Cách giành điểm GPA 4.0/4.0 bậc thạc sĩ, tiến sĩ tại Mỹ của Tiến sĩ Chi Nguyễn

14/02/2022 06:50
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nguyễn Phương Chi (Chi Nguyễn), sinh năm 1989 tại Hà Nội là tiến sĩ giáo dục. Ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ tại Mỹ, chị giành điểm GPA 4.0/4.0.

Tiến sĩ Nguyễn Phương Chi hiện đang sinh sống và lập nghiệp tại Mỹ. Các nghiên cứu của chị xoay quanh vấn đề bình đẳng xã hội và cơ hội học tập cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn.

Trên trang Youtube, Blog, Podcast của The Present Writer, nữ tiến sĩ chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về những chủ đề “nóng hổi” và được rất nhiều bạn trẻ theo dõi, như: Bí quyết quản lý thời gian, quản lý tài chính cá nhân, hướng dẫn thiết kế đồ họa đơn giản, làm gì khi cảm thấy tuyệt vọng, cách viết tiếng Anh học thuật, làm sao để xây dựng thói quen đọc sách lâu dài, ...

Chị Nguyễn Phương Chi đạt điểm tuyệt đối bậc thạc sĩ, tiến sĩ tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Nguyễn Phương Chi đạt điểm tuyệt đối bậc thạc sĩ, tiến sĩ tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Hà Nội chuyên ngành Quốc tế học, cô gái Hà thành giành học bổng thạc sĩ về giáo dục, văn hóa và xã hội tại University of Pennsylvania (thuộc khối Ivy League – Nhóm Đại học tinh hoa luôn nằm trong nhóm đầu bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới).

Năm 2014, chị Chi tốt nghiệp bậc thạc sĩ hạng xuất sắc tại University of Pennsylvania và giành học bổng tiến sĩ của Đại học Penn State – một trong những trường hàng đầu về nghiên cứu của Mỹ.

Trong quá trình học thạc sĩ và tiến sĩ ở Mỹ, chị đạt điểm GPA 4.0/4.0.

Nữ tiến sĩ chia sẻ cũng giống như nhiều người học khác, bản thân chị từng cảm thấy căng thẳng về vấn đề điểm số. Sau đó, cô gái Hà Nội nhận ra những lo lắng và kỳ vọng chỉ khiến bản thân cảm thấy bất an hơn. Nó khiến cho mình luôn lúng túng, ngượng ngùng, thiếu tự tin trước mặt người khác.

Chị Phương Chi kể từ thời điểm mình quyết định sẽ học cho bản thân, không học vì điểm số, không học vì lời khen, sự chú ý của người khác chị bắt đầu học tốt lên.

Nữ tiến sĩ khuyên để đạt được kết quả tốt, người học nên lập kế hoạch từ sớm. Thông thường ngay từ khi mới vào môn hay kỳ học thì các bạn sẽ nhận được thời khóa biểu. Trong thời khóa biểu có thời hạn của từng môn học, bao giờ là lịch thi cuối kỳ, bao giờ là lịch nộp bài cuối năm, chị sẽ dựa vào những deadline để chúng vào trong hai hệ thống: Thứ nhất là hệ thống điện tử Google Calender; Thứ hai là trên giấy, sổ tay.

Đối với những lịch điện tử như Google Calender thì ngoài việc ghi chú hạn nộp bài, chị Phương Chi để thêm lời nhắc việc, thường là một tuần và ba ngày trước hạn nộp để chắc chắn rằng mình có thời gian hoàn thành công việc. Với những đầu việc thường xuyên như bài tập về nhà, sách báo, nghiên cứu, cần đọc trước giờ học, chị tự tạo thời hạn riêng cho mình ở Google Calender để nhắc việc thường xuyên.

Trước khi bắt đầu một tuần mới, chị Chi thường lướt qua lịch làm việc của mình để xem có những deadline nào quan trọng trong tuần này.

Nữ tiến sĩ chia sẻ: “Dựa vào deadline này, tôi viết lại vào sổ tay để chia nhỏ đầu việc theo ngày và sử dụng phương pháp Pomodoro để làm việc một cách hiệu quả nhất."

Chị Phương Chi khuyên, để thành công trong quá trình học, bạn nên tập trung 100% vào bài giảng. Tất cả nội dung liên quan đến bài giảng như: Sách, bài tập về nhà, power point giảng viên sử dụng trên lớp, các bạn đều có thể lấy và xem lại nhưng lời giảng của giảng viên trực tiếp sẽ thường chỉ xảy ra một lần. Ngay cả khi bạn ghi âm lại bài giảng thì hiệu quả cũng không cao như nghe trực tiếp và mình không có cơ hội trực tiếp đặt câu hỏi cho giảng viên.

