PGS Nguyễn Văn Nhã: Chúng ta có thể tổ chức thi đại học quanh năm!

05/06/2013 12:43
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - “Chúng ta tổ chức khám sức khỏe quanh năm được, tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quanh năm được, tổ chức thi sát hạch lái xe quanh năm được… vậy tại sao cứ phải thi đại học vào một lần, khiến cho bao nhiêu gia đình khổ sở, cả xã hội cũng khổ?”.

Mỗi năm, Việt Nam chỉ có một kỳ thi đại học duy nhất. Nếu chẳng may bị trượt, thí sinh cũng chỉ có cách là chờ đợi tới kỳ thi năm sau. Cách tổ chức thi như vậy phải chăng đã quá lạc hậu với thế giới?

Để làm rõ hơn vấn đề này, Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Nhã – Nguyên Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc Gia Hà Nội, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi.

PV: Thưa PGS Nguyễn Văn Nhã, gần đây nhiều nhà nghiên cứu giáo dục đã lên tiếng bày tỏ kỳ thi ba chung do Bộ Giáo dục tổ chức đã “lạc hậu”. Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác đào tạo ở ĐH Quốc Gia Hà Nội, theo ông kỳ thi này có còn thực sự phù hợp với hoàn cảnh hiện nay?

PGS Nguyễn Văn Nhã: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã “ôm quả bom” đề thi để các trường khỏi phải tranh cãi nhau chuyện đề hay, đề không hay, lộ đề… và quả thật 7 năm vừa qua không có chuyện lộ đề.

Thi ba chung cũng đã giúp cho các trường có một cái thang chung để đánh giá, tuyển chọn sinh viên, qua đó sự phân loại các trường cũng rõ ràng hơn, trường nào lấy điểm cao thì đã tự khẳng định mình ở đẳng cấp cao, còn trường lấy điểm thấp cũng phải thừa nhận mình còn “lọt cọt”.

Tôi cho rằng, thi ba chung không phải là dở mà nói chính xác là nó đã hoàn thành sứ mệnh rồi.

PG.TS Nguyễn Văn Nhã: Tổ chức thi đại học quanh năm sẽ giảm gánh nặng cho xã hội, thí sinh có nhiều lựa chọn và không lỡ dở các dự định trong cuộc đời.
PG.TS Nguyễn Văn Nhã: Tổ chức thi đại học quanh năm sẽ giảm gánh nặng cho xã hội, thí sinh có nhiều lựa chọn và không lỡ dở các dự định trong cuộc đời.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng sau 7 năm thi ba chung thì đã có những điều phát sinh và cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại. Đây là kỳ thi toàn quốc, cả xã hội quan tâm, công an quan tâm, quân đội quan tâm, giao thông quan tâm, bố mẹ thí sinh cầu nguyện…

Tất cả dồn vào một lần như thế nên người ta mới gọi là “mùa thi”. Và rồi dần dần một kỳ thì chung của cả nước bỗng trở thành gánh nặng cho nhiều phía, đó là các gia đình và thí sinh chịu sức ép cả về kinh tế và tâm lý.

Họ khổ sở vô cùng, ăn cơm đường cháo chợ, có những nhà nghèo quá phải xin ngủ nhờ chứ cũng không có tiền thuê phòng, ấy thế mà vẫn quyết tâm cho con đi thi. Đường phố mùa thi thì tắc nghẽn, tất cả cùng khổ sở với cái vòng quay ấy.

Kết thúc mỗi kỳ thì đại học chúng ta sẽ thấy hai điều: Thứ nhất, điểm vào đại học quá thấp, cho nên chất lượng sinh viên cũng thấp, vì điểm sàn chỉ 13-14 trên cái thang 30 (nghĩa là chưa vượt quá nửa số điểm trung bình); mà thấp như thế thì đến bao giờ mới sánh vai với các cường quốc được.

Thứ hai, nếu trượt thì cả thí sinh và gia đình lại phải tiếp tục bìu díu nhau lên thành phố “đánh vật” với kỳ thi vào năm sau. Chờ đợi suốt 12 tháng mới được thi lại, ấy thế mà có khi lại trượt, thế là cuộc đời lỡ dở nhiều chuyện, mà lý do thì chẳng đâu vào đâu.

Tôi không phủ nhận những giá trị mà kỳ thi ba chung đã đạt được (như tôi vừa nói ở trên), nhưng thẳng thắn mà nói thì cần phải có sự thay đổi triệt để trong cách tổ chức tuyển sinh, nó vừa làm thay đổi chất lượng tuyển chọn thí sinh, vừa làm “nhẹ gánh” cho cả xã hội.

PV: Theo ông, nên tổ chức một kỳ thi thế nào là hợp lý nhất với hoàn cảnh hiện nay?

PGS Nguyễn Văn Nhã: Tôi phải đặt vài câu hỏi thế này: Tất cả chúng ta khi đi thi tuyển việc làm đều cần giấy chứng nhận đủ sức khỏe. Vậy có quy định phải đi kiểm tra vào một ngày không? Tất nhiên là không!

Nếu sức khỏe yếu, bạn không đạt yêu cầu thì phải chăm sóc cho cơ thể khỏe lên để đạt được chứng nhận của bệnh viện là đủ sức khỏe để học tập, làm việc.

