Giáo viên đã trưởng thành, sao không để cán bộ Phòng, Sở lớn lên?

22/09/2019 06:48
Lê Mai
(GDVN) - Việc không yêu cầu giám đốc, phó giám đốc sở sử dụng được ngoại ngữ đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư Số: 13/2019/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn chức danh giám đốc, phó giám đốc sở giáo dục và đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chính thức có hiệu lực từ ngày 24/10/2019.

So với dự thảo đưa ra để xin ý kiến dư luận, đã bỏ tiêu chuẩn thứ 6 ở Điều 3 là yêu cầu sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc và công nghệ thông tin trong công việc.

Việc không yêu cầu giám đốc, phó giám đốc sở sử dụng được ngoại ngữ đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông ở thành phố Hồ Chí Minh phát biểu: "Nghe thật vô lý. Đã làm công tác quản lý giáo dục, đặc biệt ở cấp lãnh đạo sở và trưởng phó phòng ban thì phải nêu gương, sau đó mới đến cán bộ quản lý cấp trường, sau cùng mới đến giáo viên.

Những chứng chỉ B hay B1 chuẩn khung tham chiếu quốc tế học tất tốn thời gian, hơn nữa thi chưa chắc đạt, đã thế để học kinh phí bỏ ra cũng rất cao.

Trong khi đó lương giáo viên hôm nay chưa nuôi sống được bản thân, nhiều thầy cô tối đội nón kín mặt chạy xe ôm, nhiều cô phải vất vả bán hàng online nhưng theo chuẩn vẫn phải đi học để lấy chứng chỉ.

Đáng ra tiêu chuẩn của giám đốc sở giáo dục phải là Tiến sỹ, còn các phó phải Thạc sỹ, đồng thời ngoại ngữ phải đạt B2, tin học MOS.

Những người này phải ở một vị trí, có đủ lực để yêu cầu chuẩn giáo viên cũng như chúng tôi thực hiện chuẩn của mình”.

Việc không yêu cầu giám đốc, phó giám đốc sở giáo dục và đào tạo sử dụng được ngoại ngữ đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. (Ảnh minh hoạ đăng trên Tuyengiao.vn)
Việc không yêu cầu giám đốc, phó giám đốc sở giáo dục và đào tạo sử dụng được ngoại ngữ đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. (Ảnh minh hoạ đăng trên Tuyengiao.vn)

Không chỉ chức danh giám đốc, phó giám đốc; trưởng phòng, phó phòng giáo dục cũng không yêu cầu về chuẩn ngoại ngữ theo Thông tư Số: 10/2019/TT-BGDĐT.

Như vậy lãnh đạo ngành giáo dục từ cấp phòng đến cấp sở đều không yêu cầu về ngoại ngữ.

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng:

“Hiện nay đang ở trong thời đại hội nhập quốc tế nên người cán bộ, công chức (nói chung) phải biết ít nhất một ngoại ngữ (mức độ tuỳ thuộc ngành, nghề, vị trí công tác, chức vụ đảm trách).

Đối với ngành giáo dục, có yêu cầu về chuẩn ngoại ngữ đối với hiệu trưởng và giáo viên mà không đề ra yêu cầu này đối với giám đốc, phó giám đốc sở giáo dục và đào tạo thì không hợp lý".

Không bắt Giám đốc Sở đạt chuẩn ngoại ngữ sao giáo viên phải có chứng chỉ A2, B1
Không bắt Giám đốc Sở đạt chuẩn ngoại ngữ sao giáo viên phải có chứng chỉ A2, B1

Trả lời về vấn đề lãnh đạo ngành giáo dục không cần tiêu chuẩn ngoại ngữ, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, giám đốc sở giáo dục đào tạo trước hết là một công chức.

Cũng theo ông Minh, quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học: Quyết định số 82/2004/QĐ-BNV ngày 17/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội Vụ về việc ban hành tiêu chuẩn Giám đốc Sở và các chức vụ tương đương thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quy định.

Theo đó, những nội dung yêu cầu đối với công chức lãnh đạo cấp sở đã được quy định ở các văn bản khác sẽ không nhắc lại ở Thông tư này.

Điều 6.5, Quyết định số 82/2004/QĐ-BNV ngày 17/11/2004 có ghi: “Thành thạo một ngoại ngữ thông dụng ở trình độ C. Đối với tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, khuyến khích học và sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số phục vụ công tác.”

Thực tế chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia A, B, C đã quá lạc hậu và chất lượng đào tạo ở các nơi rất khác nhau. Hạn chế lớn nhất của chứng chỉ A, B, C thực tế ai cũng biết, chỉ cần đóng tiền là có bằng.  

Trong lúc đó, Bộ yêu cầu hiệu trưởng, giáo viên phải có chứng chỉ chuẩn ngoại ngữ sáu bậc (A1, A2, B1, B2, C1, C2) dựa trên chuẩn năng lực ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu.

Cán bộ Phòng, Sở vẫn theo tiêu chuẩn cách nay đã 15 năm, chẳng khác gì giáo viên đã trưởng thành, cán bộ quản lý cấp Phòng, cấp Sở vẫn không chịu lớn.

Thời đại hội nhập quốc tế, lãnh đạo biết ngoại ngữ là một yêu cầu bức thiết hiện nay.

Nên chăng Bộ cần thay đổi để đảm bảo sự thống nhất trong ngành, cán bộ của ngành trở thành tấm gương sáng; đưa nền giáo dục đủ sức hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng đất  nước hùng cường theo mong muốn của Bác Hồ kính yêu.

Tài liệu tham khảo:

//luatvietnam.vn/co-cau-to-chuc/thong-tu-13-2019-tt-bgddt-tieu-chuan-giam-doc-pho-giam-doc-so-giao-duc-va-dao-tao-176686-d1.html

//vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/tai-sao-khong-yeu-cau-ngoai-ngu-voi-lanh-dao-nhung-bat-buoc-voi-giao-vien-568854.html#inner-article

//luatvietnam.vn/co-cau-to-chuc/thong-tu-10-2019-tt-bgddt-tieu-chuan-truong-phong-pho-truong-phong-giao-duc-va-dao-tao-176016-d1.html

//thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/quyet-dinh-82-2004-qd-bnv-tieu-chuan-giam-doc-so-chuc-vu-tuong-duong-thuoc-ubnd-tinh-thanh-thuoc-trung-uong-52560.aspx

//vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/giam-doc-so-khong-can-ngoai-ngu-vi-truoc-het-la-cong-chuc-569092.html

//tuoitre.vn/chung-chi-ngoai-ngu-a-b-c-da-lac-hau-655903.htm

//luatvietnam.vn/can-bo-cong-chuc/quy-dinh-ve-chung-chi-ngoai-ngu-voi-giao-vien-moi-nhat-566-19597-article.html

Lê Mai