Nữ sinh đánh nhau để “lăng xê” bản thân?

29/10/2011 07:17
Thu Giáo
(GDVN) - Đó có thể là cách các em học theo người lớn để "lăng xê" mình?
Hàng loạt các vụ nữ sinh đánh nhau, lột quần áo của nhau, sau đó quay lại để đưa lên mạng và nhận được sự chú ý với những bình luận quan tâm rất lớn của dư luận. Theo các nhà xã hội đó, đó có thể là hình thức để các em “lăng xê” nhau.

‘Phong trào’ nữ sinh đánh nhau

Khởi xướng cho “phong trào” nữ sinh đánh nhau, quay video clip và tung lên mạng là bắt đầu từ giữa năm 2008. Ban đầu, mọi người chỉ nghĩ đây là những trường hợp cá biệt, nhưng rồi sau đó, tần số xuất hiện của các video clip này nhiều đến mức... người ta đã không thể nghĩ đó là những TH cá biệt.

Thi thoảng, lại có một vài trí thức phát biểu về những chuyện này như: "Nữ sinh đánh nhau là cái tát vào mặt người lớn", vậy rồi thôi.

Mọi chuyện đâu lại vào đó, cho đến tháng 1/2010, trong giờ Giáo dục công dân, giáo viên ở Trường THCS Chu Văn An, quận 11, TP.HCM phát hiện một nhóm các nữ sinh đang sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ). Theo quy định của nhà trường, học sinh không được mang ĐTDĐ vào lớp, nên giáo viên bộ môn đã thu toàn bộ số di động của các nữ sinh trên.



Sau đó, giáo viên đã phát hiện trong bộ nhớ của những chiếc ĐTDĐ này đều có chứa một đoạn phim ghi lại cảnh hành hung giữa một nhóm nữ sinh với nữ sinh có tên là Tuyết (tên nhân vật đã được thay đổi - PV) hiện đang là học sinh lớp 7/5 của trường. Một cuộc điều tra nội bộ trong phạm vi nhà trường nhanh chóng được mở ra.

Điều bất ngờ là theo giám thị của nhà trường, tất cả những nữ sinh tham gia đánh bạn, kể cả nữ sinh là nạn nhân đều là những học sinh ngoan, hiền lành. Có thể là suy đoán, nhưng biết đâu những nữ sinh ấy, chỉ là các cô bé cố gắng sống theo trào lưu để khẳng định... đẳng cấp của mình.

Sang năm 2011, tình trạng trên vẫn tiếp tục diễn ra ngày càng mạnh và trở thành phong trào mới. Ngày 8/5, trên trang mạng Youtube xuất hiện clip nữ sinh đánh nhau, lột áo bạn với tiêu đề “Sinh viên Đại học C. Hà Nội chiến nhau”.
Cảnh một nữ sinh bị đánh hội đồng, lột trần trong phòng trọ, diễn ra hôm 23/10/2011 (Ảnh cắt từ clip)
Cảnh một nữ sinh bị đánh hội đồng, lột trần trong phòng trọ, diễn
ra hôm 23/10/2011 (Ảnh cắt từ clip)
Đoạn clip có độ dài khoảng 2,5 phút, ghi lại cảnh hai nữ sinh được cho là sinh viên trường ĐH C. Hà Nội liên tục đấm, đá, đạp vào một cô gái. Ngay cả khi cô gái nằm sõng soài dưới đất, hai đối tượng nữ vẫn dùng chân đạp thẳng vào mặt, túm tóc, tát tới tấp vào mặt nạn nhân. Không dừng lại ở đó, cả hai còn kéo nạn nhân dậy, lột trần cô gái và văng ra những lời lẽ hết sức tục tĩu.

Cũng trong tháng 5, đoạn clip dài 6 phút trên Youtube với tựa đề gây sốc, ba học sinh vẫn còn đeo khăn quàng đỏ lao vào đánh bạn dã man ngay giữa lớp học. Những đối tượng này được cho là học sinh lớp 6 trường THCS H., TP.HCM.

Rõ ràng có thể thấy rằng, chỉ một thời gian ngắn liên tiếp xảy ra những vụ thiếu nữ, nữ sinh đánh nhau, lột áo, quần nạn nhân và ghi hình bằng điện thoại, sau đó tung lên mạng.

