LTS: Nhằm giới thiệu đến bạn đọc những quy định về đào tạo và cách thức tiến hành trong việc giáo dục của các trường trung học cơ sở tại Cộng hòa liên bang Đức, tác giả Tuyết Mai người đã từng tham gia làm việc trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Tại nước Đức, các trường trung học cơ sở có nhiệm vụ trang bị kiến thức cho học sinh từ lớp 5 đến lớp 10.
Theo điều tra thống kê của Bộ giáo dục vào năm 2016, trên toàn bộ lãnh thổ Cộng hòa liên bang Đức có 2.256 trường trung học cơ sở công, do nhà nước bảo trợ. Ngoài ra, còn có các trường trung học cơ sở tư nhân khác nữa.
Trong 6 năm học tập ở trường trung học cơ sở, học sinh sẽ được tiếp thu đầy đủ các kiến thức cơ bản, nhờ đó sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, các em sẽ có đủ điều kiện để xin học nghề tại các trường dạy nghề khác nhau trên toàn bộ lãnh thổ nước Đức.
Quy chế dạy và học ở trường trung học cơ sở
Ở Việt Nam, thành tích học tập của học sinh được đánh giá theo thang điểm 10. Ở Đức, các thầy cô đánh giá kết quả cho học sinh theo hệ điểm 6. Quy định này cũng được áp dụng cho tất cả các trường đại học (điểm 1 là giỏi … điểm 6 là kém).
Sau khi học xong lớp 4 ở trường tiểu học, thầy cô chủ nhiệm sẽ tổng kết điểm trung bình, có nhận xét chung (điểm đạo đức) và phê chuẩn rất chi tiết vào học bạ cho mỗi học sinh.
Các học sinh có điểm tổng kết >2,4 hoặc = 2,4 sẽ được giới thiệu học tiếp lớp 5 ở trường trung học cơ sở. Các em và cha mẹ cũng có quyền lựa chọn trường trung học cơ sở để xin học, không bắt buộc phải học trường gần nơi ở nhất.
Tùy theo từng tiểu bang và từng trường, số lượng học sinh trong một lớp ở trường trung học cơ sở có thể tối đa là 30 học sinh.
Bộ Giáo dục đang thảo luận đề nghị giảm mức tối đa xuống 25 học sinh để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập cho cả thầy và trò.
Trong chương trình giảng dạy ở trung học cơ sở, học sinh sẽ được học một môn ngoại ngữ (thường là tiếng Anh hoặc tiếng Pháp). Bắt đầu từ lớp 7, học sinh có quyền lựa chọn và đăng ký học các môn học trọng điểm theo khả năng riêng của mình.
Ví dụ: các em có khả năng tiếp thu nhanh và đạt điểm tốt ở các môn khoa học tự nhiên thì sẽ chọn các môn trọng điểm là toán, lý, hóa. Các em có khả năng về nghệ thuật như: âm nhạc, kịch, tạc tượng hoặc vẽ… thì sẽ chọn các môn nghệ thuật và môn văn làm trọng điểm; các em có năng khiếu ngoại ngữ có thể đăng ký lựa chọn để học thêm một ngoại ngữ thứ hai...
Trên cơ sở này, học sinh sẽ có thuận lợi trong việc định hướng để xin học nghề sau khi tốt nghiệp lớp 10.
Nhóm học sinh chọn môn trọng điểm Khoa học tự nhiên (Ảnh: tác giả cung cấp) |
Một thuận lợi tốt của việc học các môn trọng điểm là: học sinh có năng khiếu ở bất cứ lĩnh vực chuyên ngành nào, cũng sẽ được phát hiện kịp thời và gửi đến các trường năng khiếu riêng để bồi dưỡng tiếp tục.
Thực tập bắt buộc trong quá trình học ở trường trung học cơ sở
Thời gian thực tập bắt buộc cho mỗi học sinh trường trung học cơ sở nhằm mục đích tạo điều kiện cho các em làm quen với công việc hằng ngày của người lao động trên phạm vi ngành nghề khác nhau.
