu ngành giáo dục của một tỉnh tôi cũng thấy đồng thuận với chủ trương đó.

Qua đó, chúng tôi cũng yêu cầu giáo viên cũng chỉ cần một trong các chứng chỉ hạng 1, hạng 2 hoặc hạng 3 là đủ.

Thứ hai, Bộ Nội Vụ có Công văn số 2449 để rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức thì mới chỉ là ban hành để rà soát, điều chỉnh. Như vậy, khi nào nó có hiệu lực thì mới thay thế được, mà lúc nào nó có hiệu lực thì cũng chưa thể biết được. Có thể là cuối năm nay, thậm chí là đầu năm sau.

Tuy nhiên, trên thực tiễn không chỉ ở Nghệ An mà các tỉnh thành khác nó cũng giống nhau ở chỗ là áp lực từ các nhu cầu đề xuất của giáo viên các địa phương là rất lớn.

Trước đó, Sở cũng ban hành tạm dừng việc học bồi dưỡng các chứng chỉ chức danh này rồi. Cũng không cho bồi dưỡng lung tung, tuỳ hứng, tuỳ nhu cầu. Để tránh việc các giáo viên ở cơ sở không hiểu hết được bản chất, gây ảnh hưởng đến tâm lý của họ rồi bắt họ phải đi học lung tung tội cho họ.

Không những thế, có những người vào ngạch họ lại không học, còn những người chưa cần học chứng chỉ và chưa biết lúc nào bổ nhiệm thì lại sốt sắng đi học các chứng chỉ đó. Điều đó lãng phí thời gian, công sức của giáo viên nên Sở cũng đã cho tạm dừng lại rồi. Các trường trên thực tế cũng đã thực hiện chỉ đạo của Sở rất tốt.

Vì vậy, căn cứ theo một số tình huống mà Sở Giáo dục Nghệ An lại tiếp tục cho triển khai việc này. Đối với cấp 3 thì chúng tôi khẳng định là không bồi dưỡng gì nữa, bây giờ chỉ áp dụng với cấp 1 và cấp 2 thôi. Mầm non cũng ít.

Riêng với cấp 2, hạng 1 thì không có và Sở cũng không cho bồi dưỡng, hạng 3 thì những ai mới bắt đầu vào làm việc cũng không cho bồi dưỡng, còn những người đang giữ ngạch đó cũng không phải đi bồi dưỡng chứng chỉ để giữ ngạch. Nghĩa là ai ngạch nào thì ở ngạch đó không phải đi học chứng chỉ để giữ ngạch làm gì. Bởi theo ý kiến đề nghị của Bộ Nội vụ như vậy thì sau này thì Bộ Giáo dục sẽ có một chứng chỉ chung và những người họ đã vào ngạch thì thôi.

Theo quan điểm của tôi thì những ai chưa vào ngạch thì cần có một chứng chỉ chung thôi để thuận lợi khi xét họ vào ngạch, còn những người đã vào ngạch rồi thì thôi có buộc họ phải đi học thêm chứng chỉ khác nữa. Vì thế, nên Sở mới ban hành văn bản này.

Bên cạnh đó, trên thực tiễn các cấp học của Nghệ An có đến hàng nghìn giáo viên, việc họ được lên giáo viên hạng 2 thì cũng rất có lợi cho việc nâng mức lương của họ. Thực tế, bộ phận giáo viên này họ rất muốn được nâng ngạch.

Tuy nhiên, việc này lại thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân huyện họ xem xét để nâng ngạch. Nếu không có những chứng chỉ này thì phía Uỷ ban nhân dân cấp huyện họ không làm cho.

Ngoài ra, trong Công văn mà Sở ban hành cũng đã nêu rõ là: Giao cho Trưởng phòng Giáo dục tham mưu, rà soát, xem xét để làm hồ sơ cho họ được nâng ngạch thì Phòng Giáo dục đó mới cho họ đi học. Nếu không được bổ nhiệm thì không được đi học.

Thầy Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục Nghệ An. Ảnh: Báo Nghệ An

Thầy Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục Nghệ An. Ảnh: Báo Nghệ An

Tóm lại là những người đi học này cần phải được rà soát đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì mới được cho đi học chứ không phải cho đi học đại trà, dàn trải. Việc rà soát mà chúng tôi yêu cầu nhằm tránh việc những người này đi học chứng chỉ về mà lại không bổ nhiệm cho họ, việc này rất lãng phí.

Các huyện cũng đã tập hợp hồ sơ hàng nghìn giáo viên rồi, nhưng vì thiếu chứng chỉ này, cũng khó với những người làm công tác cán bộ vì không có văn bản nào quy định rằng, nếu không có những chứng chỉ này thì họ vẫn được bổ nhiệm vào hạng 2. Mà số lượng hồ sơ của giáo viên thì rất đông, đang chờ ở dưới nên Sở tạm thời giải quyết bài toán này, tháo nút thắt cho họ.

Những đối tượng áp dụng trong Công văn này cũng có lớp bồi dưỡng từ trước thì đợt này chúng tôi cho triển khai cho hết chứ những đối tượng khác chúng tôi có áp dụng đâu. Chúng tôi cũng nghiêm chỉnh tuân thủ và chờ những hướng dẫn của Bộ Nội vụ".

Về lý do của việc tại sao phải tiếp tục cho giáo viên bồi dưỡng để bổ nhiệm vào ngạch hạng 2, thầy Thành cho biết thêm: “Hiện tại, thì Nghệ An có hàng nghìn giáo viên ở các địa phương mức lương của họ chỉ nằm ở mức 3.33. Qua xét duyệt thì họ đang đầy đủ hồ sơ và đủ điều kiện, nếu bổ nhiệm thì mức lượng của họ sẽ lên 4.0.

Nhưng giờ không có chứng chỉ nghiệp vụ đó thì chủ tịch huyện họ sẽ không có căn cứ để bổ nhiệm họ vào hạng 2 được. Văn bản thay thế về việc nếu không có chứng chỉ này mà vẫn được bổ nhiệm thì vẫn chưa có nên chúng tôi buộc phải tổ chức lớp này để giải quyết nhu cầu cấp thiết trước mắt cho giáo viên. Việc đi học để có những chứng chỉ này theo tôi là có lợi cho họ, những giáo viên ấy cũng mong muốn để tham gia các lớp học này".

Tài liệu tham khảo:

[1] https://luatvietnam.vn/can-bo/cong-van-2499-bnv-ccvc-ra-soat-chung-chi-boi-duong-cong-chuc-vien-chuc

Trung Dũng