Không muốn cũng phải nói thật, tôi thấy còn nhiều giáo viên ngại đổi mới

17/08/2021 07:46
Duyên Hà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chuyện ngày càng có nhiều giáo viên ngại, không theo kịp đổi mới khiến học sinh, nhà trường, ngành giáo dục đang chậm phát triển là có thật.

Giáo án, sáng kiến, hồ sơ sổ sách… sao chép của đồng nghiệp

Vào mỗi đầu năm học mới, sau khi phân công chuyên môn, việc điện thoại, nhắn tin của nhiều giáo viên cho đồng nghiệp xin giáo án (nay là Kế hoạch bài dạy) là thường, là chuyện muôn năm cũ.

Đổi khối lớp xin giáo án, mới về trường khác xin, thay đổi hình thức soạn, mẫu mới xin, giáo sinh mới ra trường cũng xin…

Trên mạng xã hội chúng ta thấy rất nhiều “chợ giáo án” bán mua xôm tụ, đắt hàng, nhộn nhịp bán – mua.

Ảnh minh họa: GDVN.

Ảnh minh họa: GDVN.

“Hot nhất” hiện nay là giáo án lớp 2, lớp 6 chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo án 5512 (giáo án soạn theo công văn số 5512/BGDĐT- GDTrH ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Không muốn cũng phải nói lại rằng, không thể lấy giáo án của người này cho người khác bê nguyên xi để dạy được, không thể lấy giáo án lớp này dạy cho lớp khác được vì mỗi người có một phương pháp, cách dạy khác nhau và trình độ học sinh các lớp là không như nhau.

Sao chép giáo án của nhau chỉ là đối phó, qua mặt ban giám hiệu mỗi lần kiểm tra. Nhiều người còn cho rằng, ít ai dạy theo giáo án đó là cách nói thiển cận, nhất là người còn non tay nghề. Chúng ta cố bảo thủ với suy nghĩ đó thì bao giờ mới đổi mới phương pháp dạy học được, bao giờ tiết dạy mới thật sự truyền cảm hứng cho học trò được.

Năm nào người viết cũng được bạn bè đồng nghiệp, các em giáo viên trẻ, kể cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng xin sáng kiến vào đầu năm học, mùa thi giáo viên giỏi, mùa nộp hồ sơ thi đua.

Ngay cả sáng kiến đi thi giáo viên giỏi huyện, tỉnh cũng xin. Việc xin sáng kiến không lạ gì trong giới giáo viên. Không phải vơ đũa cả nắm nhưng nhiều giáo viên cứ vô tư sao chép nguyên bản làm của mình. Lấy của người khác chỉ sửa qua loa, có khi còn để tên lớp, tên trường của bạn vì chưa… đọc tới.

Tôi thường vào thế “tiến thoái lưỡng nan” khi mọi người nhờ vả. Cho thì cảm thấy công sức mình để người khác hưởng và tiếp tay cho “đạo văn” mà từ chối thì mình được gán mác ích kỉ.

Cô bạn tôi kể, bạn lên mạng bán được một số sáng kiến của mình về môn Tiếng Anh. Đây là những sáng kiến đã đạt trong các hội thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Cô giáo này mong những sáng kiến của mình được nhiều bạn bè áp dụng vào giảng dạy. Điều cô nghĩ thật đơn giản đến cho đến khi chính mình được chào mời mua ngay… sáng kiến của mình!

Không chỉ giáo án, sáng kiến mà ngay cả hồ sơ giáo viên cũng sao chép. Giáo viên sao chép sổ chủ nhiệm, đề thi, đề kiểm tra, sổ học bồi dưỡng thậm chí cả sổ… dự giờ. Tổ trưởng chuyên môn sao chép kế hoạch, báo cáo của nhau. Và đến cả bản thành tích thi đua cũng sao chép của người khác.

Giáo án, sáng kiến giao bán đầy ở các chợ trên mạng, trang mạng xã hội có các nhóm giáo viên. Nói là xin, mua về tham khảo nhưng có mấy ai tham khảo?

Khi giáo viên ngại đổi mới

Đại dịch Covid-19 vào sau tết 2020 khiến học sinh cả nước phải dừng đến trường trong một thời gian dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở ôn tập, dạy bài mới để chủ động khung thời gian năm học, giúp học trò không bị quên kiến thức.

Dừng đến trường không dừng học được các trường bắt tay ngay vào thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như đưa bài tập lên Zalo, dạy học trên truyền hình, dạy học online.

Một trường học ở địa phương tôi là trường đầu tiên chọn phần mềm Zoom dạy trực tuyến cho học sinh tiểu học của mình. Thế nhưng, khi đưa ra thì đa số giáo viên tỏ ra không đồng tình.

Có nhiều lí do được đưa ra để “tránh” dạy trực tuyến: Nhiều gia đình học sinh không có laptop, điện thoại thông minh, học sinh nhỏ chưa quen ứng dụng công nghệ, học sinh lớp 1 còn quá nhỏ để làm quen với hình thức học này, hầu hết giáo viên chưa biết phần mềm Zoom.