Ở Đức cũng có tục ngữ tương tự như ở Việt Nam: “Tai nghe không bằng mắt thấy, mắt thấy không bằng tay sờ”. Khi thực tập, các em được trực tiếp làm các việc đơn giản dưới sự hướng dẫn của các thợ cả …
Nhờ vậy, các em sẽ có khái niệm về công việc, quan hệ ở nơi làm việc và kỷ luật lao động … Tùy theo từng tiểu bang và từng trường mà thời gian thực tập từ 2 đến 3 tuần.
Trong năm học lớp 9 bắt buộc mọi học sinh phải đi thực tập. Điểm thực tập của học sinh được đánh giá không kém phần quan trọng như các điểm lý thuyết. Mỗi học sinh với sự giúp đỡ của cha mẹ, phải tự tìm chỗ thực tập theo nguyện vọng và khả năng riêng.
Ví dụ: Các em gái muốn sau này học nghề y tá, hộ sinh, bán thuốc, phải xin thực tập ở các bệnh viện. Các em trai muốn học nghề cơ khí, phải xin thực tập ở các xưởng cơ khí, sửa chữa máy móc, ô tô...
Nhà trường không có trách nhiệm tìm chỗ thực tập cho học sinh. Khi đã tìm được chỗ thực tập, học sinh phải báo cáo rõ địa chỉ và số điện thoại của nơi thực tập cho thầy cô chủ nhiệm.
Thầy cô sẽ luân phiên kiểm tra và giám sát học sinh trong suốt thời gian thực tập. Một ngày làm việc của học sinh là 7 tiếng, một tuần các em làm việc từ thứ 2 đến thứ 6.
Học sinh không được nhận lương khi thực tập. Kết thúc thời gian thực tập, các em sẽ được cấp giấy chứng nhận có đánh giá kết quả của nơi thực tập.
Thợ cả hướng dẫn học sinh thực tập ở xưởng cơ khí Stuttgart, năm học 2017 (Ảnh: tác giả cung cấp) |
Thực tập tự nguyện trong quá trình học ở trường trung học cơ sở
Bắt đầu từ lớp 8 trở lên, học sinh được phép xin đi thực tập tự nguyện. Việc thực tập này không nằm trong chương trình giảng dạy của trường và không bắt buộc.
Song, các chuyên gia giáo dục đã khuyên học sinh của 3 khối 8, 9 và 10 nên dành thời gian 4 tuần nghỉ của mình/năm để tìm chỗ thực tập. Bởi vì một năm học, các em có 4 kỳ nghỉ dài: 3 kỳ nghỉ lễ giáng sinh, lễ phục sinh, lễ chúa lên trời và 1 kỳ nghỉ hè 6 tuần.
Thực tập là cơ hội để học sinh tiếp cận với thực tế công việc ở những ngành nghề mà các em quan tâm. Sau 4 tuần làm việc, các em sẽ tận mắt nhìn thấy việc áp dụng lý thuyết vào công việc thực tế của từng nghề.
Nhờ đó, các em sẽ trưởng thành nhanh hơn và tự lập hơn. Giấy chứng nhận sau các kỳ thực tập của học sinh, sẽ được nộp cùng với hồ sơ xin học nghề sau này. Chúng sẽ làm tăng ấn tượng cho việc xét duyệt cấp chỗ học nghề trong tương lai của học sinh.
Thợ cả hướng dẫn học sinh tại xưởng làm bánh thủ công vào dịp lễ Noel. (Ảnh: tác giả cung cấp) |
Các khả năng học tiếp cho các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở
Kết thúc lớp 10, học sinh sẽ phải trải qua kỳ thi tốt nghiệp trường trung học cơ sở và được cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Trong văn bằng này sẽ ghi chi tiết điểm quá trình và điểm tổng kết trung bình.
Ví dụ: Bằng tốt nghiệp điểm 1,5; 2,5; 4,0…Lúc này các bạn trẻ phải giải một bài toán khó nên học tiếp thế nào? học ở đâu? Lời giải đáp cho 2 câu hỏi này sẽ có ảnh hưởng rất quan trọng đến sự phát triển sau này của mỗi học sinh.
Vì vậy, các bậc cha mẹ thường quan tâm, phân tích và góp ý kiến để con cái định hướng đúng việc học tiếp, sao cho thích hợp với khả năng và tính cách riêng của con mình. Nếu chọn hướng đi không phù hợp, các em sẽ khó thu được thành công lớn trong đường đời như đã mơ ước.
