Kết quả môn thi tiếng Anh không nằm ngoài tiên lượng

21/07/2019 06:58
Trinh Phúc
(GDVN) - “Phổ điểm môn Tiếng Anh năm 2019 cho thấy môn Tiếng Anh vẫn là một môn học khó đối với học sinh cả nước".

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố điểm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019, trong đó có môn Tiếng Anh với điểm trung bình đạt 4,36 điểm, số học sinh đạt điểm dưới trung bình chiếm 68,74%.

So với năm 2018, điểm trung bình của thí sinh dự thi tăng từ 3,91 điểm lên 4,36 điểm. Số thí sinh đạt trên 8 điểm cao hơn.

Những con số này cho thấy sự khởi sắc trong việc học tiếng Anh của học sinh cả nước năm nay so với năm trước.

Phổ điểm môn thi tiếng Anh cụ thể như sau:

Bình luận về phổ điểm tiếng Anh năm nay, cô Nguyễn Thị Hợp - giảng viên Khoa Tiếng Anh trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định rằng:

Đề thi môn Tiếng Anh năm nay đã bám sát đề thi mẫu Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tháng 12/2018, đề thi mẫu là cơ sở tốt để học sinh trên cả nước định hướng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi.

So sánh đề thi và điểm thi hai năm 2018 và 2019, cô Hợp cho rằng điểm thi năm 2019 phản ánh đúng năng lực tiếng Anh của học sinh cả nước.

Cô Nguyễn Thị Hợp - giảng viên Khoa Tiếng Anh trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo).
 Cô Nguyễn Thị Hợp - giảng viên Khoa Tiếng Anh trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Kết quả này cũng không nằm ngoài tiên lượng khi rà soát sự phân bổ độ khó của các câu hỏi thi của đề thi năm nay.

Trong đó, theo cô, tỷ lệ câu khó và rất khó chiếm khoảng 30% số câu hỏi thi, những câu còn lại có độ khó phân bổ đều từ bậc 1 (A1) đến bậc 3 (B1).

Những câu hỏi khó và rất khó là những câu giúp phân loại thí sinh khá giỏi cho mục tiêu xét tuyển vào đại học, là mục tiêu mà đề thi năm nay đã thực hiện rất tốt với số thí sinh đạt trên 8 điểm và đặc biệt với số thí sinh đạt trên 9 điểm.

Tuy nhiên, điểm môn Tiếng Anh năm nay chưa cao so với điểm các môn học khác.  

“Tiếng Anh là ngôn ngữ giúp mở rộng và cập nhật kiến thức của nhân loại, đây là động lực giúp các em học sinh có ý thức tự thân học môn học này.

Nhìn thấy sự tiến bộ rõ rệt của các em học sinh qua các năm, tôi tin rằng năng lực tiếng Anh của học sinh Việt Nam sẽ ngày càng tốt hơn” - cô giáo Hợp chia sẻ với chúng tôi. 

Phải tìm được căn nguyên vì sao môn Lịch sử, tiếng Anh điểm lại thấp
Phải tìm được căn nguyên vì sao môn Lịch sử, tiếng Anh điểm lại thấp

Cũng liên quan đến vấn đề này, tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khảo thí ngoại ngữ cho biết:

“Phổ điểm môn Tiếng Anh năm 2019 cho thấy môn Tiếng Anh vẫn là một môn học khó đối với học sinh cả nước.

So sánh đề thi hai năm 2018 và 2019, kết quả điểm thi môn tiếng Anh 2019 như vậy không có gì bất ngờ vì phổ điểm này thể hiện số thí sinh của cả nước trong đó có các vùng sâu, vùng xa.”

Theo tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, phổ điểm đã phản ánh đúng thực trạng năng lực tiếng Anh của học sinh trên cả nước và phân tích đề thi môn Tiếng Anh qua các năm tiến sĩ nhận định rằng, công tác ra đề thi ngày càng chuyên nghiệp và ổn định hơn.

Tuy nhiên, so với các môn học khác, điểm thi môn Tiếng Anh chưa cao. Điều này thể hiện thực tế việc triển khai môn học này trên toàn quốc.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay trên cả nước, đa số học sinh đang học chương trình môn Tiếng Anh hệ 7 năm (bắt đầu học từ lớp 6 đến lớp 12), số học sinh được học chương trình môn Tiếng Anh hệ 10 năm (bắt đầu học từ lớp 3 đến lớp 12) chỉ đạt trên 10% số học sinh cả nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết so với học sinh học tiếng Anh theo Chương trình môn Tiếng Anh hệ 7 năm, điểm trung bình môn Tiếng Anh của học sinh học Chương trình môn Tiếng Anh hệ 10 năm cao hơn khoảng 2 điểm.

Điểm môn Tiếng Anh chưa cao cũng thể hiện sự chênh lệch rõ rệt giữa năng lực tiếng Anh của học sinh tại những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng so với các tỉnh vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Tiến sĩ Bảo Khâm, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế (ảnh nguồn báo Thừa Thiên Huế).
Tiến sĩ Bảo Khâm, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế (ảnh nguồn báo Thừa Thiên Huế).

Điểm thi môn Tiếng Anh năm 2019 cho thấy cần quan tâm hơn nữa tới môn học này để đảm bảo các khu vực nông thôn, miền núi có điều kiện và cơ hội học tiếng Anh tốt hơn và từ đó học sinh các khu vực này quan tâm và có ý thức học Tiếng Anh hơn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết sự chênh lệch về điểm khá rõ rệt giữa các địa phương này. 

Cho ý kiến về phổ điểm môn thi tiếng Anh, tiến sĩ Bảo Khâm, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế cho rằng, kết quả này phản ánh chính xác năng lực tiếng Anh thực tế của học sinh với mức điểm trung bình năm nay tăng từ 3,91 điểm lên 4,36 điểm.

Tỉ lệ đậu tốt nghiệp trên toàn quốc là 94,06%, giảm 3,51% so với năm 2018
Tỉ lệ đậu tốt nghiệp trên toàn quốc là 94,06%, giảm 3,51% so với năm 2018

Đây là dấu hiệu tích cực cho tình hình học tiếng Anh chung của cả nước. Một điểm tích cực khác, theo tiến sĩ Bảo Khâm, là số lượng thí sinh đạt điểm trên 8 cao hơn so với năm trước.

Mức điểm cho thấy các trường đại học xét tuyển đầu vào có môn tiếng Anh sẽ thuận lợi trong việc phân loại thí sinh đăng ký dự tuyển.

Thầy Bảo Khâm cũng cho biết điểm thi môn Tiếng Anh năm nay thể hiện sự khác biệt về năng lực tiếng Anh của học sinh từ các vùng miền, khu vực khác nhau trên cả nước. Mức phân hoá này là khá rõ rệt.

Như vật có thể thấy đề thi năm nay được thiết kế tốt, đảm bảo tính phân hoá cho nhóm thí sinh học lực khá, giỏi môn Tiếng Anh. Tuy nhiên, đề thi còn khá khó so với mặt bằng chung của cả nước.

Trinh Phúc