Năm học 2021-2022, ngành giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 2 và lớp 6.
Chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp cận theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, do đó đòi hỏi giáo viên phải chủ động đổi mới, làm mới mình, thoát ly khỏi lối mòn.
Phải chăng một bộ phận giáo viên còn ngại khó, ngại khổ, ngại đổi mới?
Điều mà các cấp quản lí giáo dục và những ai quan tâm đến giáo dục lo lắng là sức ì ở một bộ phận giáo viên quá lớn, khó theo kịp được đổi mới giáo dục.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai sang năm học thứ 2 ở lớp 1, năm đầu lớp 2 đối với tiểu học và là năm đầu tiên với lớp 6 bậc trung học cơ sở.
Và quả thật, việc ngại khó, ngại khổ đã xuất hiện trong không ít giáo viên khi gần đây có một bộ phận thầy cô giáo đã kêu ca trên các trang mạng xã hội và truyền thông rằng, giáo án (kế hoạch bài dạy) và các kế hoạch theo các phụ lục của công văn 5512/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hình thức, đã tạo quá tải, gây áp lực, tốn nhiều thời gian của giáo viên.
Giáo viên tâm tư là phải soạn giáo án quá dài, đã bị “trói buộc” vào việc soạn giáo án theo công văn này và đòi Bộ Giáo dục và Đào tạo cởi trói bằng việc nới lỏng công văn 5512.
Xin phải nhấn mạnh lại rằng, việc soạn giáo án là quyền chủ động, sáng tạo của giáo viên, “sườn” giáo án 5512 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra chỉ là gợi ý các bước soạn, không phải là khuôn mẫu.
Giáo viên có quyền soạn linh hoạt, ngắn gọn, thiết kế theo năng lực của mình sao cho dạy học hiệu quả.
Trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Khung kế hoạch bài dạy là văn bản hướng dẫn, gợi ý giáo viên làm tốt điều này, không những không "cầm tay chỉ việc" mà giúp cho giáo viên chủ động, sáng tạo trong việc áp dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục”.
Ở một phương diện khác, một số giáo viên lại cho rằng bồi dưỡng tập huấn giáo viên đại trà các mô đun Chương trình giáo dục phổ thông mới gây áp lực, nhiều nội dung không cần thiết, vô bổ, dài lê thê nên giáo viên không học thật, thuê người học hộ các mô đun.
Ảnh minh họa trên Giaoducthoidai.vn |
Vấn đề đưa ra thật khiên cưỡng, thiếu thuyết phục, chỉ là lí do bào chữa cho việc ngại học, ngại đổi mới, không có cơ sở vì để có được nội dung tập huấn chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự chuẩn bị, biên soạn rất chu đáo, khoa học và kĩ lưỡng.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các trường sư phạm trọng điểm của cả nước chủ trì xây dựng tài liệu bồi dưỡng.
Tài liệu được thực hiện theo quy trình 18 bước tập huấn chương trình giáo dục phổ thông 2018, đó là:
1. Thành lập Ban Phát triển Tài liệu, học liệu bồi dưỡng giáo viên (GV) và cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông (CBQLCSGDPT).
2. Soạn thảo kế hoạch phát triển tài liệu mô đun bồi dưỡng.
3. Cử đại diện các ban phát triển tài liệu tham gia hội thảo/tập huấn xây dựng tài liệu do Ban quản lý Chương trình ETEP tổ chức.
4. Soạn thảo đề cương chi tiết các phần của mô đun bồi dưỡng.
5. Tổ chức biên soạn tài liệu mô-đun BDTX (theo yêu cầu cần đạt) cho GVPT và CBQLCSGDPT.
6. Xin ý kiến tham vấn của các chuyên gia.
7. Tổ chức tham vấn qua 01 hội thảo trong 01 ngày hoặc các hình thức tham vấn khác để xin ý kiến góp ý chỉnh sửa và hoàn thiện tài liệu.
8. Chỉnh sửa tài liệu bồi dưỡng trên cơ sở tham khảo ý kiến góp ý.
9. Thử nghiệm tài liệu trên một nhóm đối tượng tương đương từ 20 - 30 người, với 100% khối lượng học tập của mô-đun.
10. Chỉnh sửa tài liệu sau thử nghiệm.
11. Nghiệm thu tài liệu bồi dưỡng (theo yêu cầu cần đạt của tài liệu).
12. Chỉnh sửa tài liệu sau nghiệm thu cấp trường.
13. Thẩm định tài liệu bồi dưỡng (theo yêu cầu cần đạt của tài liệu).
14. Chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện tài liệu sau góp ý của Hội đồng thẩm định.
15. Ban hành tài liệu bồi dưỡng (do Trường ĐHSP thực hiện)
16. Hằng năm, lấy ý kiến góp ý về chương trình, tài liệu bồi dưỡng và phương pháp tổ chức bồi dưỡng cốt cán, đại trà từ các GVSP và GVQLGD và các đề xuất chỉnh sửa vào cuối mỗi năm (hội thảo/khảo sát).
