Bệnh thành tích ăn sâu vào cả lễ sơ kết học kì

15/01/2020 06:46
Ánh Dương
(GDVN) - Lễ sơ kết học kì kéo dài lê thê chỉ vì nhà trường thích phô trương thành tích khiến thầy trò chán ngán.

Vào thời điểm này, trường học đã bắt đầu tổ chức lễ sơ kết học kì 1 của năm học. Chỉ là sơ kết học kì, nhưng nhiều trường tổ chức kéo dài lê thê khiến thầy trò đều mệt mỏi.

Chúng tôi vừa tham dự lễ sơ kết học kì 1 của một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh (xin không nêu tên) kéo dài hơn 2 tiếng dưới tiết trời oi ả dịp vào xuân.

Khách mời của buổi lễ hôm sơ kết thật đông đủ: đại diện Ủy ban nhân dân phường, hội cha mẹ học sinh và lãnh đạo một số trường đại học.

Mở đầu buổi lễ, để đón chào quan khách thật hoành tráng, học sinh trường biểu diễn 4 tiết mục văn nghệ đan xen các thể loại: hát, múa, nhảy khoảng 20 phút.

Tiếp đến là nghi thức lễ chào cờ, 5 phút.

Sau nghi thức lễ chào cờ, người dẫn chương trình giới thiệu từng quan khách tham dự từ họ tên, học vị/chức danh và nơi công tác.

Và tiếp theo là giới thiệu Hiệu trưởng, các Hiệu phó, Chủ tịch công đoàn, trợ lí thanh niên, giáo viên, học sinh.

Cứ sau mỗi lần giới thiệu, người dẫn chương trình cũng không quên xin thầy trò một tràng vỗ tay để đón chào sự hiện diện của người tham dự lễ. (Những tràng vỗ tay càng về sau càng lẹt đẹt như muốn tắt dần…)

Thậm chí có những vị khách mời đến trễ, người dẫn chương trình cũng không quên giới thiệu phần bổ sung (kẻo sợ họ phật lòng thì hỏng).

Chỉ riêng phần giới thiệu và vỗ tay, thời gian đã kéo dài gần 10 phút.

Bệnh thành tích ăn sâu vào lễ sơ kết học kì. (Ảnh minh họa: DAD/Vietnamnet.vn)
Bệnh thành tích ăn sâu vào lễ sơ kết học kì. (Ảnh minh họa: DAD/Vietnamnet.vn)

Đến phần trọng tâm của buổi lễ, Hiệu trưởng lên bục báo cáo thành tích của thầy và trò sau một học kì đạt được, từ học lực, hạnh kiểm cho đến các hoạt động phong trào, mất 30 phút.

Trường trung học phổ thông (như đã nói) chất lượng chỉ thường thường bậc trung trên địa bàn thành phố. Thế nhưng, chỉ sau một học kì, tỉ lệ học sinh đạt loại khá, giỏi lên đến gần 70%, còn hạnh kiểm thì đa phần các em được xếp loại tốt.

Cùng với đó, học sinh đạt giải các hoạt động phong trào cấp trường/quận/thành phố cả trăm em (vì có nhiều học sinh tham gia và đạt giải… cổ động)

Hiệu trưởng đọc đến đâu, mặt giãn nở ra đến đó vì những thành tích mà trường đạt được... vượt xa so với chỉ tiêu đề ra ở đầu năm. Nhiều quan khách tham dự cũng tỏ ra vui lây vì con em mình học tập, hoạt động phong trào rất tiến bộ, rất năng nổ.

Như để minh chứng cho thành tích kia là thật, Hiệu trưởng chốt: “Có được thành tích này là do thầy và trò trường chúng ta thực dạy, thực học, phấn đấu bền bỉ không ngừng nghỉ qua một học kì”.

Hiệu trưởng vừa dứt lời, quan khách, giáo viên và học sinh vỗ tay kêu vang như pháo nổ đón Tết (xưa).

Bệnh thành tích rất khó chữa!
Bệnh thành tích rất khó chữa!

Hết phần Hiệu trưởng báo cáo là đến phần tặng khen thưởng, tặng quà cho từng học sinh đạt thành tích, tầm 20 phút.

Giáo viên và học sinh ngán nhất là phần phát biểu của các vị khách mời, gần như không sót một ai.

Chủ tịch phường thì ca ngợi sự cần cù, hiếu học của con em địa phương. Đại diện cha mẹ học sinh cũng phấn khởi, luôn đặt nhiều kì vọng vào con cái ở… tương lai.

Và lãnh đạo các trường đại học cũng không quên tranh thủ quảng cáo về trường mình, nào là chất lượng tốt, đảm bảo công ăn việc làm sau khi ra trường… kể cả có những phần quà khuyến mãi hấp dẫn nếu học sinh trúng tuyển vào trường đó (nếu xét học bạ thì gần như 100% học sinh trúng tuyển, không đợt 1 thì cũng đợt 2, đợt 3).

Các vị phát biểu xong cũng ngốn mất thời gian của buổi lễ hơn 30 phút.

Dưới sân trường, thầy cô thi nhau bấm điện thoại để lướt Facebook, đọc báo… để giết thời gian. Học sinh thì đội nắng nên nhiều em mặt nhăn nhó, ngáp ngắn thở dài chỉ mong buổi lễ nhanh kết thúc.

Có học sinh sức khỏe yếu mồ hôi nhễ nhại, mặt mày bơ phờ nhưng vẫn phải ngồi tăm tắp, không dám rời… hàng ngũ (bởi lễ chứ đâu phải chuyện chơi).

Sau hơn 2 tiếng của buổi lễ sơ kết, học sinh dắt xe ra về với dáng liêu xiêu trong nắng…

Sau buổi lễ, chúng tôi hỏi Hiệu trưởng nửa đùa nửa thật đại ý, sao năm nay học sinh trường ta được khen nhiều thế, có phải chất lượng tốt hơn không?

Hiệu trưởng trả lời không giấu giếm, đầu năm mỗi phụ huynh đóng 200 ngàn tiền quỹ khen thưởng học sinh. Tiền này không được sử dụng vào mục đích khác, thì để làm gì?

Và chúng tôi cũng ngầm hiểu, nếu không khen học sinh nhiều như thế thì làm sao phụ huynh biết nhà trường đã ở đỉnh cao? Và dễ gì ai chịu đóng tiền tài trợ cho quỹ khen thưởng vào… năm tới?

Bệnh thành tích ăn sâu vào cả lễ sơ kết học kì như thế đó!

Ánh Dương