Thủ tướng nên trực tiếp chịu trách nhiệm về giáo dục

28/10/2011 07:01
Thu Giáo
(GDVN) - Nếu người đứng đầu Nhà nước trực tiếp lo về giáo dục thì sẽ giúp giáo dục nhiều cơ hội để thực sự trở thành quốc sách.

Trong phiên thảo luận tại hội trường sáng qua về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội đã bày tỏ sự quan tâm và lo lắng trước những bất cập của nền GD-ĐT hiện nay.

Thừa trường ĐH, thiếu trường mầm non

Vấn đề được nhiều đại biểu tập trung quan tâm là chất lượng giáo dục mầm non và đại học.

Báo Thanh Niên trích lời đại biểu Nguyễn Văn Thịnh (Hưng Yên) nhận định: “Chúng ta đang coi trọng ngọn mà chưa quan tâm đến gốc, mở ra quá nhiều trường đại học trong khi các trường mầm non vừa thiếu, vừa không được quan tâm đúng mức”.

Ông Thịnh đề nghị Nhà nước phải có trách nhiệm với bậc học này vì mầm non là gốc, là nền móng của cả một công trình. Nếu không được quan tâm hơn hẳn thì chí ít cũng phải bằng bậc tiểu học và trung học cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng: “Cần đòi hỏi trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cấp chính quyền địa phương, phải thực sự quan tâm có quy hoạch và có chính sách đầu tư thích hợp, sớm xóa dứt điểm hiện tượng thiếu các trường mầm non ở đô thị và các địa phương có nhu cầu”.

Về giáo dục đại học, đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) đề nghị cơ cấu lại hệ thống trường đại học, bảo đảm đào tạo có chất lượng. Hiện nay chúng ta có quá nhiều trường đại học, nhất là đại học dân lập, chất lượng đào tạo một số chuyên ngành không đáp ứng nhu cầu xã hội, sinh viên tốt nghiệp ra trường có những chuyên ngành thừa, có những chuyên ngành thiếu.

Đại biểu Thích Chơn Thiện (Nguyễn Hội) ở Thừa Thiên Huế đề nghị Quốc hội sớm xây dựng Luật Giáo dục đại học, đẩy nhanh tiến độ kiểm định chất lượng các trường đại học, cao đẳng và công khai kết quả kiểm định làm cơ sở để phân loại chất lượng các trường, giải thể hoặc hạ cấp với những trường vi phạm quy định không thực hiện đúng cam kết thành lập trường.

"Nóng" chuyện dạy thêm

Tại kỳ họp, các đại biểu cả nước tỏ ra bức xúc về việc lạm thu, dạy thêm. Đại biểu Hoàng Minh Hồng (Nghệ An) cho rằng, dù có nhiều cố gắng nhưng việc dạy thêm, học thêm nhưng trên thực tế vẫn xảy ra ở nhiều nơi.

Vị đại biểu này yêu cầu các bộ liên quan tăng mức lương cải thiện đời sống cho giáo viên tiểu học, mầm non để tạo điều kiện cho các thầy cô yên tâm chăm lo học sinh.

“Nhà nước có cơ chế khuyến khích để các trường dân lập, tư thục chất lượng cao ra đời, phát triển và tạo mọi điều kiện để loại hình trường này hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục, điều kiện học tập tốt để thu hút học sinh từ những gia đình có điều kiện kinh tế, huy động được các nguồn lực để đầu tư cho giáo dục”, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đề xuất.
ĐB Nguyễn Văn Thịnh (Hưng Yên) lo ngại về tình trạng thiếu trường mầm non, thừa trường ĐH - Ảnh: Thanh Niên
ĐB Nguyễn Văn Thịnh (Hưng Yên) lo ngại về tình trạng thiếu trường mầm non, thừa trường ĐH - Ảnh: Thanh Niên
Coi nhẹ giá trị giáo dục, đề cao giá trị đồng tiền

Những hiện tượng lệch chuẩn của học sinh cũng được nhiều đại biểu lo lắng, bởi nó không chỉ ở mức đáng báo động mà còn là nguy cơ đáng lo ngại bởi quan niệm sai về cách giáo dục nhân cách. Điều này khiến tỷ lệ tội phạm đang trẻ hóa, trong đó có không ít học sinh, sinh viên.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã có buổi trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề này.