17. Đề xuất chỉnh sửa chương trình, cập nhật tài liệu hằng năm.
18. Chỉnh sửa và cập nhật tài liệu hằng năm (đối với các mô-đun tài liệu Trường ĐHSP/Học viện được phân công biên soạn).
Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Cơ hội để giáo viên đổi mới
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Để dạy chương trình theo hướng phát triển năng lực của học sinh thì giáo viên phải nâng cao năng lực của bản thân mới mong bắt nhịp yêu cầu đổi mới giáo dục.
Việc soạn giáo án phải thể hiện các yêu cầu cần đạt về kiến thức, năng lực, phẩm chất, mục tiêu, sản phẩm sau mỗi hoạt động là điều mà tiết học hướng tới.
Khác với chương trình cũ chỉ dạy học sinh biết gì, chương trình mới dạy học sinh biết làm gì.
Không ai có thể phủ nhận rằng thầy giỏi thì giáo án chỉ là hình thức. Thế nhưng, đó là những người thầy đã nhuần nhuyễn chương trình, phương pháp, kĩ thuật dạy học, phương pháp đánh giá…
Chính vì vậy, nếu ngại đổi mới, ngại khổ ngay từ khâu soạn giáo án thì khó có những tiết dạy hiệu quả, lôi cuốn, truyền cảm hứng khám phá kiến thức cho học sinh.
Và việc thay đổi hình thức tập huấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo bằng hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp, bồi dưỡng giáo viên cốt cán để triển khai cho giáo viên đại trà là cách làm đột phá.
Trước đây, bồi dưỡng chương trình cho giáo viên chỉ dựa vào sách giáo khoa, không có chương trình tổng thể, chương trình môn học như lần này.
Việc tập huấn chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy củ hơn, bài bản hơn. Việc tự học, tự nghiên cứu trước khi vào học trực tiếp để nắm vững tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, nội dung, quan điểm đổi mới, chương trình tổng thể, chương trình môn học, yêu cầu cần đạt là đích đến của việc đổi mới sáng tạo công tác tập huấn chương trình.
Khi bồi dưỡng, giáo viên cốt cán đã được tập huấn theo công thức 5-3-7 đối với mô đun 1, 2, 3 và 7-2-7 đối với mô đun 4.
Theo đó, mỗi mô đun giáo viên được học tập 5 ngày qua mạng đọc tài liệu, xem video, infographic, trả lời câu hỏi trắc nghiệm.
3 ngày trực tiếp sẽ được giảng viên sư phạm hệ thống hoá lại lí thuyết, trao đổi, giải đáp thắc mắc, thực hành.
7 ngày qua mạng học viên sẽ hoàn thiện các câu hỏi, bài tập, hoàn thiện kế hoạch nộp bài lên hệ thống, phản hồi về khóa học.
Từ các nội dung được tập huấn, giáo viên cốt cán sẽ về địa phương hướng dẫn cho đồng nghiệp địa phương mình.
Nội dung bồi dưỡng giáo viên phổ thông được thực hiện qua 9 mô đun:
1. Hướng dẫn thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (19 môn học).
2. Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh (19 môn học).
3. Đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực (19 môn học).
4. Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh (19 môn học).
5. Tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học.
6. Xây dựng văn hóa nhà trường.
7. Thực hiện và xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường ở trường.
8. Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
9. Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh (19 môn học).
Đến thời điểm này, giáo viên phổ thông trong cả nước đã được học mô đun 1, 2, 3 và đang triển khai mô đun 4.
Các mô đun rất thiết thực, góp phần bồi dưỡng năng lực, chuyên môn nghiệp vụ giáo viên để đáp ứng giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới.
Với cách tổ chức tập huấn khoa học, hiệu quả từ khâu phát triển tài liệu đến triển khai học tập như vậy, có thể nói rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà khoa học, nhà giáo xây dựng chương trình đã kỳ vọng rất nhiều vào sự thành công trong lần cải cách giáo dục lớn này.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là cơ hội để giáo viên bắt nhịp đổi mới. Ở đây, giáo viên phải tự học, nắm bắt được kiến thức, các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực, phương pháp đánh giá hiện đại.
Giáo viên cần thay đổi về quan điểm giáo dục, thay đổi thói quen dạy học theo lối truyền thống, tránh lối mòn còn không sẽ bị tự đào thải, đó là quy luật của cuộc sống mà nghề nghiệp nào cũng có.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.