20 năm mới được về nhà ăn Tết 1 lần
Những ngày cuối năm, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam có mặt tại Trại giam số 1 - Công an TP Hà Nội. Đây cũng là khoảng thời gian bận rộn nhất đối với cán bộ trại giam bởi ngoài công việc quản lí phạm nhân, họ còn phải gấp rút chuẩn bị xét đặc xá, giảm án, tha tù để các phạm nhân cải tạo tốt sớm trở về đón Tết bên gia đình.
Trung tá Dương Văn Điều - Giám thị Trại cho biết, mỗi năm cứ vào dịp Tết đến Xuân về, không khí ở trại giam lại tất bật hẳn lên. Thời điểm này, các cán bộ trại giam đang chuẩn bị cho đợt xét đặc xá. Dự kiến Tết năm nay, toàn trại giam sẽ có khoảng 30 - 40 phạm nhân được giảm án, tha tù. Đối với những phạm nhân chưa hết thời hạn tù sẽ ăn Tết theo chế độ Nhà nước quy định.
Phạm nhân và cán bộ trại giam đang cùng gói bánh chưng đón Tết |
Không chỉ đối với phạm nhân mà hầu hết các giám thị và ban quản giáo trại cũng ăn Tết luôn ở trong trại. Do đặc thù công việc nên dù là Tết thì các cán bộ trại giam luôn phải đảm bảo gần như 100% quân số. Trong số những cán bộ công tác tại trại, có rất nhiều người còn trẻ, chưa lập gia đình, nhiều cán bộ nữ vừa mới sinh con nhưng đều nhiệt tình với công việc trực Tết.
Trung tá Điều chia sẻ, đã hơn 20 năm công tác tại trại giam, duy chỉ có 1 năm anh được về ăn Tết cùng gia đình, còn lại là ở tại trại. "Lâu rồi cũng thành quen, vợ con mình cũng thông cảm. Bao nhiêu năm rồi mình ăn mâm cơm hóa vàng ngày Tết ở nhà là chủ yếu, cũng thèm lắm bữa cơm sum họp gia đình ngày 30 Tết nhưng nhiệm vụ không thể không hoàn thành".
Còn khi được hỏi về chuyện ăn Tết, Trung tá Trịnh Thị Lụa, người đã có gần 30 năm làm việc tại đây cho biết, chị coi trại giam như ngôi nhà thứ 2 của mình. Chị Lụa tâm sự: “Công việc của cán bộ quản giáo ngày thường đã vất vả nhưng những ngày Tết còn khó khăn trăm bề. Những phạm nhân nam họ biết kiềm chế cảm xúc nhưng phạm nhân nữ rất dễ xúc động, đặc biệt là những người đã có con. Hiểu rõ điều đó nên các quản giáo đều hết sức tạo điều kiện cho phạm nhân có không khí Tết đầm ấm nhất, cũng có bánh chưng, có giò thịt, măng miến, bánh kẹo”.
Mong sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình
Những ngày giáp Tết cũng là khoảng thời gian phạm nhân thao thức đếm ngược từng giờ để được trở về bên gia đình, sống cuộc sống tự do mà họ từng đánh mất.
Phạm nhân Nguyễn Thu Thủy bùi ngùi, xúc động khi nhắc đến Tết |
Nhắc đến những ngày Tết khi chưa vào trại, phạm nhân Nguyễn Thu Thủy (SN 1975, trú tại phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) bùi ngùi nức nở. Thủy kể, do bố mẹ mất sớm, nhà nghèo lại có tới 5 anh chị em nên Thủy lấy chồng từ năm 16 tuổi và liên tiếp sinh 4 đứa con. Chồng Thủy làm nghề tự do, thu nhập chẳng đáng là bao nên kinh tế gia đình luôn bấp bênh. Cái đói nghèo dễ khiến con người ta nghĩ quẩn. Giáp Tết năm đó, thiếu tiền tiêu và cần tiền đóng học cho con, Thủy được người láng giềng rủ lên Hà Nội, vào các siêu thị trộm đồ. Thủy bị bắt ngay trong lần đầu tiên “ra quân”.
Trong thời gian cải tạo tại trại giam, một mình chồng Thủy phải vừa lo kiếm tiền, vừa chăm sóc 4 đứa con còn nheo nhóc. Nghĩ đến những ngày Tết xa chồng con, Thủy tủi thân ứa nước mắt...
Còn trường hợp của Tuân, đây là năm thứ 3 Tuân ăn Tết trong trại. Tuân cho biết, mâm cỗ ngày Tết ở trong trại cũng không thiếu thứ gì, cũng có bánh chưng, thịt, rượu, hoa quả, bánh kẹo..., nhưng…
Nói đến đây sự vui vẻ vốn có của Tuân tự nhiên tắt hẳn. Thì ra Tuân nhớ vợ con, nhớ gia đình và cồn cào hơn bao giờ hết. Tuân chia sẻ: "Ngày trước, chiều 30 Tết nào, bố mẹ, vợ chồng, con cái em cũng quây quần bên bữa cơm tất niên. Tuy đã ăn Tết ở đây hai năm nhưng cứ đến thời điểm này em lại nhớ gia đình kinh khủng. Đêm giao thừa năm ngoái nằm trong nhà giam, em khóc như đứa trẻ vì nhớ vợ, thương con..." - giọng Tuân như nghẹn lại.
Cùng cải tạo tại trại giam số 1, Trần Huy Hoàng (SN 1984, trú tại phường Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) nom dáng thư sinh với cặp kính dày. Là con út trong một gia đình khá giả, chị gái là giảng viên cho một Viện lớn ở nước ngoài, bố mẹ đều là công chức, bản thân Hoàng cũng là một kĩ sư cơ khí nhưng vì lòng tham, Hoàng phải nhận mức án 50 tháng tù do tiêu thụ tài sản phạm tội mà có.
"Bây giờ gia đình xáo trộn nhiều quá, bố mẹ thì già, hai đứa con còn nhỏ..., một mình vợ em phải ghánh vác hết mọi công việc. Đây là cái Tết thứ 3 của em trong trại. Em sẽ cố gắng rèn luyện tốt để sớm được trở về với gia đình", ánh mắt Hoàng tuy buồn nhưng chưa đựng niềm hi vọng.
Đối với hầu hết mọi người, Tết là dịp để gia đình đoàn tụ, sum họp vui vầy. Tuy nhiên, với một số người khác, Tết về là bao trăn trở, thao thức, với niềm mong mỏi và nuối tiếc khôn nguôi.
Giao thừa đã đến rất gần. Vào thời khắc thiêng liêng ấy, những cái bắt tay rất chặt, những lời chúc, lời dặn dò chân tình của các cán bộ Trại giam sẽ xóa đi khoảng cách, xóa đi sự mặc cảm của phạm nhân. Chỉ còn tình người và một niềm tin tươi sáng trước mùa xuân hiện hữu. Ở những nơi tưởng như không có Tết này, mùa xuân đang đến rất gần. Mùa xuân của lòng nhân ái, để các phạm nhân sớm trở lại đời thường.