Giày cao gót và lịch sử từ một cuộc hôn nhân hoàng gia

30/10/2011 11:34
Theo phunutoday
 Giày cao gót luôn là niềm đam mê bất tận của chị em phụ nữ bởi nó tôn lên vóc dáng mê hoặc và vẻ đẹp nữ tính đầy quyến rũ của người con gái. Và nó có lịch sử.
 Mỗi bước đi của họ có thể phát ra những lực hút thần kỳ khiến cánh mày râu phải ngơ ngẩn. Cõ lẽ vì thế mà hầu như bất cứ một cô gái nào cũng sở hữu một đôi giày cao gót, thậm chí, có những người còn sở hữu cả một bộ sưu tập giày dép khổng lồ.

Song không phải ai cũng biết rằng lịch sử ra đời của nó lại bắt nguồn từ đám cưới của công tước Henry II, sau này là Vua Henry II và một tiểu thư người Italia là Catherine de Medici. Mặc cảm với chiều cao có phần khiêm tốn, Catherine đã đi một chiếc giày cao gần 4,5cm trong lễ cưới của mình. Chiếc giày của bà đã thu hút mọi ánh nhìn của những người tham gia buổi lễ.
 
Kể từ đó, giày cao gót đã được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi trong giới quý tộc. Ngày nay, những đôi giày cao gót đã trở nên rất phổ biến, nó không chỉ là người bạn đồng hành của các cô gái trong cuộc sống hiện đại, mà còn là mảnh đất thời trang màu mỡ để các nhà thiết kế thỏa sức sáng tạo. Nhiều người cho rằng, cuộc hôn nhân giữa Vua Henry II và bà Catherine là một câu chuyện buồn của lịch sử hoàng gia Pháp nhưng không thể phủ nhận rằng nó đã mở ra một trang mới cho lịch sử thời trang thế giới.
 
Catherine de Medici, người phụ nữ có công phát triển rộng rãi giày cao gót
Catherine de Medici, người phụ nữ có công phát triển rộng rãi giày cao gót
Tuổi thơ bất hạnh và cuộc hôn nhân cay đắng
 
Mặc dù được sinh ra trong một gia đình có dòng dõi quý tộc, cha là Công tước xứ Urbino, Italia và mẹ là nữ Công tước xứ Boulogne của Pháp, nhưng Catherine chưa bao giờ được sống một cuộc sống hoàng gia vương giả và trọn vẹn hạnh phúc. Thay vào đó, cả cuộc đời của Catherine là những chuỗi ngày đầy sóng gió và bất hạnh.
 
Thời thơ ấu là hàng tá những cô đơn, sợ hãi và đau khổ. Catherine mồ côi cả cha lẫn mẹ khi chưa tròn một tháng tuổi. Tám tuổi, Catherine bị bắt làm con tin, mười tuổi bị đòi đưa ra xử tử, bị dẫn độ trên lưng lừa khắp đường phố trước sự giận dữ, phẫn nộ của dân chúng. Mười bốn tuổi, Catherine được gả sang Pháp, kết hôn với Công tước Henry II trong một cuộc hôn nhân mang đầy màu sắc chính trị. Cuộc hôn nhân không tình yêu ấy đã gieo rắc biết bao đau khổ cho Catherine. Và rồi cứ thế, những biến cố và bão tố cuộc đời cứ liên tiếp ập tới, bám riết lấy cả quãng đời còn lại của Catherine .
 