Bên cạnh đó, trong quá trình học, bạn nên ghi chép bài giảng một cách hệ thống. Vì khi ghi lại, não bộ chuyển tải lời giảng của giảng viên thành ngôn ngữ của mình quá trình này giúp chúng ta hiểu bài hơn.

Theo nữ tiến sĩ việc ghi chép bằng đánh máy rất tiện, đặc biệt là cho việc lưu trữ. Tuy nhiên cá nhân cô thích cách viết tay hơn vì có thể.ghi tất cả các môn học vào cùng một cuốn sổ duy nhất. Chị Chi phân tích một số lợi ích của việc này:

Thứ nhất là người học không phải mang theo nhiều tập vở, dễ quên.

Thứ hai là khi mình ghi chép vào cùng một cuốn sổ thì môn nọ có thể bổ sung cho môn kia dễ dàng, kiến thức thường áp dụng chéo vào nhau.

Thứ ba là với một cuốn sổ duy nhất, học rất tiện, bạn muốn học lúc nào cũng được, mang đi cũng dễ dàng.

Để đọc tài liệu một cách hiệu quả, nữ tiến sĩ đưa ra một số lời khuyên:

Bạn đừng bao giờ đọc từng chữ một, vì sẽ tốn rất nhiều thời gian và không nắm được ý chính. Đối với các bạn sinh viên quốc tế học bằng tiếng Anh, việc vừa đọc vừa tra từ điển sẽ tốn rất nhiều thời gian, nên cần luyện tập cho bản thân cách đọc thật nhanh. Ban đầu đọc lướt để nắm ý chính sau đó mình đọc lại những phần bản thân cảm thấy quan trọng.

Có rất nhiều kỹ thuật đọc bạn nên tập trung vào phần tóm tắt, tập trung cơ bản vào mở bài, kết bài, tiêu đề của mỗi đoạn văn. Cũng như là những từ rất quan trọng như: “Thứ nhất, thứ hai, thứ ba, mặc dù, vì thế, cho nên,…”

Để ghi chép lại phần bài đọc, chị Chi thường chia cuốn sổ của mình ra thành hai phần. Bên trái ghi ý chính của bài đọc, bên phải ghi lại những câu hỏi những suy nghĩ của bản thân trong quá trình học. Với cách này bạn có thể đọc một cách chủ động, và luôn có ý tưởng dồi dào để phát biểu trên lớp hay bài luận sau này.

Chị Nguyễn Phương Chi, tiến sĩ giáo dục tại Mỹ, tác giả của blog The Present Writer. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Nguyễn Phương Chi, tiến sĩ giáo dục tại Mỹ, tác giả của blog The Present Writer. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhằm chuẩn bị tốt cho kỳ thi cuối kỳ, nữ tiến sĩ thường cố gắng chuẩn bị ít nhất 1 tuần để ôn thi, một tuần để mình viết bài và chỉnh sửa bài luận trước khi nộp.

Chị Phương Chi khuyên những bạn thường trì hoãn trong quá trình học, không nên xin gia hạn nộp bài tiểu luận. Vì người học sẽ có thêm lí do để chậm trễ và cảm thấy áp lực vì khi kỳ học kết thúc, các bạn đã nộp bài và nghỉ xả hơi sau quá trình ôn tập trong khi mình phải hoàn thành bài thi.

Người học nên cảm ơn và xin phản hồi giáo sư khi giáo sư trả bài cuối kỳ trực tiếp hay qua email.

Nữ tiến sĩ chia sẻ: “Tôi viết một cách rất chân thành rằng mình cảm ơn vì giáo sư đã dành thời gian để dạy và chia sẻ kiến thức, kể một số điều tâm đắc sau khi kết thúc môn học.”

Chị Chi thường phản hồi giáo sư về bài tiểu luận. Ví dụ khi nhận được 80 điểm thì mình sẽ hỏi nhận xét của giáo sư về bài và có cách nào làm cho điểm số tốt hơn trong bài tiếp theo hay không? Em có dự định phát triển thêm đề tài, làm bài tập này trong tương lai, thuyết trình trong hội thảo vậy nên em nên bổ sung thông tin gì,...

“Như vậy, bản thân vừa học thêm được những điều mới vừa kết nối với giáo sư. Thầy cô cũng có ấn tượng tốt với mình. Đó là tất cả các lời khuyên về phương pháp, tôi thường sử dụng để đạt được điểm tối đa, 4.0/4.0 cho cả bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại Mỹ”, nữ tiến sĩ chia sẻ.

Nhật Tân