Kho học liệu số của Bộ, các sở, các trường rất sơ sài

10/09/2021 06:39
Nhã Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nguồn tài liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại địa chỉ https://igiaoduc.vn/ sắp xếp lộn xộn, không theo trình tự các tiết học, truy cập khó khăn và nội dung cũ.

Mấy ngày nay, lên mang là thấy các tin "Dạy học trực tuyến và nỗi lo rớt mạng, chập chờn" - Tuổi Trẻ Online; “Sau 2 ngày học online bị 'treo' liên tục, cô trò đều 'mệt lả' - Báo Tiền Phong điện tử; “Trường học xoay xở khi mạng rớt, phần mềm trục trặc" - VnExpress,; “Tiết đầu tiên năm học mới: 40 phút rớt mạng 5 lần, học sinh cười to hơn cô nói" - VTC News…; có rất nhiều tin, bài mà người viết không thể liệt kê hết. Tại sao lại có tình trạng trên xảy ra?

Có thể do yếu tố khách quan là:

1. Đường truyền internet: “ngày 6-9, thông tin từ một nhà mạng viễn thông cho biết tuyến cáp quang biển AAE-1 đã xảy ra sự cố, gây ảnh hưởng đến kết nối Internet các dịch vụ quốc tế tại Việt Nam.” nên ảnh hưởng tới đường truyền internet vì các phần mềm mà hầu như các trường học của Việt Nam đều áp dụng là Zoom, Google Meets và Microsoft Teams đều có máy chủ đặt ở nước ngoài.

2. Yếu tố khách quan khác là các hệ thống dạy học qua internet của Việt Nam như VnEdu của VNPT hay K12 Online của Viettel,… thì hệ thống máy chủ chưa nâng cấp, nên bị treo và không đủ khả năng cung cấp khi hàng nghìn, hàng triệu học sinh cùng truy cập vào.

3. Thiết bị đầu cuối của học sinh (điện thoại, máy tính bảng, máy tính để bàn, máy tính xách tay) đó là một vấn đề nan giải, vì không phải học sinh nào cũng có điều kiện để mua máy xon, điện thoại xịn.

Đặc biệt, theo suy nghĩ của người viết thì yếu tố chủ quan, quan trọng nhất là sự lúng túng và chưa có sự chuẩn bị cho việc học trực tuyến từ cơ quan cao nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo, dù năm trước đã có thời gian học qua mạng vì dịch Covid-19. Tại sao người viết lại nói thế?

Thứ nhất: Nguồn tài liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại địa chỉ https://igiaoduc.vn/ sắp xếp rất lộn xộn, không theo trình tự các tiết học, truy cập khó khăn và nội dung cũ, có những phần giảm tải vẫn còn trong bài giảng.

Ảnh chụp màn hình.

Ảnh chụp màn hình.

Thứ hai: Nguồn học liệu của các Sở Giáo dục và Đào tạo của 63 tỉnh thành hầu như không có, hoặc có rất ít, chỉ tập trung ở một số môn, ví dụ:

Hà Nội

Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp.
Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp.

Thành phố Hồ Chí Minh

Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp.
Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp.

Nam Định

Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp.
Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp.

Bắc Giang

Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp.
Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp.

Tuy nhiên, tỉnh Long An có nguồn học liệu tương đối tốt, học sinh có thể thao tác trực tiếp trên bài dạy của giáo viên.

Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp.
Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp.

Thứ ba: Khi hai nguồn học liệu chính ở Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và Đào tạo có hoặc hầu như không có thì hiển nhiên các trường cũng thế.

Thứ tư: Các trường, các sở và cả Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa linh hoạt trong việc quản lý lớp học, hầu như các trường, các sở đều có một kiểu là học theo thời khóa biểu bằng phần mềm X,Y,Z ,... nào đó để quản lý được giáo viên và học sinh trong cùng một thời điểm T -> nên dẫn đến đường truyền quá tải. Kiểu học này theo quan điểm người viết là “học trực tiếp qua mạng” chứ không phải là học trực tuyến.

Người viết chợt nghĩ, hàng năm các trường, các sở và cả Bộ Giáo dục và Đào tạo nữa rất nhiều cuộc thi liên quan đến giáo viên giỏi thế thì những nguồn học liệu đó đi đâu, các giáo viên đó đi đâu?

Tại sao, các hình thức tự học không được thừa nhận (ví dụ giáo viên về hưu có thể dạy cho nhóm A; ba, mẹ có thể dạy cho nhóm B; anh/ chị có thể dạy cho em,… rất nhiều kiểu tự học khác nữa) và các trường chỉ cần ra đề kiểm tra lại xác nhận em học sinh ở nhóm A, B,… đã đủ điều kiện học tiếp.

Tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc các Sở Giáo dục và Đào tạo không huy động các cán bộ cốt cán các bộ môn, các giáo viên giỏi của các năm chia ra mỗi người một bài, chỉ trong vòng 1 tuần là có cả kho học liệu cho cả Sở của mình?

Sẽ có ý kiến nói rằng, thế thì giáo viên không nâng cao được năng lực chuyên môn, không nâng cao được trình độ công nghệ thông tin, giáo viên “lười”,…; theo quan điểm người viết chúng ta đang cần nguồn học liệu chuẩn, chính xác thì phải tập trung.

Trên đây là góc nhìn của người viết về việc học qua mạng hiện nay. Người viết bị ám ảnh bởi lời nhắn của học sinh cho mình là “Bút em sắp hết mực trong nhà cũng hết bút. Em chỉ có duy nhất điện thoại thì làm sao vừa có thể học online, vừa có thể mở sách giáo khoa file pdf".

Chỉ mong các nhà trường, các sở và các cơ quan ban ngành hiểu cho đời sống của bộ phận nhân dân ở các tỉnh đã, đang thực hiện Chỉ thị 16.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt lại.

Nhã Trang