Hôn lễ xa hoa của Catherine de Medici và Công tước Henry II được cử hành vào một ngày cuối tháng 10/1533 với những nghi thức hoàng gia trang trọng nhất. Công tước Henry II xuất hiện như một chàng hiệp sĩ tráng kiện với những màn trình diễn đấu thương cưỡi ngựa đầy ấn tượng. Trái với vẻ ngoài cao lớn và ưa nhìn của Henry II, Catherine lại khá thấp bé và có phần kém nhan sắc, nhưng bù lại, bà sở hữu một trí thông minh hơn người cùng với vẻ dịu dàng, dễ mến. Nhưng Catherine không ngờ rằng sau khoảnh khắc ngập tràn hạnh phúc ấy, chờ đợi bà trước mắt là những chuỗi ngày sóng gió và một cuộc hôn nhân vô cùng cay đắng.
Chân dung Vua Henry II thời trai trẻ
Chân dung Vua Henry II thời trai trẻ
Đêm tân hôn đầu tiên của Công nương Pháp hoa lệ, Catherine đã phải nếm trải nỗi đau đớn khôn cùng, khi cha chồng bà, vua Francis không chịu rời khỏi buồng ngủ của hai người. Tình trạng này còn kéo dài nhiều ngày sau đó, khiến Catherine vô cùng tủi hổ, bởi theo tục lệ khi ấy, đó là cả một sự sỉ nhục lớn với những người phụ nữ mới kết hôn.
 
Song vết thương lòng đeo đẳng Catherine suốt cuộc đời đó chính là trái tim của vua Henry II không hề có chỗ dành cho bà. Còn gì bất hạnh hơn khi một người phụ nữ có chồng phải sống đơn độc và lạc lõng? Mười năm đầu của cuộc hôn nhân, Catherine đã bị dày vò bởi sự thờ ơ của vua Henry II. Ngài hầu như không lui tới phòng của Catherine và vì thế, bà cũng không thể mang thai.
 
Trong khi Catherine nỗ lực để níu kéo tình yêu với vua Henry II thì ngài hầu như không bao giờ quan tâm tới bà. Ngài đã dành trọn tình yêu của mình cho Diane de Poitier, người phụ nữ hơn ngài gần 20 tuổi. Vua Henry II tuyệt đối tin tưởng và ưu ái ban cho Diane mọi đặc quyền, thậm chí, Diane còn đứng sau mọi quyết định của ngài trong suốt gần ba mươi năm trị vì. Điều đó khiến Catherine không khỏi ghen tuông, và bất cứ sự ghen tuông nào cũng đều khiến trái tim mỏng manh của người phụ nữ bị tổn thương. Catherine không thể chinh phục được trái tim của vua Henry II bởi đến cuối cuộc đời, người mà ngài trao trọn tình yêu vẫn là Diane.
 
Sự ra đời và phát triển của những chiếc giày cao gót
Vẻ đẹp mặn mà của Diane de Poitier
Vẻ đẹp mặn mà của Diane de Poitier
Có thể nói, giày cao gót có một lịch sử khá lâu đời với nhiều giai thoại xung quanh nguồn gốc ra đời của nó. Hình ảnh những chiếc giày gót cao đã xuất hiện trong các bức tranh ở Ai Cập từ những năm 3.500 trước công nguyên, khi tầng lớp quý tộc mang những chiếc giày cao trong các nghi lễ truyền thống của họ. Tuy nhiên, phải đến giữa thế kỷ XVI, giày cao gót mới chính thức được công nhận về sự ra đời và được  phổ biến rộng rãi, mặc dù ban đầu chỉ trong tầng lớp quý tộc. Người được coi là có công lao lớn nhất trong việc lăng xê những chiếc giày cao gót đó là công nương Catherine de Medici, sau này là hoàng hậu và hoàng thái hậu nước Pháp.
 
Năm 1533, Catherine và công tước Henry II kết hôn. Với vóc dáng nhỏ bé, chỉ cao khoảng 150cm, Catherine cảm thấy vô cùng tự ti khi phải đứng trước người chồng cao to và vạm vỡ của mình. Vì thế, bà quyết định mang một đôi giày với gót cao gần 5cm mà những người thợ đóng giày Italia đã thiết kế riêng cho bà trong ngày cưới. Đôi giày không những giúp Catherine tự tin với vẻ ngoài của mình mà còn khiến cho những bước đi của bà trở nên vô cùng uyển chuyển và đầy sức quyến rũ.
 
