GS Trần Thanh Vân - "Đại gia" Vật lý từng chỉ mong là kỹ sư!

21/11/2011 07:42
Hồ Sỹ Anh
(GDVN) - Người ta chẳng thể nói trước con đường mà mình sẽ đi, tuy nhiên khi có cơ hội thì nên biết nắm lấy. Cơ hội tốt nhất có thể sẽ chỉ đến một lần!
Nhân sự kiện GS.TS Trần Thanh Vân được Viện Vật lý Hoa Kỳ (AIP) trao Huy chương Vật lý Quốc tế Tate 2011, báo điện tử GDVN gửi tới bạn đọc những chia sẻ về cuộc sống và công việc của ông.

Cuộc trò chuyện mở ra một thế giới

Khi còn nhỏ, thực sự, tôi chẳng biết khảo cứu khoa học là cái gì. Tôi chỉ mong khi lớn lên, mình có thể trở thành một kỹ sư bình thường, làm việc trong một nhà máy nào đó ở Việt Nam. Cũng phải nói thêm rằng, đối với đại bộ phận những người thuộc thế hệ chúng tôi, ra nước ngoài gần như là điều không tưởng.

Tôi nghĩ người ta chẳng thể nói trước con đường mà mình sẽ đi, tuy nhiên khi có cơ hội thì nên biết nắm lấy. Cơ hội tốt nhất có thể sẽ chỉ đến một lần!

Sau khi tốt nghiệp trung học tại Pháp, tôi chuẩn bị thi đại học với suy nghĩ sẽ đăng ký học một ngành kỹ sư. Tuy nhiên, trong một kỳ thi vấn đáp tại Đại học Paris Sorbone, tôi gặp một vị GS mà mãi sau này tôi mới biết vị GS đó là Murice Levy. Ông hỏi tôi sau này muốn làm nghề gì? Tôi trả lời rằng: tôi muốn trở thành một kỹ sư.
GS Trần Thanh Vân với các bạn học sinh - sinh viên Việt Nam
GS Trần Thanh Vân với các bạn học sinh - sinh viên Việt Nam
Khi đi ngang qua hành lang, tôi tình cờ trông thấy banner giới thiệu chương trình đào tạo ngành vật lý nguyên tử. Cảm thấy hay hay nên từ đó, tôi tích cực đọc sách, báo có liên quan tới lĩnh vực này. Tôi cũng biết đến hai nhà khoa học người Trung Quốc dù còn rất trẻ nhưng đã giành được không ít giải thưởng danh giá có liên quan tới vật lý hạt nguyên tử.

Tất cả những chuyện đó lôi kéo tôi vào học chương trình vật lý hạt khi đó được xem là một trong những ngành “hóc” nhất. Kết quả học tập tốt đã giúp tôi tạo được ấn tượng với GS Murice Levy (Viện Khảo cứu khoa học Pháp - ĐH Paris Sorbone). Ông đã kéo tôi đi theo các đề tài nghiên cứu của mình.

Thêm nữa, hồi nhỏ, tôi mong muốn sau này trở thành một kỹ sư vì quả thực chúng tôi không biết tới bất cứ điều gì khác. Có thể nói, cuộc gặp gỡ với GS Murice Levy đã đưa tôi đến với một thế giới mới.

Thành công = nỗ lực + may mắn


Nỗ lực của bản thân sẽ đem đến phần nào sự thành công cho cá nhân. Tuy nhiên, bất cứ ai muốn có được những thành công lớn và trở nên nổi tiếng thì đều cần đến may mắn.

Các đề tài nghiên cứu của tôi khi bắt đầu thực hiện đều ít được biết tới, thậm chí nhiều người nghĩ không cần thiết, nhưng đến khi hoàn thành thì lại được giới khoa học đánh giá cao. Đó có thể nói là “thời thế tạo anh hùng”. Và tôi nghĩ, nếu một người làm việc chăm chỉ, cố gắng trong một sự tin tưởng vào khả năng của bản thân cũng như những điều có thể đạt được thì thành công sẽ không phải là điều quá xa vời.

Và nếu có ai hỏi: bí quyết thành công của ông trong khoa học là gì? Tôi sẽ trả lời rằng: Tôi chẳng có bí quyết gì cả! Những thành quả mà tôi có được hôm nay đều có sự chung sức, giúp đỡ của rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp cũng như các sinh viên khác.

Trong nghiên cứu khoa học nói chung, việc tranh luận và trao đổi với nhau là hết sức quan trọng. Điều đó tạo nên những ý kiến tương đồng, mà những ý kiến chung thì thường có khả năng đi rất xa.
Cuộc sống luôn cần có tình yêu thương

Tôi trở về Việt Nam lần đầu vào năm 1974. Ngày bé, tôi đã từng chứng kiến rất nhiều trẻ em đáng thương bị mồ côi sau khi chiến tranh kết thúc nên tôi quyết định lập một nhóm tình nguyện nhằm giúp đỡ những trẻ em này.

Năm 1978, chúng tôi đã xây dựng làng SOS đầu tiên ở Đà Lạt. Với sự giúp đỡ của các du học sinh Việt Nam tại Pháp, chúng tôi làm những tấm thiệp Noel và đi rao bán ở các nhà thờ, ven đường phố… Số tiền tích lũy được sau khoảng 3-4 năm, chúng tôi sử dụng để xây dựng và duy trì hoạt động của làng trẻ SOS ở Đà Lạt. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng thêm được 2 làng SOS ở Huế (1990) và Quảng Bình (2006). Chúng tôi cũng lập một trường dạy nghề làm bánh mỳ Pháp ở Huế cho khoảng 60 trẻ em thiệt thòi. Ngoài ra, dù không trực tiếp xây dựng, chúng tôi vẫn đang trợ giúp cho 13 làng SOS khác trên khắp lãnh thổ Việt Nam.

Kể từ năm 1994 đến nay, với sự giúp đỡ của giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, mỗi năm chúng tôi về Việt Nam và trao một số suất học bổng “Gặp gỡ Việt Nam” và Quỹ Odon Vallet cho những học sinh - sinh viên xuất sắc.

Với chúng tôi, tương lai của đất nước nằm ở chính các em học sinh - sinh viên. Bổn phận của chúng tôi là giúp cho tài năng của các em đi xa hơn nữa. Cuộc sống luôn phải có tình thương. Nơi nào còn khổ đau thì phải đến giúp đỡ, được chừng nào hay chứng nấy.

Tôi cũng muốn nhiều nhà khoa học nước ngoài biết đến tài năng của học sinh - sinh viên Việt Nam, để họ hiểu, tôn trọng và giúp đỡ chúng ta nhiều hơn trong sự nghiệp phát triển giáo dục.

 GS.TS Trần Thanh Vân sinh năm 1936 tại Quảng Bình. Năm 1953, ông sang Pháp học. Năm 1956, ông tốt nghiệp Đại học Paris Sorbone với hai bằng cử nhân vật lý và toán học. Năm 1958, ông bảo vệ thành công luận án thạc sĩ và năm 1966 trở thành tiến sĩ trong lĩnh vực vật lý hạt cơ bản. Ông đã từng giảng dạy tại Đại học Paris XI, là nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp; được Chính phủ Pháp tặng huân chương Bắc đẩu Bội tinh, Viện Khoa học Hàn lâm Nga bầu làm Viện sĩ danh dự.

Hồ Sỹ Anh