Trường có dạy 100 bài đạo đức nhưng người lớn nói bậy, bài học sẽ vô nghĩa

21/12/2020 09:36
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo dục hiện đại không quan trọng việc cuốn sách giáo khoa phải dày, phải chi tiết, phải nhiều kiến thức, không dạy học sinh ghi nhớ toàn bộ kiến thức đó.

Nhà nghiên cứu giáo dục - Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương đã nhấn mạnh nhiệm vụ kiến tạo nên giá trị mới của giáo dục nói chung và trường học nói riêng tại diễn đàn giáo dục "Trường học kiến tạo" diễn ra tại Hà Nội ngày 19/12.

Làm thế nào để xây dựng được một môi trường học tập hiệu quả và học sinh hạnh phúc là trăn trở của nhiều người hiện nay.

Nền giáo dục sẽ trở nên lạc hậu nếu chỉ chú trọng “rót đầy” kiến thức nhưng không khơi dậy được tiềm năng, khát khao học tập, năng lực, phẩm chất học sinh.

Một môi trường giáo dục kiến tạo sẽ giúp con trẻ chạm được đến những mục tiêu thiết yếu và quan trọng trên hành trình học tập và phát triển của các em.

Đồng thời, các em cần đạt được những mục tiêu ấy một cách lành mạnh, giữ được niềm vui khi đến trường, không phải vùi mình trong những cuộc đua thành tích hay bị biến thành những “cỗ máy học tập” vô hồn.

Môi trường văn hóa tác động rất lớn đến giáo dục

Theo Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương, cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội đều quyết định đến việc giáo dục một đứa trẻ phát triển, khỏe mạnh.

Giáo viên, phụ huynh, nhà trường, cộng đồng địa phương, nhà nước và cả những di sản lịch sử, môi trường văn hóa mà mỗi đứa trẻ được “tắm” mình trong đó đều có ảnh hưởng đến giáo dục.

“Bản chất con người như thế nào là do sư dẫn dắt vô hình của văn hóa. Trẻ bị tác động rất lớn từ yếu tố văn hóa vô hình, đó là những thói quen, văn hóa, lịch sử của dân tộc”, ông Vương nhấn mạnh.

Chính vì vậy, xây dựng một môi trường văn hóa, thói quen, cách ứng xử tích cực là điều vô cùng quan trọng. Nhiệm vụ giáo dục không chỉ giới hạn trong không gian trường học mà là của tất cả mọi người, từ gia đình đến nhà trường và cả cộng đồng xã hội.

Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương, người đưa mô hình “trường học kiến tạo” về Việt Nam chia sẻ: “Yếu tố văn hóa vô hình mà chúng ta hấp thụ mỗi ngày, tất cả chúng ta đều đang hít thở nó giống như hít thở khí trời, chính nó có khả năng dẫn dắt và tác động rất lớn đến việc giáo dục con trẻ”.

Các chuyên gia chia sẻ những câu chuyện giáo dục về trường học kiến tạo (Ảnh: Faros)

Các chuyên gia chia sẻ những câu chuyện giáo dục về trường học kiến tạo (Ảnh: Faros)

Theo cô Uyên Phương, mặc dù phụ huynh không nắm bắt về chương trình giáo dục, phương pháp giáo dục nhưng họ cũng góp phần kiến tạo ra ra bầu không khí văn hóa vô hình mà mà con trẻ hít thở mỗi ngày.

“Dù nhà trường có dạy học sinh 100 bài học về lối sống, đạo đức, cảm xúc,… nhưng khi rời khỏi cổng trường, về nhà các em nghe những lời chửi bậy, chứng kiến những hành động thiếu chuẩn mực thì những bài học ở trường sẽ trở nên vô nghĩa”, cô Phương nêu ví dụ.

Theo quan điểm của cô Nguyễn Thúy Uyên Phương, mối quan hệ giữa Nhà trường và phụ huynh là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường học chưa có sự kết nối, chưa có sự đối thoại với phụ huynh.

Nhà trường là nơi có thể hình thành nhiều xung đột, giáo viên cần có sự dũng cảm, có kỹ năng đối thoại để hóa giải những xung đột tồn tại trong gia đình, nhà trường và xã hội.

Quá trình dạy học không phải là chiều chuộng tất cả cảm xúc của đứa trẻ. Giáo dục là làm cho con người thấy những khoảng tối mình trong mình và bắt đầu bước ra khỏi bóng tối ấy để đến với hành trình khai khai phóng.

Khoảnh khắc chúng ta nhận ra những khuyết điểm, sai lầm của mình sẽ rất đau, sẽ tổn thương. Những người thầy giỏi là người giúp học trò có những khoảnh khắc tổn thương đó, nhưng sau tổn thương không phải thu lại mà để sẵn sàng đi tới.

Quá trình đối thoại với phụ huynh đôi khi cũng cần phải gây tổn thương như thế, nhưng là để phụ huynh cùng đi tới với nhà trường trong mục tiêu cuối cùng là vì con trẻ.

Muốn vậy, giáo viên cần phải dũng cảm, phải có kỹ năng đối thoại, truyền đạt những thông điệp cần thiết mà không gây căng thẳng, trò chuyện với phụ huynh không phải để xúc phạm hay chê bai mà để phụ huynh hiểu rằng, nhà trường cần phụ huynh đồng hành, hợp tác.

Theo cô Uyên Phương, điều quan trọng là nhà trường và phụ huynh cần lắng nghe nhu cầu của nhau, xây dựng nên một cộng đồng văn hóa có sự tôn trọng lẫn nhau.

“Ở trường học của tôi, phụ huynh nói rằng họ có nhu cầu được xem camera. Nhưng nhu cầu thực sự của họ không phải vậy, nhu cầu của họ là muốn con mình được an toàn, là muốn biết con học tập như thế nào.

