Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đạt chuẩn chức danh giáo sư 2020

18/01/2021 06:38
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Nguyễn Tùng Phong đã hoàn thành 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước; 9 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở.

Giáo sư Nguyễn Tùng Phong hiện là Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Hiện tại, ông còn tham gia thỉnh giảng tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - Trường Đại học Thủy lợi và Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Cologne, Cộng hòa liên bang Đức.

Ông Nguyễn Tùng Phong sinh ngày 29/07/1967, quê ở Xã Ngọc Mỹ, Huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội.

Ông là cựu sinh viên của Đại học Thủy lợi, ngành Máy xây dựng Thủy lợi, chuyên ngành Kỹ thuật máy và thiết bị thủy khí và được cấp bằng Đại học năm 1990.

Sau khi nhận bằng Đại học, ông trở thành Nghiên cứu viên tại Trung tâm Thủy điện - Viện Khoa học Thủy lợi. Sau đó, ông giữ các chức vụ Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng tại Phòng Hợp tác quốc tế - Viện Khoa học Thủy lợi.

Năm 2008, ông là Giám đốc Trung tâm tại Trung tâm Đào tạo và Hợp tác quốc tế - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.

Từ năm 2012 đến năm 2013, Giáo sư Nguyễn Tùng Phong là Phó Giám đốc Viện kiêm Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hợp tác quốc tế tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.

Từ năm 2018 đến năm 2019, ông giữ chức vụ Phó Giám đốc Viện kiêm Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hợp tác quốc tế tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.

Hiện tại, Giáo sư Nguyễn Tùng Phong là Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Tùng Phong (Ảnh: Hội đồng Giáo sư Nhà nước)

Giáo sư Nguyễn Tùng Phong (Ảnh: Hội đồng Giáo sư Nhà nước)

Năm 2005, ông được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp bằng Tiến sĩ ngành Kỹ thuật máy và thiết bị, chuyên ngành Kỹ thuật máy và thiết bị thủy khí.

Giáo sư Nguyễn Tùng Phong đã được công nhận chức danh phó giáo sư ngày 09 tháng 04 năm 2012, ngành Thủy lợi.

Ông đã hoàn thành 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước; 9 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở. Đồng thời, ông cũng đã công bố 51 bài báo khoa học, trong đó 6 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín.

Ông được cấp 1 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích; tham gia biên soạn 6 cuốn sách phục vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên, trong đó 6 thuộc nhà xuất bản có uy tín.

Trong công tác đào tạo, Giáo sư Nguyễn Tùng Phong đã tham gia giảng dạy 5 môn học thuộc chương trình đào tạo trình độ Tiến sĩ và Thạc sĩ (bằng tiếng Anh). Hoàn thành đủ và vượt khối lượng giảng dạy theo yêu cầu của các năm học.

Ông cũng hoàn thành nhiệm vụ hướng dẫn nghiên cứu sinh các năm học theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2018 và 2019, giáo sư đã hướng dẫn thành công 03 Tiến sĩ tại Hội đồng đào tạo của Viện.

Hiện ông đang là hướng dẫn thứ nhất cho 1 nghiên cứu sinh, hoàn thành nhiệm vụ hướng dẫn luận văn Thạc sĩ (bằng tiếng Anh) cho 20 học viên cao học thuộc Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Cologne, Trường Đại học Bochum, Đức và 03 học viên cao học thuộc các Trường Đại học Thủy lợi, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Bên cạnh đó, giáo sư còn tham gia nhiều Hội đồng đánh giá đề cương, chấm chuyên đề, đánh giá luận án Tiến sĩ các cấp tại các cơ sở đào tạo.

Là Phó Giám đốc Viện, phụ trách công tác Đào tạo sau đại học, đồng thời là Trưởng tiểu ban Kỹ thuật Tài nguyên nước, Giáo sư Nguyễn Tùng Phong đã chủ trì xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, biên soạn một số môn học trong chương trình đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, cập nhật những kiến thức mới vào các chương trình đào tạo chuyên ngành.

Ông luôn chú trọng công tác nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao, đặc biệt là cán bộ trẻ để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành và phục vụ chiến lược phát triển của Viện.

Giáo sư đã chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện 4 Chương trình liên kết đào tạo Thạc sĩ quốc tế giữa Viện và Trường Đại học khoa học Ứng dụng Cologne (TH Köln), Viện Quản lý công nghệ Nhiệt đới và cận nhiệt đới (ITT), Đức bao gồm: Quản lý tài nguyên và công nghệ ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới (TERMA); Quản lý tổng hợp Tài nguyên Nước; Quản lý tài nguyên thiên nhiên (NRM) và Quản lý rủi ro thiên tai (đang xây dựng).

Đồng thời, ông đã tham gia biên soạn nhiều tài liệu đào tạo kỹ thuật và trực tiếp giảng dạy cho hơn 80 khóa đào tạo ngắn hạn với tổng số gần 1.500 lượt cán bộ địa phương, các tập huấn viên (TOT), kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý của nhiều địa phương.

Giáo sư Nguyễn Tùng Phong luôn tâm huyết với công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, luôn chủ động và đóng góp trong công tác đào tạo chất lượng cao thông qua các chương trình liên kết đào tạo quốc tế; có ý thức giữ gìn danh dự, l­ương tâm nhà giáo; tận tâm với học viên, đồng nghiệp.

Là một người đam mê nghiên cứu khoa học, ông đã có nhiều đóng góp cho khoa học thông qua các kết quả nghiên cứu được áp dụng vào thực tế, gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học,và luôn giữ đúng các chuẩn mực đạo đức của nhà khoa học.

Ông theo đuổi ba hướng nghiên cứu chính là: Nghiên cứu thiết bị tua bin thủy điện nhỏ, thiết bị bơm nước tự động (bơm thủy luân, bơm va) và tự động hóa giám sát vận hành hệ thống thủy lợi; Nghiên cứu hiện đại hóa hệ thống thủy lợi; Nghiên cứu tích hợp các mô hình dự báo và công nghệ hỗ trợ ra quyết định trong quản lý lưu vực sông và quản lý rủi ro thiên tai (giám sát, dự báo hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét và sạt lở đất).

Phạm Minh