Sinh viên Việt Nam đang rất cần "Lập trình ngôn ngữ tư duy"

20/04/2012 06:28
Kim Ngân
(GDVN) - Phương pháp này cho phép người học tưởng tượng ra được viễn cảnh tích cực trong tương lai với những mục tiêu cụ thể, tạo động lực, giúp mọi người kiên trì theo đuổi mục tiêu.
Chương trình “Lập trình cho tương lai” thực chất là “Lập trình ngôn ngữ tư duy” (NLP - Neuro-linguistic programming) giúp người học đặc biệt là doanh nhân hoạch định ra những kế hoạch trong tương lai và quyết tâm thực hiện.

Để hiểu rõ về chương trình đào tạo này, PV Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Anh Tuấn – Tổng thư ký Hội Marketing Việt Nam, Trưởng Khoa Kinh tế Trường ĐH Nguyễn Trãi – người tiên phong đưa Lập trình ngôn ngữ tư duy vào trong giáo dục qua chương trình đào tạo Doanh nhân của Hội Marketing Việt Nam.

TS Hoàng Anh Tuấn - Tổng thư ký Hội Marketing Việt Nam, người tiên phong đưa Lập trình tư duy ngôn ngữ vào Việt Nam.
TS Hoàng Anh Tuấn - Tổng thư ký Hội Marketing Việt Nam, người tiên phong đưa Lập trình tư duy ngôn ngữ vào Việt Nam.

- Thưa TS. Hoàng Anh Tuấn, tại sao lại nói “Lập trình cho tương lai là phương pháp lập trình ngôn ngữ tư duy”?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Bộ não của con người là một siêu máy tính trong đó có thể ghi nhớ dữ liệu, những điều người ta mong muốn sau đó chỉ đạo con người thực hiện hướng đến mục tiêu đã đề ra. Người ta có thể cài hoặc gỡ những câu lệnh vào trong đầu. Chương trình “Lập trình cho tương lai” có thể cài đặt vào đầu học viên những câu lệnh mới tích cực, có thể gỡ bỏ những câu lệnh cũ không hiệu quả hay tiêu cực. Ví dụ như sự sợ hãi, thiếu tự tin, tự kỷ, những niềm tin cản trở người học hành động…
Con người có thể soạn ra nhiều dự định làm trong ngày mai hoặc tương lai xa hơn. Ví dụ như việc thiết kế một ngôi nhà có thể nằm trong đầu của 1 kỹ sư, một doanh nhân có thể lập ra kế hoạch kinh doanh lớn hay nhỏ…Chương trình này giúp cho học viên thực hiện hóa những dự định lớn của cuộc đời với một ý chí quyết tâm sắt đá và long kiên trì theo đuổi mục tiêu.

- Từ đâu mà ông lập ra một chương trình giáo dục mới này?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Xuất pháp từ nghề đào tạo kinh doanh. Doanh nhân nào cũng cần có Tầm nhìn (Vision), Sứ Mệnh (Mission) và Mục tiêu (Goals) và các Chiến lược (Strategies).

Nhưng khi được hỏi Bạn là Ai? Bạn được sinh ra trên đời này để làm gì? Đến 90 % học viên không trả lời được, tức là học viên chưa có một sứ mệnh đúng.

Rất nhiều bạn trẻ mất phương hướng để cái đầu của mình cho kẻ xấu lập trình, ít người có thể tự lập trình tương lai cho mình. Hơn nữa ở nước ta, giáo dục hướng nghiệp chưa được coi trọng, đầu tư hợp lý nên dẫn đến nhiều sinh viên không tìm được hướng đi, lập kế hoạch tương lai cho bản thân.

Năm 2002, với sự hỗ trợ của AusAid, tôi đã có dịp làm việc và nghiên cứu sâu với ngài Roger Fry, chuyên gia về tâm lý & cài đặt tư duy của Úc. Sau này tôi có dịp tìm hiểu thêm về Cài đặt tư duy với T Harv Eker, Keith Kunningham, Jim Rohn và Anthony Robbins, Năm 2008, tôi bắt đầu đưa NLP vào chương trình đào tạo dành cho các Doanh Nhân, từ đó đến nay đã có hơn 20000 doanh nhân đã đang ký học các lớp CEO, CMO, Bán hàng hay CCO do tôi giảng dạy.

- Vậy chương trình này có lợi gì cho sinh viên, thưa ông?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Có nhiều sinh viên đi học cả một trương trình cao đẳng, đại học do sự gợi ý của bố mẹ, hoặc không do ý thích hay đam mê của chính mình. Không ít bạn đi học đúng trường mình chọn, nhưng trong quá trình học tập thì lại thiếu tính chủ động học hỏi, nghiên cứu hay rèn luyện bản thân. Sau khi tốt nghiệp khóa học, họ có thể vạch ra cho mình một “sứ mệnh”, một tầm nhìn để phát triển bản thân và thực hiện hóa kế hoạch đó.

Hơn thế, cũng chính nhờ phương pháp lập trình ngôn ngữ tư duy NLP này mà người học cũng có thể bỏ được các thói quen xấu (như hút thuốc, dậy muộn, lười tập thể thao, lười học, nhút nhát...) để rèn luyện mình tạo ra những phẩm chất và thói quen tích cực mới (chủ động, giao tiếp, có lịch làm việc, cởi mở, dũng cảm…).