Tiến sĩ Lâm chia sẻ: “Có lẽ những giá trị của tình yêu thương và các giá trị khác đã bị đặt dưới giá trị đồng tiền. Hay nói cách khác, vì đề cao giá trị đồng tiền, nên dễ dẫn đến chuyện phạm tội”.

Theo ông Lâm, nguyên nhân của tình trạng trên bắt đầu từ gia đình và cả nhà trường. Ông phân tích, nhiều người hay nhầm lẫn, muốn cho con sung sướng là cung cấp đầy đủ vật chất, chứ không phải nền tảng đạo đức và giáo dục, giúp con tính tự lập.

“Phụ huynh kỳ vọng vào con cái rất nhiều, nhưng lại thiếu kỳ công. Cần phải kỳ công nhiều hơn, giáo dục không phải sự rao giảng, áp đặt mà là chỉ bảo để hình thành tự giác bản thân”, ông nói thêm.

 “Trong khi đó, tại nhà trường, chúng ta chỉ làm được một việc đó là dạy để biết, tức là dạy chữ mà chưa quan tâm nhiều đến dạy người. Việc giáo dục nền tảng giá trị sống và kỹ năng sống bị coi nhẹ. Đồng thời các trường chủ yếu chỉ áp dụng hình thức kỷ luật áp đặt mà chưa có hình thức kỷ luật tự giác. Quan điểm này lệch, không đúng giáo dục con người”, ông Lâm cho biết.

Từ đó, tiến sĩ Lâm đưa ra lời khuyên, Việt Nam cần học tập các nước tiên tiến, mọi hành vi của trẻ vị thành niên, cha mẹ đều phải chịu trách nhiệm theo những điều luật cụ thể, buộc cha mẹ phải tìm cách phối hợp với trường học, các nhà tư vấn tâm lý để quản lý con trong mỗi gia đình”.

Thủ tướng nên trực tiếp chịu trách nhiệm về giáo dục

Trước những vấn đề “nóng” về giáo dục, Tuần Việt Nam trò chuyện với Giáo sư Hồ Tú Bảo, đồng tác giả Bản ý kiến của nhóm trí thức ở nước ngoài về việc đẩy mạnh cải cách để đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Theo giáo sư Bảo, có hai điều cần quan tâm, đó là chất lượng giáo dục nước ta còn thấp, chưa đáp ứng được vai trò nền tảng cho sự phát triển. Hai là giáo dục chưa được quan tâm và quyết tâm thay đổi và thực hiện, từ cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước, như nó cần phải có.
“Làm công việc giảng dạy và nghiên cứu ở những nơi giáo dục đã thực sự là nền tản của sự phát triển và luôn gắn bó với giáo dục Việt Nam, chúng tôi muốn một lần nữa nhấn mạnh ý kiến của mình về vai trò của giáo dục trong sự phát triển của đất nước”, ông Bảo nói.

Ông nói: “Chúng tôi đề nghị Thủ tướng trực tiếp chịu trách nhiệm về giáo dục, cụ thể là chỉ đạo nội dung cải cách, theo sát việc triển khai các chiến lược, chính sách, và chịu trách nhiệm về kết quả của các cải cách lớn. Tất nhiên Thủ tướng hết sức bận rộn, nhưng nếu người đứng đầu Nhà nước trực tiếp lo về giáo dục sẽ giúp giáo dục nhiều cơ hội để thực sự trở thành quốc sách”.
Thu Giáo