Xin học nghề sau khi nhận bằng tốt nghiệp trung học cơ sở
Phần lớn các bạn trẻ nộp đơn xin học nghề tại các trường dạy nghề. Thời gian học nghề kéo dài từ 2 đến 3 năm. Việc chọn trường dạy nghề để nộp đơn xin học phải lựa theo điểm tốt nghiệp trung học cơ sở và khả năng riêng của mỗi học sinh.
Ví dụ: các bạn có điểm tốt nghiệp trung học cơ sở > 2 thì khó có hy vọng xin được chỗ học ở các trường đào tạo y tá, nhân viên phòng khám, nhân viên ngân hàng, cán bộ các loại phòng thí nghiệm hóa, dược, máy tính…hoặc kế toán, tài vụ.
Với điểm tốt nghiệp trung học cơ sở > 4 thì học sinh thường nộp đơn xin học ở các trường dạy nghề đơn giản như: thợ xây dựng, nhân viên bán hàng, cấp dưỡng…Thời gian học ở những trường này là 2 năm.
Trong suốt quá trình học nghề, các bạn trẻ được cấp “tiền học nghề”. Tùy theo nơi học và từng tiểu bang, người học nghề sẽ được nhận một tháng khoảng 350 đến 600 Euro. (Euro là đơn vị tiền tệ của Liên minh Tiền tệ châu Âu)
Xin học ở các trường Trung học phổ thông chuyên ngành
Nhóm học sinh khá giỏi, có điểm tốt nghiệp trung học cơ sở < 1,5, thường chọn cách đi đường vòng “để làm bằng tốt nghiệp phổ thông chuyên ngành”. Thay vì nộp đơn xin học nghề, các em nộp đơn xin học tiếp ở các trường trung học phổ thông chuyên ngành.
Giáo dục ở trường tiểu học tại Cộng hòa liên bang Đức |
Ví dụ: trung học phổ thông kinh tế; trung học phổ thông kỹ thuật, trung học phổ thông thể thao, ngoại ngữ và nghệ thuật… Thời gian học trung học phổ thông chuyên ngành khoảng 2 đến 3 năm tùy theo từng hướng ngành.
Ví dụ: chương trình học của trung học phổ thông kỹ thuật là 3 năm. Kết thúc năm học cuối cùng, học sinh sẽ thi tốt nghiệp và được cấp bằng trung học phổ thông chuyên ngành.
Với tấm bằng này, các em sẽ được phép xin học ở các trường đại học theo hướng chuyên ngành ghi ở bằng (ngoại trừ Đại học Y khoa). Ví dụ: học sinh có bằng trung học phổ thông ngành kinh tế thì sẽ xin học các trường Đại học Kinh tế, tài chính…
Các em có bằng tốt nghiệp phổ thông kỹ thuật, sẽ được xin học đại học các ngành kỹ thuật… Khả năng để xin chỗ học ở đại học Kiến trúc và đại học Luật với tấm bằng trung học phổ thông là rất mỏng manh.
Thời gian học ở các trường trung học phổ thông chuyên ngành, cũng tương tự như các trường phổ thông khác, các em không được nhận tiền như khi học ở trường học nghề.
Xin ra nước ngoài làm việc
Một số ít các em nữ học sinh Đức có tính cách hiếu động, dễ gần, rất mạo hiểm và có khả năng ngoại ngữ. Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, các em thường xin đến các nước nói tiếng Anh hoặc Pháp như: Úc, Canađa, Anh, Mỹ, Pháp…
Thời gian xin ra nước ngoài làm tối đa là 12 tháng. Trong thời gian này, các bạn trẻ được cùng ăn, cùng ở, cùng chơi, cùng học với trẻ em gia đình người bản xứ.
Qua đó, các bạn trẻ xin ra nước ngoài làm việc sẽ làm chủ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp rất nhanh. Khi trở về Đức, với giấy chứng nhận 12 tháng, các em có nhiều thuận lợi để xin học nghề ở các ngành cần có ngoại ngữ tốt như hướng dẫn viên du lịch, nhân viên hàng không, phiên dịch viên và tiếp viên ở khách sạn, thậm chí các em có thể xin học đại học Ngoại ngữ.…