Tất cả chúng ta khi đi thi lấy bằng lái xe máy, ô tô… có phải đi thi vào một ngày không? Tất nhiên là không! Nếu bạn thi trượt, mời bạn trở về học lại, sau đó một hai tháng là trở lại thi tiếp.

Các cuộc thi lấy chứng chỉ Toefl, Ielts… có tổ chức cùng một ngày không? Không! Họ tổ chức quanh năm. Nếu hôm nay bạn thi không đạt số điểm yêu cầu để vào một trường ĐH nào đó trên thế giới thì xin mời bạn quay về luyện tiếp và tháng sau có thể trở lại thi.

Vậy hà cớ gì mà chúng ta lại tổ chức thi một kỳ vào đại học, để cho nhiều gia đình khổ sở, cả xã hội “quay cuồng”? Chúng ta hoàn toàn có thể mở ra các trung tâm, tổ chức thi tuyển quanh năm, ai đậu thì vào đại học, còn ai trượt xin mời về luyện tiếp, rồi tới khi cảm thấy mình tự tin hơn thì tiếp tục đăng ký thi.

Như vậy, vừa bớt khổ cho tất cả mọi người, vừa tạo điều kiện cho các trường tuyển sinh đào tạo liên tục, vừa giúp cho thí sinh không phải mất toi một năm trời, lỡ dở biết bao nhiêu cơ hội việc làm.

Mỗi năm hàng triệu gia đình phải "đánh vật" với một kỳ thi đại học duy nhất. Thật chẳng ngoa khi nói rằng "Con thi với bạn, cha thi với trời".
Mỗi năm hàng triệu gia đình phải "đánh vật" với một kỳ thi đại học duy nhất. Thật chẳng ngoa khi nói rằng "Con thi với bạn, cha thi với trời".

>>Chùm ảnh: Thần tượng của hàng nghìn thí sinh vạ vật ở vỉa hè
>>Con thi với bạn, cha thi với trời

PV: Theo ý tưởng của ông thì sẽ đánh giá thí sinh theo thang điểm nào để biết được thực chất năng lực của thí sinh, qua đó các trường có thể tuyển chọn phù hợp?

PGS Nguyễn Văn Nhã: Tôi lấy thí dụ một bài thi có 100 điểm tối đa thì đều có thể đánh giá kiến thức của thí sinh qua nhiều môn: Toán, Văn, Ngoại Ngữ, thử IQ, tốc độ trả lời… và các trường đại học tự động đăng ký với Bộ Giáo dục về điểm số thí sinh phải đạt được nếu muốn vào trường.

Lúc này, các trường phải tự lựa chọn cuộc chơi cho mình, phù hợp với khả năng đào tạo, hình thức đào tạo… và như vậy chính Bộ Giáo dục cũng bớt được một gánh nặng là phải đánh giá, phân tầng. Cũng giống như nhiều ĐH ở Mỹ bây giờ, sẽ có top 5, top 10, top 20…

Nhưng cái đó không phải do cơ quan quản lý nhìn vào đâu đó để đánh giá phân loại, mà xã hội tự điều chỉnh, tự phân loại dựa trên khả năng đào tạo thực tế.

Nếu chúng ta tổ chức được mô hình như vậy thì mọi chuyện đơn giản hơn rất nhiều là cứ loay hoay với hai kỳ thi sát nhau có 1 tháng, rồi đủ thứ tiêu cực nảy sinh…

Với cách tổ chức thi đại học quanh năm như vậy thì dù bạn 50 hay 60 tuổi vẫn có thể đi thi, vì điều kiện vào thi đơn giản. Cũng không còn phải hạn chế “thần đồng” học đủ hết 12 lớp rồi mới vào đại học, mà nếu cháu nào đó mới đang học lớp 10 vẫn có thể vào đại học ngay nếu vượt qua các bài thi.

PV: Vậy ông đánh giá thế nào về chất lượng các đề thi vào đại học hiện nay?

PGS Nguyễn Văn Nhã: Kỳ thi đại học của giáo dục Việt Nam vẫn là kỳ thi đánh đố. Tại sao lại gọi là thi đánh đố? Tất cả đều mải miết để vào được một trường đại học, cao đẳng nào đó và vì thế lao vào học, lao vào thi… còn cơ quan quản lý thì cứ đến hẹn lại… ra đề.

Phải nói thật rằng, đề thi có tính “đánh đố”, tức là “đố mày biết cái ấy là cái gì”, vì thực chất các đề không gợi mở một tí kỹ năng gì trong ấy cả. Nếu không thi viết thì sẽ là trắc nghiệm. Nó có đòi hỏi trí thông minh nhiều không?

Cũng có, nhưng ít thôi. Nghĩa là phải thuộc bài, vì vậy mà có những thí sinh đạt điểm rất cao cũng chẳng qua là… thuộc bài (thuộc một cách cơ học).

Thí dụ dễ nhất là nhìn vào những môn xã hội như Văn, Sử… với chương trình, cách dạy, cách ra đề như nhiều năm qua thì các em làm sao phát huy được tố chất thực sự của mình. Dù có làm gì thì cũng phải loanh quanh để khoanh trúng vào cái ý đáp án của từng đề thi đã được định sẵn.

Em nào làm khác, em nào có ý tưởng mới thì cũng chẳng dám đưa vào. Thế là các em cũng giống như những cái máy tính bị ai đo lập trình sẵn, không phải là chính mình.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ sâu sắc của ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)