Xây dựng nền tảng mã nguồn mở cho sinh viên tiếp cận để khởi nghiệp

10/03/2019 06:00
TẤN TÀI
(GDVN) - Từ mã nguồn mỡ này, các nhóm khởi nghiệp sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận để tạo ra các sản phẩm ứng dụng cho thành phố thông minh.

Ngày 9/3, Trung tâm phát triển phần mềm – Đại học Đà Nẵng đã tổ chức buổi thảo luận, giới thiệu về nền tảng mã nguồn mở cho sinh viên khởi nghiệp với chủ đề: “UD Open Lora cho các dự án SmartCity”.

Mã nguồn mở tạo nền tảng cho các dự án khởi nghiệp sinh viên được triển khai thuận lợi, tiết kiệm chi phí hơn.
Mã nguồn mở tạo nền tảng cho các dự án khởi nghiệp sinh viên được triển khai thuận lợi, tiết kiệm chi phí hơn.

Tham gia buổi thảo luận này có hàng trăm sinh viên công nghệ thông tin đến từ các trường Đại học thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng cùng nhiều chuyên gia công nhệ đến từ trung tâm phát triển phần mềm.

Tiến sĩ Trịnh Công Duy – Giám đốc Trung tâm phát triển phần mềm (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ, cuộc cách mạng 4.0 đã tạo ra xu thế thông minh hóa trên mọi lĩnh vực.

Sự ra đời của các thiết bị IoT (internet vạn vật) đang làm thay đổi cách con người giao tiếp, sống, kinh doanh, làm việc, giải trí và kết nối.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ bác sĩ điều trị ung thư tại Việt Nam

“Trong thời gian gần đây, Trung tâm phát triển phần mềm – Đại học Đà Nẵng (SDC) đã đầu tư phát triển nhiều giải pháp phần mềm, cũng như giải pháp IoT đưa vào thương mại hóa nhiều giải pháp cho thành phố thông minh (Smart City).

Trong quá trình triển khai dự án, SDC đã nhận thấy nhiều khó khăn mà các nhóm khởi nghiệp, các sinh viên hay bất cứ nhà phát triển giải pháp nào khi làm các giải pháp IoT cho Smart City hay gặp phải là:

Giải pháp truyền dữ liệu diện rộng trong phạm vi 1 đô thị hay 1 thành phố, giải pháp điều khiển, giải pháp nhận và xử lý thời gian thực với dữ liệu cực lớn (bigdata), giải pháp lưu trữ và xử lý thông tin với trí tuệ nhân tạo…

Trên cơ sở đó, SDC đã xây dựng một nền tảng mã nguồn mở cho cộng đồng cùng phát triển”.

Tiến sĩ Duy giải thích thêm, mã nguồn mở này mở cả về giải pháp, thiết kế phần cứng, mã nguồn mở cho thiết bị, cho trung tâm điều khiển và cho cả các thiết bị di động…

Mục đích là nhằm hướng đến giúp các nhóm khởi nghiệp, các nhà phát triển mới dễ dàng tiếp cận và xây dựng nên các giải pháp đáp ứng được nhu cầu, góp phần làm đa dạng hệ sinh thái ứng dụng cho thành phố thông minh, đón đầu xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Về mã nguồn mở UD Open Lora là một dự án mã nguồn mở, hỗ trợ đắc lực cho việc nghiên cứu và thiết kế các hệ thống IoT sử dụng chuẩn truyền thông Lora, giúp kết nối dễ dàng mọi loại cảm biến, thiết bị trong vòng 1 – 10km.

Nó được áp dụng rộng rãi trong việc phát triển các hệ thống Smart City.

Tiến sĩ Duy chia sẻ, việc ứng dụng UD Open Lora sẽ giúp các nhóm khởi nghiệp sinh viên tiết kiện được một khoản chi phí khá lớn ban đầu để xây dựng hạ tầng cơ sở.

Sinh viên chỉ cần tiếp cận mã nguồn mở UD Open Lora để làm hạ tầng cơ bản, sau đó phát triển các ứng dụng khác như: thiết bị hỗ trợ giúp đỗ xe dễ dàng, các giải pháp quản lý cảng biển, sân bay…

Hiện Đà Nẵng là địa phương có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao. Thành phố cũng ưu tiên các dự án đầu tư về công nghệ phần mềm và đang chuẩn bị xây dựng công viên phần mềm số 2.

TẤN TÀI