Năm 2021, Giáo sư Lê Minh Thắng là một trong 3 nhà khoa học nữ của Việt Nam vinh dự đoạt giải Sáng tạo xuất sắc - Giải thưởng Sáng tạo châu Á của Quỹ Toàn cầu Hitachi với công trình "Chất xúc tác từ oxit kim loại chuyển tiếp và công nghệ xử lý khí thải và nước thải để bảo vệ sự sống trên cạn và dưới nước".
Giải pháp này giúp tiết kiệm chi phí để xử lý các chất gây ô nhiễm môi trường. Các chất xúc tác có thể giảm hơn 90% phát thải chất gây ô nhiễm, ổn định trong các điều kiện khắc nghiệt và có tuổi thọ cao.
Được biết, Giáo sư Lê Minh Thắng hiện là giảng viên cao cấp thuộc Viện kỹ thuật hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 2005, chị bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Trường Đại học Ghent (Vương quốc Bỉ). Chị từng là nữ Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2009 và được công nhận chức danh Giáo sư vào năm 2019.
Tạm gác lại “núi” công việc, Giáo sư Lê Minh Thắng dành thời gian trò chuyện cùng Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Không nói về những gì xa xôi hay hoa mỹ, trong suốt cuộc trao đổi, Giáo sư Thắng đã có những chia sẻ chân thật về dấu ấn đặc biệt trên bước đường làm khoa học của mình cũng như những chiêm nghiệm được chị đúc rút sau nhiều năm “ăn, ngủ” với các công trình nghiên cứu.
Giáo sư Lê Minh Thắng. (Ảnh: Hoài Ân) |
Niềm đam mê nghiên cứu khoa học được hun đúc từ thuở nhỏ
Giáo sư Lê Minh Thắng sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học, bố chị là cựu sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, mẹ là cựu du học sinh Trường Đại học Bách Khoa Budapest (Hunggary).
Khi còn nhỏ, chị sống cùng ông bà ngoại. Ông là Giáo sư nông học, chuyên nghiên cứu về dâu tằm còn bà là Giáo sư, Bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Nền tảng giáo dục của gia đình đã giúp cô nữ sinh chuyên Hóa, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam ngày ấy lựa chọn Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội để bắt đầu hun đúc niềm say mê với nghiên cứu khoa học.
Năm 1997, chị tốt nghiệp ngành Hữu cơ - Hoá dầu với điểm tổng kết đứng đầu khoa và đứng thứ 2 trong số hơn 3.000 sinh viên tốt nghiệp năm ấy.
Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Vương quốc Bỉ, chị quyết định trở về nước cống hiến và tiếp tục công việc giảng viên tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tâm sự về lựa chọn này, chị cho biết, công việc giảng dạy ở trường đại học chính là cách để chị “kéo dài” thời sinh viên tươi đẹp của mình.
“Tiếp xúc với các bạn sinh viên, tôi cảm thấy mình trẻ trung, năng động. Môi trường giảng dạy và nghiên cứu cũng ít va vấp, hợp với tính cách của tôi. Nhiều năm cống hiến với nghề, tôi chưa khi nào cảm thấy cuộc sống của mình nhàm chán”, Giáo sư Lê Minh Thắng chia sẻ.
Không ngại những vất vả trong công việc
Theo đuổi các nghiên cứu trong ngành Hóa dầu, Giáo sư Lê Minh Thắng không chỉ miệt mài làm việc trong phòng thí nghiệm mà còn đi thực nghiệm rất nhiều.
"Khi thực hiện những đề tài liên quan đến môi trường, tôi phải đến các công ty, nhà máy để tiếp cận với các nguồn ô nhiễm. Từ đó có cái nhìn thực tế, xác định được hướng đi đúng cho nghiên cứu của mình.
Có những nhà máy trong quá trình sản xuất xả ra khí thải độc hại, nước bẩn và bốc mùi. Khi chứng kiến thực trạng trên, tôi không ngại những vất vả trong công việc mà chỉ mong sớm tìm ra giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường", chị chia sẻ.
Vừa là một nhà khoa học, vừa làm vợ làm mẹ, để có khả năng dung hòa được chức năng “kép”, Giáo sư Lê Minh Thắng cho rằng điều quan trọng nhất là bản thân phải biết cách tối ưu hóa công việc, tiết kiệm thời gian mà vẫn đạt hiệu suất cao nhất để có thể làm tốt cả công tác chuyên môn song vẫn lo chu toàn việc gia đình.
Ngoài ra, lên kế hoạch, lựa chọn phương pháp làm việc cũng ảnh hưởng rất nhiều đến thành công của một nhà nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khi khối lượng nghiên cứu rất lớn và đồ sộ.
Đối với Giáo sư Lê Minh Thắng, chị luôn tâm niệm khi có đủ yêu thích và đam mê thì sẽ không có giới hạn nào cho phụ nữ làm nghiên cứu khoa học. Để đạt được kết quả như ngày hôm nay, chị cảm thấy may mắn vì luôn nhận được những lời động viên, khích lệ từ gia đình cùng sự hỗ trợ của bạn bè, đồng nghiệp. Và hơn hết, thành công ấy xuất phát từ sự nghiêm túc của chị trong công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, không ngại vất vả, không sợ thất bại.
"Công việc này không giống như đi trên con đường trải thảm đỏ, nhàn hạ, sung sướng mà ngược lại còn rất vất vả cũng như có nhiều khó khăn, thách thức cần kiên trì vượt qua. Những bạn trẻ mong muốn gắn bó với nghề phải thật sự chăm chỉ, nỗ lực, nghiêm túc thì mới nhận được trái ngọt. Một nhà khoa học không chỉ cần tài năng thật sự mà quan trọng hơn là nhiệt huyết, là cái tâm trong sáng với ý thức phấn đấu không ngừng", nữ Giáo sư chia sẻ.