Thật bất ngờ, không chỉ giáo viên trường chưa muốn “phá cách” dạy trực tuyến mà nhiều viên trường bạn cũng vậy. Họ không dám dạy trực tuyến vì sợ có phụ huynh dự giờ và cùng học với học sinh. Chung quy lại là giáo viên ngại làm mới tay nghề.

Năm học 2020-2021 nơi tôi dạy triển khai cho giáo viên các lớp 2, 3, 4, 5 chưa thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 soạn giáo án (kế hoạch bài dạy) theo hướng tiếp cận năng lực để làm quen, tiếp cận với các phương pháp, kĩ thuật dạy học mới. Và rồi nhiều ý kiến đưa ra xin nhà trường lùi thời gian do chưa quen.

Một cán bộ quản lý cho biết: Còn một phận giáo viên chưa theo kịp đổi mới, cứ thay đổi chút là kêu khó, viện lí do khó khăn thực hiện. Chưa bắt tay vào làm đã than thở thì làm sao vững tay nghề được. Có lẽ sức ì đã quá lớn, ngay giáo viên trẻ cũng vậy.

Cách nay gần chục năm, nhiều nơi được ngành giáo dục trang bị các thiết bị dạy học (bảng tương tác) hàng trăm triệu đồng với nhiều tiện ích soạn giảng nhằm tạo hứng thú cho học sinh học tập.

Giáo viên được tập huấn sử dụng, nhưng rất ít giáo viên muốn khám phá và soạn giảng trên thiết bị này. Chuyện “đắp chiếu” thiết bị diễn ra không hiếm.

Hiệu phó một trường tiểu học từng ngao ngán chia sẻ: “Giáo viên mình lúc này ít chịu học hỏi, rèn tay nghề, sao mà chuyên môn vững vàng được. Trang bị thiết bị, tập huấn sử dụng, lên kế hoạch, ra cả chỉ tiêu cho từng khối lớp mà giáo viên vẫn ì ạch”.

Không đổi mới sẽ bị đào thải

Chúng ta đã triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1, sẽ thức hiện ở lớp 2 và lớp 6 trong năm học 2021-2022, điều này đòi hỏi giáo viên cần được phát triển năng lực để đáp ứng yêu cầu mới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đổi mới hình thức tập huấn chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên.

Với hình thức tự học học online kết hợp với trực tiếp là cơ hội để giáo viên phát triển năng lực của mình.

Qua các mô đun 1, 2, 3, giáo viên đã được giáo viên cốt cán lan tỏa việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018, các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, các phương pháp, công cụ đánh giá hiện đại.

Cách làm hay, nhưng vẫn còn không ít giáo viên “chểnh mảng” việc tự học bằng cách nhờ người học online, học cho có, qua loa, lấy câu trả lời, đáp án trên mạng làm bài, copy bài trên mạng nộp lên hệ thống để mong sao cho xong bài tập, hoàn thành mô đun là được…

Nhiều người than chương trình học khó, mất nhiều thời gian, không chịu đầu tư nghiên cứu thì sao nắm được cốt lõi của nội dung, chương trình học tập. Và sau này, khi bước vào dạy chương trình mới sẽ cứ dạy “làng nhàng” là tất nhiên.

Người viết có một đồng nghiệp đã lớn tuổi thuộc dạng “cây đa cây đề” không chỉ của địa phương mình dạy. Ở anh là một sự đổi mới không ngừng, không có điểm dừng.

Dù lớn tuổi nhưng các phần mềm giáo án điện tử, bài giảng tương tác, sử dụng các thiết bị tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin đến lớp trẻ cũng phải “ngả mũ” học hỏi.

Dịch Covid-19 anh là người đầu tiên của trường và thành phố dạy trực tuyến bằng phần mềm Zoom và sau đó hướng dẫn cho 100% giáo viên trường dạy học. Không những thế, anh luôn tìm tòi và đi trước áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực. Ba mươi năm trong nghề, đến giờ anh vẫn còn tham gia hầu như tất cả hội thi các cấp.

Một lần tôi khuyên anh nghỉ ngơi, nhưng anh chia sẻ: “Nghề mình không luôn tìm tòi, đổi mới, sáng tạo sẽ bị lạc hậu. Phương pháp cũ, kĩ thuật dạy học thiếu tích cực thì học sinh nhàm chán ngay. Mà học sinh đã không thích học coi như mình thất bại. Còn đứng trên bục giảng thì còn phải cố gắng nếu người thầy không muốn tự đào thải mình”.

Thời đại 4.0, giáo dục đang đứng trước những thách thức và giáo viên cũng không thể đứng ngoài lề. Giáo viên phải đổi mới chính mình mới mong bắt kịp những ngành nghề khác. Xu hướng ở các đô thị phụ huynh chọn cho con mình học trường quốc tế, trường tư khiến chúng ta phải suy nghĩ về việc đào thải nghề nghiệp trong giáo dục nay mai.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Duyên Hà