Những vị khách tham dự buổi tiệc đã không khỏi trầm trồ thán phục và mê mẩn trước vẻ đẹp của đôi giày mà Catherine mang theo. Kể từ đó, giày cao gót trở thành một trào lưu thịnh hành trong giới quý tộc. Cả phụ nữ và nam giới đều mong muốn sở hữu một đôi giày gót cao giống như của Catherine. Ngay lập tức, những thợ đóng giày châu Âu đã bắt tay ngay vào thiết kế và thỏa sức phóng tác lên những đôi giày.
 
Chúng được đóng gót cao hơn, thậm chí còn được trang trí thêm cả những họa tiết và hoa văn đầy màu sắc. Có thể nói, giày cao gót đã trở thành một cơn sốt trong giới quý tộc thời điểm đó. Tuy nhiên, chỉ những người có địa vị và những người giàu có mới được sử dụng giày cao gót, do đó, những chiếc giày gót cao trở thành một thứ hàng hóa xa xỉ và là một đặc quyền thời trang của riêng giới quý tộc.
 
Giày cao gót tiếp tục chỉ được sử dụng trong giới quý tộc nhiều năm sau đó, cho tới tận thế kỷ thứ XVIII, XIX. Thậm chí, ở một số nơi còn cấm phụ nữ không được đi giày cao gót. Phải đến những năm đầu thế kỷ XX, những đôi giày gót cao mới thực sự được phổ biến rộng rãi. Nó đã đánh dấu sự ra đời của ngành công nghiệp sản xuất giày dép và đóng góp đáng kể cho sự phát triển của lĩnh vực thiết kế thời trang.
 
Không chỉ các công nương, bá tước trong giới quý tộc hay những minh tinh màn bạc quyền lực của Hollywood mà cả những người dân bình thường cũng có thể mang giày cao gót. Người ta có thể bắt gặp giày cao gót ở khắp mọi nơi, ở mọi lứa tuổi, và không phân biệt giới tính. Từ công sở, trường học tới nhà hàng, sàn nhảy hay trên đường phố; từ những cô gái đôi mươi, phụ nữ trung niên cho tới trẻ em mới cắp sách tới trường; từ các chị, các cô tới các anh, các chú; đều có thể lựa chọn cho mình một đôi giày gót cao để có thể giúp mình đẹp hơn.
 
Sự lựa chọn thông minh của phái đẹp. ( Ảnh : Internet )
Sự lựa chọn thông minh của phái đẹp. ( Ảnh : Internet )
Giày cao gót đã trở thành một sản phẩm thời trang không thể thiếu. Các thiết kế giày dép vì thế cũng trở nên phong phú, đa dạng và đẹp mắt hơn rất nhiều. Không chỉ là những đôi giày cao 5 cm như trước, ngày nay, các nhà thiết kế đã tạo ra những mẫu giày cao tới 10, 20 thậm chí 30 cm để đáp ứng nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ. Những chiếc giày cũng được sáng tạo với nhiều mẫu mã, kiểu dáng sang trọng, độc đáo và lạ mắt khác nhau từ giày đế xuồng, đế kếp, tới những mẫu giày gót nhỏ, thanh mảnh, mang lại sự tự tin và vẻ đẹp dịu dàng cho nữ giới.
 
Không thể phủ nhận rằng, cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ và óc sáng tạo không ngừng của các nhà thiết kế mà những chiếc giày cao gót trở nên ngày một tinh xảo, quý phái và thời trang hơn. Bất chấp những cảnh báo của các nhà khoa học về tác hại tới sức khỏe, giày cao gót vẫn được sử dụng rộng rãi, đủ để thấy sức hấp dẫn của sản phẩm thời trang này mạnh mẽ thế nào. Có thể nói, giày cao gót xứng đáng là một trong những sáng tạo vĩ đại nhất của lịch sử thời trang thế giới.
 
Theo phunutoday