Đặc biệt là còn cung cấp các công cụ về quản lý thời gian và quản lý mục tiêu để trong một thời gian có hạn, người học có thể đạt được đa mục tiêu đã đặt ra.

Phương pháp đào tạo NLP thường kết hợp Âm Thanh, Hình Ảnh, Hỗ trợ Nhóm, Cá nhân Chia sẻ và Hành Động.
Phương pháp đào tạo NLP thường kết hợp Âm Thanh, Hình Ảnh, Hỗ trợ Nhóm, Cá nhân Chia sẻ và Hành Động.
Phương pháp đào tạo NLP thường kết hợp Âm Thanh, Hình Ảnh, Hỗ trợ Nhóm, Cá nhân Chia sẻ và Hành Động.

- TS có nói rằng: “Chương trình cho phép người học tưởng tượng nên cảnh tích cực với những mục tiêu cụ thể trong tương lai”. TS có thể giải thích kỹ hơn về ảnh hưởng này không?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Có nhiều doanh nhân tin rằng nếu mình không phải "con ông cháu cha" thì không thể thành công được. Có người tin rằng bán hàng, tiếp thị, giao tiếp không phù hợp với tính cách mình… Qua chương trình đào tạo, với nhiều bài tập mô phỏng, học viên sẽ tự “bẻ gãy” những niềm tin này và thay vào đó là sự tự tin ở chính mình.

Có nhiều bạn trẻ mới bước chân ra lập nghiệp và có suy nghĩ “làm thế nào để kiếm được thật nhiều tiền?”, vì cài đặt chưa chính xác nên một số bạn trẻ sẽ làm rất nhiều việc sai, chỉ để có tiền. (Do the wrong thing for the wrong reason or Do the right thing for the wrong reason).

Chương trình NLP giúp họ thay đổi bằng suy nghĩ “Làm thế nào tôi PHỤC VỤ được nhiều khách hàng?”. NLP đưa người ta đến với những suy nghĩ tích cực, hạn chế suy nghĩ tiêu cực.

Người học có thể lập ra những kế hoạch tương lai để đạt những mục tiêu họ mong muốn, NLP giúp triệt tiêu những suy nghĩ tiêu cực, vượt qua sự tự ty, vượt qua sự dèm pha… NLP giúp người học khám phá khả năng tiềm ẩn của họ, giúp học viên vượt qua những rào cản. tạo và duy trì động lực, giúp học viên kiên trì theo đuổi mục tiêu đã vạch ra.

- Vậy TS có thể cho biết khóa học NLP được tổ chức như thế nào?

TS. Hoàng Anh Tuấn:
Hiện nay, mình có mở các lớp CEO, CMO, Bán hàng hay CCO gồm 30 – 40 học viên. Lớp CEO có 66 giờ lý thuyết, 60 giờ thực hành, còn CMO có 48 giờ lý thuyết và 60 giờ thực hành.

Giờ thực hành, các học viên tự lên kế hoạch hàng ngày gặp gỡ khách hàng, tổ chức các sự kiện, làm việc nhóm, tổ chức các chuyến đi từ thiện hay thực hiện các kế hoạch kinh doanh.
- Có thể nói NLP rất tốt cho sinh viên, vậy TS sẽ đưa NLP vào chương trình đào tạo đại trà sinh viên chứ?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Hiện nay, tôi chỉ tổ chức lớp cho các doanh nhân, chứ chưa đưa vào chương trình đào tạo giáo dục cho sinh viên của khoa, của trường. Khóa học đầu tiên tôi đã chọn 10 em sinh viên trong Trường Đại Học Nguyễn Trãi để cho các em tham gia học cùng các doanh nhân. Mặc dù chưa ra trường nhưng các em được nhiều các doanh nghiệp yêu quí, mời chào làm việc. Tuy nhiên, để tiến hành đưa vào đại trà các chương trình học của tất cả sinh viên thì cần thời gian để chuẩn bị.

- Tại sao chưa thể đưa ngay vào đào tạo sinh viên, thưa ông?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Chương trình dễ cài đặt vào sinh viên hơn là các doanh nghiệp. Doanh nghiệp thì phải gỡ (un-install) nhiều hơn. Tuy nhiên, chưa đưa vào chương trình đào tạo của trường cho toàn bộ sinh viên bởi chưa có nhiều giáo viên có thể giảng dạy NLP tại Việt Nam.
- NLP là chương trình đào tạo quá mới mẻ ở Việt Nam và trên thế giới, TS mong ước điều gì khi mở chương trình “Lập trình cho tương lai”? Theo ông thì liệu chương trình này có phát triển được lâu dài ở Việt Nam không?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Đó là xu hướng tất yếu trên thế giới. Hiện nay NLP phát triển rất mạnh. Tất nhiên, tôi hy vọng chương trình sẽ được đưa vào giáo dục hướng nghiệp rộng rãi tại các trường Đại học ở Việt Nam trong tương lai gần.

- Vậy TS có thể cho độc giả biết “sứ mệnh” của mình là gì không?

TS Hoàng Anh Tuấn: Tôi sẽ giúp cho 1 triệu doanh nhân Việt Nam thành đạt hơn, đóng góp nhiều hơn cho quốc gia. Từ việc chuyến biển suy nghĩ tích cực của mỗi doanh nhân, đến tập thể của cả công ty, từ đó lan tỏa ra toàn xã hội.

Kim Ngân