Giảm “rừng thủ tục” trong kiểm tra chuyên ngành, giảm rào cản liên quan đến thể chế, chính sách; thúc đẩy cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan Nhà nước... là một vài trong số những kết quả tích cực khẳng định sự hoạt động hiệu quả, sự nỗ lực, quyết liệt, quyết tâm, trách nhiệm của tổ công tác của Thủ tướng trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra hoạt động cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tại tỉnh Lâm Đồng tháng 11/2020. Ảnh: VGP |
Phát hiện nhiều bất cập, chồng chéo về cơ chế, chính sách
Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử ngày 10/3/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban nêu rõ với việc ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, lần đầu tiên chúng ta có kế hoạch tổng thể về triển khai Chính phủ điện tử ở Việt Nam.
Thủ tướng đánh giá cao lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ủy ban, các chuyên gia, doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực, tâm huyết trong xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số thời gian qua.
Nhắc lại Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử năm 2020 của Liên Hợp Quốc, xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đứng thứ 86/193 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2018, Thủ tướng nêu rõ: “Chúng ta đã có rất nhiều cố gắng trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử”.
-Xếp hạng “Môi trường kinh doanh toàn cầu” giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế và xếp thứ 5 trong ASEAN.
- Xếp hạng “Năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 4.0” của Diễn đàn Kinh tế thế giới giai đoạn 2018-2019, Việt Nam tăng 10 bậc, từ 77 lên 67/141 quốc gia và xếp thứ 7 trong ASEAN.
-Chỉ số “Đổi mới sáng tạo toàn cầu” năm 2020 của Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia, nền kinh tế và giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.
Có thể thấy rõ nhiều kết quả tích cực sau thời gian xây dựng Chính phủ điện tử vừa qua, trong đó nổi bật là nâng cao chất lượng phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; xây dựng các văn bản pháp lý nền tảng; đổi mới phương thức làm việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, hướng tới Chính phủ không giấy tờ...
Những kết quả đạt được này có sự đóng góp của hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ vì cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử là một trong các trọng tâm hoạt động của Tổ công tác.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác từng chia sẻ tại buổi kiểm tra các bộ, ngành do Tổ công tác tổ chức hồi cuối tháng 8/2017 về tình hình cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu: Để sản xuất mặt hàng chocolate cần 13 giấy phép, một mặt hàng nguyên liệu sản xuất bánh kẹo phải theo 4 văn bản của cùng một bộ, cơ quan…
“Rừng” thủ tục kiểm tra chuyên ngành như vậy đã khiến cộng đồng doanh nghiệp phải chi tới 14.300 tỷ đồng/năm.
Vào thời điểm đó, số mặt hàng phải chịu sự kiểm tra của 2 đến 3 bộ, cơ quan rất lớn, lên tới 58% tổng số mặt hàng, trong khi thủ tục kiểm tra lại quá phức tạp...
Theo Tổ trưởng Tổ công tác, các cuộc kiểm tra chuyên đề đã kịp thời phát hiện nhiều bất cập, chồng chéo về cơ chế, chính sách; những rào cản liên quan đến thể chế, chính sách, dễ tạo kẽ hở để cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu, tiêu cực; những khoảng trống pháp lý cần khẩn trương hoàn thiện và ban hành để đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước.
Các cuộc kiểm tra chuyên đề về cải cách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và việc rà soát, đơn giản, cắt giảm các điều kiện kinh doanh để tạo dư địa cho tăng trưởng đã tạo hiệu ứng tích cực, thúc đẩy các bộ, cơ quan nhận ra vấn đề để thay đổi, cải cách; tạo bước chuyển căn bản cả về chất và lượng trong cải cách, thực thi của các bộ, cơ quan, địa phương trong công tác cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh.
Tổ công tác đã kịp thời phát hiện nhiều quy định bất cập, chồng chéo về kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu các bộ, cơ quan rà soát lại và bãi bỏ.
Từ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến nay, có 87 luật, nghị định, thông tư về kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung và thay thế để cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; 1.501 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành chồng chéo đã được xử lý, giao cho một đầu mối chịu trách nhiệm kiểm tra chuyên ngành...
"Việc cắt giảm này đã giúp tiết kiệm cho xã hội, người dân, doanh nghiệp khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm", Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho biết.
Kết quả này đã khẳng định sự nỗ lực, quyết liệt, quyết tâm, trách nhiệm của Tổ công tác trong việc thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.
Tổ công tác kiểm tra về chính sách thu phí hạ tầng cảng biển của Hải Phòng tháng 9/2017. Ảnh: VGP |
Các hệ thống thông tin tiết kiệm trên 9.900 tỷ đồng/năm
Với các cuộc kiểm tra về xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính, Tổ công tác đã thúc đẩy mạnh mẽ các bộ, cơ quan, địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể về kiểm soát thủ tục hành chính, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và việc triển khai kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong các cuộc kiểm tra về xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, cơ quan, địa phương và kiểm tra thực tế việc giải quyết các thủ tục hành chính tại các Trung tâm hành chính công, Tổ công tác đã truyền đạt yêu cầu, tinh thần quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức, hành động của các bộ, cơ quan, địa phương trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử; đã thay đổi, cải tiến căn bản lề lối, phương thức làm việc thông qua ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hướng tới một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, phi giấy tờ.
Hoạt động của cơ chế một cửa, một cửa liên thông, của các Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh đã giúp hạn chế phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực; tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch với cơ quan hành chính Nhà nước; từng bước làm thay đổi mối quan hệ giữa cơ quan hành chính Nhà nước với người dân, doanh nghiệp.
Sau hơn 2 năm triển khai Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay, đã có 59/63 tỉnh, thành phố thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh; 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; chất lượng giải quyết hồ sơ đã được cải thiện rõ rệt khi tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt từ 97,37% trở lên.
Có địa phương đã thực hiện việc giải quyết thủ tục hành chính theo phương thức “5 tại chỗ” như Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh; nhiều địa phương đã gắn kết chặt chẽ giữa việc thiết lập một cửa “vật lý” và một cửa điện tử để tạo thuận lợi cho người thực hiện như: Hà Nội, Quảng Ninh, Đồng Nai, Cà Mau, Bình Dương…
Một số hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ chủ trì xây dựng và đưa vào vận hành đã giúp đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan Nhà nước cũng như cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
Các hệ thống thông tin: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm Thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Cổng Dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành giúp tiết kiệm chi phí xã hội ước tính trên 9.900 tỷ đồng/năm (theo cách tính của OECD) và nhận được phản hồi tích cực của xã hội.
Các hệ thống này cũng tạo sự thay đổi rõ rệt về phương thức làm việc giữa các cơ quan hành chính Nhà nước cũng như trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; vừa tạo lực kéo vừa tạo lực đẩy trong triển khai Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phát triển kinh tế vừa hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Trong các cuộc làm việc với các bộ, địa phương, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng luôn nhấn mạnh từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ.
Với quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”, việc cải cách thủ tục hành chính, xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử thời gian qua đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các bộ, ngành, địa phương.