Thời gian này, nhiều trường đã tổ chức họp phụ huynh định kì sơ kết học kì 1 năm học. Nội dung chính của buổi họp là giáo viên chủ nhiệm thông báo đến phụ huynh kết quả hai mặt về học lực và hạnh kiểm của học sinh.
Bên cạnh đó, phụ huynh còn đóng góp một số khoản tiền cho con em như tiền đề cương, quỹ lớp, khuyến học… Chính vì buổi họp thường đi đôi với việc đóng tiền nên mới có chuyện phụ huynh nói: “Hết bao nhiêu tiền, thầy/cô cho tôi đóng trước để về công chuyện”.
Nhiều giáo viên chủ trì cuộc họp rất “nhạt”
Thông thường trước ngày họp phụ huynh là Hiệu trưởng tổ chức họp trước với giáo viên chủ nhiệm về những nội dung đã được quán triệt sẵn.
Giáo viên chủ nhiệm phải báo cáo với phụ huynh về tình hình chung của trường, từ số lượng giáo viên/học sinh, những thành tích mà các em đạt được về học tập, hạnh kiểm và các hoạt động phong trào (kể cả thành tích của thầy cô).
Hiệu trưởng cũng không quên nhắc giáo viên chủ nhiệm vận động phụ huynh tài trợ các khoản tiền, mà nghe ra đều rất hợp lí vì tất cả chỉ nhằm phục vụ cho việc học của con em.
Cuối cùng, giáo viên chủ nhiệm phải thể hiện rõ trong biên bản cuộc họp “phụ huynh đồng ý 100%” (hoặc tỉ lệ cao chót vót) và không có ý kiến trái chiều về trường, lớp thì mới “thành công tốt đẹp”.
Một buổi họp phụ huynh. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn) |
Vì được “gà” trước nội dung nên nhiều giáo viên chủ nhiệm triển khai cuộc họp rất máy móc. Giáo viên đọc (và phân tích) xong mấy trang giấy A4 về tình hình chung của trường, lớp và phương hướng nhiệm vụ cho học kì tới/năm học mới, có khi mất hơn nửa tiếng.
Phụ huynh đa phần miễn cưỡng ngồi lắng nghe, nhưng cũng có người lướt điện thoại, thậm chí trao đổi to tiếng với người bên cạnh hoặc nói chuyện oang oang. Nhiều bậc cha mẹ cũng chỉ mong giáo viên báo cáo xong nội dung cuộc họp để ra về.
Đến phần giáo viên xin ý kiến của phụ huynh, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trong nhiều cuộc họp rất ít người phát biểu. Cha mẹ không/ít phát biểu phần vì nể giáo viên chủ nhiệm công lao nhọc nhằn dạy dỗ con cái, phần cũng lo nhỡ nói điều gì không phải có khi ảnh hưởng đến con.
Và thế là thư kí ghi biên bản chỉ cần chốt “phụ huynh nhất trí 100% với báo cáo của giáo viên chủ nhiệm” là xong.
Phụ huynh nào quan tâm đến con cái thì ở lại sau cuộc họp để trao đổi thêm giáo viên chủ nhiệm, còn lại thản nhiên ra về vì đã kí xong tờ điểm danh (đồng nghĩa với giáo viên không la rầy con).
Giáo viên và phụ huynh phải đồng hành cùng nhau
Nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, chúng tôi không triển khai cuộc họp theo khuôn mẫu như đã nói ở trên.
Cuộc họp đầu năm, mọi thông tin về trường, lớp cũng như chủ trương chính sách của Ban Giám hiệu, chúng tôi đánh máy nội dung và phô-tô sẵn cho mỗi phụ huynh một bản.
Con kiểm tra học kì, cha mẹ cũng hụt hơi |
Phụ huynh nào quan tâm về trường lớp thì chỉ việc đọc kĩ nội dung ghi sẵn hoặc xem thêm trên trang web của nhà trường.
Thay vào đó, chúng tôi chỉ giới thiệu vắn tắt về bản thân giáo viên chủ nhiệm (dạy môn gì, cho số điện thoại và tài khoản Gmail, Facebook, Zalo).
Phụ huynh có thể liên lạc với chúng tôi để trao đổi về tình hình chung của con em bằng bất cứ hình thức nào nếu cảm thấy thuận lợi nhất.
Tiếp đến, chúng tôi nhờ phụ huynh ghi ra tờ giấy phát sẵn những nét cơ bản về con em như: thói quen, sở thích, tính tình kể cả những hạn chế khiếm khuyết (nếu có) cùng với số điện thoại của cha mẹ.
Chúng tôi cam kết với phụ huynh, sẽ dạy học sinh hết sức và đối xử công bằng tuyệt đối với tất cả thành viên trong lớp.
Chúng tôi cũng nói rằng, không bao giờ có chuyện “đì” học sinh trong mọi trường hợp và mong phụ huynh hợp tác chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm để giáo dục con em một cách tốt nhất.
Cũng chỉ bằng những lời nói chân thành như thế, chúng tôi luôn được phụ huynh hợp tác, đồng cảm và chia sẻ.
Thế là hàng ngày, hàng tháng, giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh luôn có sự kết nối, nên việc giáo dục học sinh cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Sau một học kì, trước khi họp phụ huynh sơ kết học kì 1 hoặc tổng kết năm, chúng tôi cho từng học sinh viết thư bày tỏ với cha mẹ.
Và khi cuộc họp diễn ra, cha mẹ đọc được rất nhiều tâm tình của con (mà không phải lúc nào con cũng có thể chia sẻ) để cùng nhau cảm thông, thấu hiểu.
Điều đáng mừng, sau cuộc họp, gần như phụ huynh không la rầy con cái chuyện thành tích vì các em cũng đã cố gắng rất nhiều.
Và chúng tôi cũng thừa nhận với phụ huynh, ngay cả giáo viên chủ nhiệm cũng chỉ giỏi một hai môn, vì mỗi người đều có giới hạn về sở thích, năng lực.
Điều đọng lại là, học sinh đã ra trường nhiều năm nhưng nhiều phụ huynh vẫn nhớ về chúng tôi, có lẽ cũng nhờ những buổi họp như thế.