Mới đây, ngày 23/10/2011, dư luận đang xôn xao vụ nữ sinh lao vào túm tóc, tát tai, đạp thẳng người, đấm đá túi bụi, rồi bắt nữ sinh kia quỳ xuống xin lỗi, rồi lột áo kèm những lời dọa dẫm. Đoạn clip được đăng tải trên youtube dài 2 phút 48 giây, được cho là của học sinh của trường THPT Lục Nam, Bắc Giang. Vụ việc này đang được công an huyện Lục Nam vào cuộc điều tra.

Vụ nữ sinh đánh nhau là 'lăng xê' mình?

Trong một lần trả lời báo Đất Việt, tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học cho rằng, đó có thể là cách các em học theo người lớn để "lăng xê" mình.

Theo ông Bình, Bộ GD-ĐT và cơ quan chức năng vào cuộc quá chậm trong những lần có va chạm của nữ sinh. Thực tế, sự việc này xảy ra từ rất lâu, thậm chí có hẳn trang web nói về chuyện nữ sinh đánh nhau nhưng không thấy ai có phản ứng. Chỉ sau khi hàng loạt các báo đưa tin, dư luận bức xúc thì vụ việc mới được chú ý.
Ts Xã hội học Trịnh Hoà Bình
Ts Xã hội học Trịnh Hoà Bình
Trả lời câu hỏi vì sao các em học sinh thường quay lại các clip rồi đưa lên mạng, ông Bình nói: “Mục đích của các em là để mọi người cùng xem cho vui rồi bình phẩm. Tuy nhiên, không ngoại trừ trường hợp một số cá nhân muốn tung lên mạng để quảng cáo mình, muốn được nhiều người chú ý vào trang web của mình. Đã có một vài người muốn nổi tiếng hoặc gợi lại sự nổi tiếng bằng cách tự bôi lem mình, tự gây scandan hoặc dùng báo chí để lăng xê. Thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, bọn trẻ cũng học theo, làm theo.

Ông Bình cho hay: “Học sinh vi phạm đến đâu, nhà trường có hình thức xử lý đến đó là làm đúng nội quy quy định. Lỗi chính trong những sự việc này thuộc về mỗi gia đình trong cách giáo dục con cái. Không thể đổ lỗi cho nhà trường rằng việc đuổi một học sinh đánh nhau này là đẩy quả bóng trách nhiệm cho xã hội mà lỗi chính thuộc về gia đình các em, bố mẹ các em. Nhà trường và xã hội chỉ là một phần còn gia đình mới là nơi nuôi dưỡng, hoàn thiện tính cách cho các em”.

Trên báo Công an nhân dân, chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Công ty Truyền thông - Tư vấn và Đào tạo Ý tưởng Việt, việc quay clip khi hành hung bạn một cách tàn nhẫn của các nữ sinh đã biến chuyển từ hành động cá biệt sang trào lưu.

Điều đáng ngạc nhiên là, số lượng người bình luận cho những clip bạo lực ấy ngày càng nhiều nhưng số lượng người "nói không với clip" bạo lực ngày càng hiếm. Lâu dần, khi giới trẻ được xem nhiều thì vấn đề đó cũng trở nên... bình thường thôi.



Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh nói, nhân cách của một con người được hình thành đầu tiên từ nền móng giáo dục gia đình, sau đó là sự thể nghiệm trong môi trường, giáo dục và tự giáo dục. Chúng ta dạy cho trẻ làm thế nào để phấn đấu học giỏi nhất lớp, làm thế nào để được khẳng định bản thân, làm thế nào để trở thành người nổi trội. Nhưng chúng ta ít quan tâm để dạy trẻ tình yêu thương đối với những người xung quanh, sự quan tâm, giúp đỡ người khác hơn là cứ chăm chăm bảo toàn cho lợi ích bản thân mình.

Tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy, khi trao đổi với báo chí xung quanh chuyện clip nữ sinh đánh nhau cho biết, với các bậc phụ huynh, hẳn khi thấy con mình là "chủ" của những hành vi phản cảm sẽ không thể nào không suy nghĩ, bức xúc. Trong trường hợp này, phụ huynh cũng cần bình tĩnh nhìn nhận lại mình đã giáo dục con cái thế nào: nuông chiều con quá mức? Hay bỏ mặc con? Rõ ràng, gia đình cũng phải chịu nhiều trách nhiệm trong những hành động bạo lực ấy của các nữ sinh.
Thu Giáo