Khi hiểu được nhu cầu thực sự của phụ huynh, quá trình đối thoại sẽ dễ dàng hơn, vì thực tế, cả nhà trường và phụ huynh đều giống nhau trong mục tiêu giáo dục, chúng ta cần hướng đến việc xây dựng một môi trường lành mạnh, tích cực để trẻ phát triển”, cô Phương nhấn mạnh.

Hai nhiệm vụ quan trọng của trường học

Theo Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương, giáo dục nói chung và trường học nói riêng có hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ thứ nhất là trao chuyển, duy trì những giá trị văn hóa, là dạy trẻ học cách yêu thương, những đức tính tốt đẹp, rèn luyện, phát huy phẩm chất của trẻ, dạy học kiến thức có sẵn từ trước.

Nhiệm vụ thứ hai là kiến tạo nên những giá trị mới, là giáo dục nên những con người biết thay đổi, biết tiếp nhận cái mới, có năng lực giải quyết các vấn đề phát sinh trong xã hội.

Ông Vương phân tích: “Khi câu chuyện giáo dục chỉ dừng lại ở nhiệm vụ thứ nhất, chúng ta mãi mãi chỉ dậm chân tại chỗ và không thể phát triển. Học sinh luyện thi và trau dồi văn hóa, tức là các em chỉ ghi nhớ những kiến thức có sẵn mà không cần phải suy nghĩ những vấn đề đặt ra trong cuộc sống.

Chúng ta nghĩ sách giáo khoa phải dày, phải nhiều, phải chi tiết, học sinh phải làm sao để ghi nhớ, học thuộc toàn bộ những kiến thức đó và tin rằng bằng kiến thức đó mình có thể sống tốt. Điều này là hết sức sai lầm!”.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương, cuộc sống đang thay đổi từng ngày, công nghệ 4.0 tác động đến mọi lĩnh vực đời sống. Những vấn đề phát sinh như dịch Covid trong một năm đã làm thay đổi hoàn toàn hệ thống cấu trúc thế giới, thậm chí làm thay đổi cả những quan niệm của con người về cuộc sống.

Giáo dục cần thích nghi với những biến đổi đó, nếu trường học quên đi nhiệm vụ thứ hai, không có tinh thần kiến tạo giá trị mới thì trường học sẽ tạo nên những bức tường cản trở sự phát triển, những thầy cô giáo sẽ trở nên chuyên chế trong lớp học của mình.

Trường học kiến tạo hướng đến giáo dục giải quyết vấn đề, tạo nên con người công dân hành động. Giáo dục không phải chỉ chú trọng “rót đầy” kiến thức mà quan trọng là khơi dậy được tiềm năng, khát khao học tập, năng lực, phẩm chất học sinh.

“Giáo viên luôn phải ý thức được hai vấn đề, một là duy trì sự ổn định, sự trao chuyển văn hóa giữa các thế hệ, hai là tạo nên những giá trị mới, kiến tạo nên những con người chủ động, tích cực.

Nếu không có tinh thần kiến tạo thì kết quả là sau 12 năm học, các em chỉ có trong đầu những kiến thức có sẵn, thụ động trong cuộc sống, là sau đại học, hàng ngàn cử nhân thất nghiệp, bởi vì giáo dục không giúp các em chủ động, phát triển, không hướng đến năng lực giải quyết vấn đề mới trong xã hội”, ông Vương nhấn mạnh.

Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương chia sẻ 5 giá trị, 6 trụ cột để xây dựng trường học kiến tạo (Ảnh: Faros)

Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương chia sẻ 5 giá trị, 6 trụ cột để xây dựng trường học kiến tạo (Ảnh: Faros)

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương, để học sinh được trưởng thành trong môi trường giáo dục hiệu quả và hạnh phúc, để xây dựng một môi trường kiến tạo thì cần phải “gieo trồng” cho học sinh 5 giá trị.

Thứ nhất là sự thấu cảm, học sinh cần biết đồng cảm, quan tâm, là những con người biết trăn trở, biết tự mình thay đổi. Ngày nay, học sinh tiếp cận với nhiều công nghệ hiện đại nhưng giá trị này lại giảm đi rất nhiều.

Thứ hai là sự tử tế, các em cần phải hành động theo những giá trị đúng đắn.

Thứ ba là sự ưu tú, học sinh cần hướng đến sự ưu tú, chất lượng trong mỗi việc mình làm.

“Nhiều người đang lầm tưởng rằng, chúng ta muốn con trẻ hạnh phúc thì chúng ta đừng buộc nó học gì cả, chúng ta để nó phát triển tự nhiên không cần chuẩn mực nào.

Thực tế không phải như vậy, trường học tốt là biết hướng các em đến sự ưu tú, đến những chuẩn mực chất lượng. Vì xã hội nào cũng sẽ cần những con người có năng lực, giáo dục không phải là sự dễ dãi, học sinh thích gì làm nấy”, cô Phương khẳng định.

Thứ tư là biết giúp đỡ, hỗ trợ người khác, nếu con người quá chú trọng theo đuổi sự xuất sắc, sự ưu tú mà bỏ qua việc biết ơn, trân trọng, giúp đỡ người khác thì sẽ dễ chạy theo thành tích.

Giá trị cuối cùng là sự cầu thị, học sinh cần biết lắng nghe, không ngừng học hỏi để đổi mới bản thân.

Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương, có 6 trụ cột để xây dựng nên một trường học hiệu quả, học sinh hạnh phúc, đó là: Chương trình chuyên môn, Đào tạo con người, Quan hệ Nhà trường - Phụ huynh, Vận hành, Lãnh đạo, Quan hệ Nhà trường - Cộng đồng.

Phạm Minh