Sau thông tin siêu thị Minh Hoa, siêu thị Le’s Mart thừa nhận việc mua rau bẩn, không rõ nguồn gốc từ các chợ đầu mối rồi nhập vào siêu thị dưới dạng rau an toàn để bán với giá cao, người tiêu dùng đã tỏ ra rất tức giận khi bị các siêu thị này lừa trong một thời gian dài.
Vấn đề đặt ra không còn là trách nhiệm của siêu thị này đối với việc lừa dối khách hàng mà là niềm tin của người tiêu dùng về rau an toàn, rau sạch bày bán trong tất cả hệ thống siêu thị hiện nay bị lung lay. Qua đó, không ít người khi nghe thông tin các siêu thị lập lờ "rau sạch, rau bẩn" đã phải thốt lên: Thế họ còn biết mua rau an toàn ở đâu? Hay lại thấp thỏm lo lắng trở lại mua rau chợ?
Đến các loại rau còn bị "đánh lận" như thế, các mặt hàng khác thì thế nào?
GS. TS. NGND Nguyễn Lân Dũng bên vườn "rau bảo đảm". |
GS.TS Nguyễn Lân Dũng cho biết hiện ông đang giúp Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng làm loại rau mà người tiêu dùng có thể an tâm được gọi là rau bảo đảm.
“Với rau bảo đảm thì bao bì rau ghi rõ: “Công ty chúng tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc không dùng thuốc trừ sâu hóa học và phân đạm”. Cả phân đạm cũng không được sử dụng vì tích lũy lipit gây ung thư”, GS.TS Nguyễn Lân Dũng cho biết.
Việc khác nhau giữa rau bảo đảm và rau khác đó chính là công nghệ trồng và chăm sóc. Trong khi rau trồng bình thường phổ biến dùng phân đạm, người lại rau bảo đảm cam kết doanh nghiệp không sử dụng phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với đầu tư đó giá thành của rau bảo đảm cũng sẽ cao hơn rau khác.
Từ thực tế trong quản lý hiện nay của các siêu thị, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Công ty Cổ phần Nông phẩm Công nghệ cao An Việt (Hà Nội), doanh nghiệp đầu tư hệ thống nhà lưới làm rau bảo đảm cho rằng: Các cơ quan quản lý có thể sử dụng những máy test nhỏ để kiểm tra ngay lập tức chất lượng rau tại các siêu thị, qua đó làm cán cân phân biệt chất lượng rau tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng lựa chọn.
Nhận định về thông tin các siêu thị thừa nhận bán rau chợ dưới mác rau an toàn, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng: Vấn đề rau an toàn phải kiểm soát ngay từ khâu trồng, thu hoạch đóng gói.
“Vấn đề then chốt là quản trị doanh nghiệp, nếu một doanh nghiệp sản xuất rau an toàn có đầy đủ giấy phép chứng nhận an toàn thì chất lượng sản phẩm ra sao doanh nghiệp đó phải chịu trách nhiệm 90%, siêu thị 10%”, ông Phú cho biết.
Ở các nước, để đảm bảo chất lượng rau ông Phú cho rằng phải kiểm soát bằng cách bao bì phải có niêm phong, có mã vạch. Những thông tin như đơn vị đóng gói, đơn vị sản xuất, đơn vị thu hoạch cũng như thời gian cụ thể. “Phải có quy trình, phải có kiểm soát, phải chỉ ra cá nhân đơn vị chịu trách nhiệm từng khâu từ khi rau được trồng ra cho đến khi sản phẩm rau đó đến tay người tiêu dùng”, ông Phú nhấn mạnh.
Theo ông Phú, siêu thị sẽ khó kiểm soát vấn đề nguồn gốc rau bởi lẽ theo hợp đồng ký kết giữa siêu thị và đơn vị cung ứng rau an toàn thì trách nhiệm về chất lượng rau là từ đơn vị sản xuất. “Siêu thị không thể có đủ máy móc con người kiểm tra vấn đề này. Tuy nhiên trách nhiệm siêu thị phải kiểm tra đột xuất để phát hiện sai phạm”, ông Phú nói.
“Khi xảy ra vấn đề chất lượng rau không đảm bảo, trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp sản xuất và đơn vị cấp phép đó là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Nếu phát hiện sai phạm, Sở phải xử lý”, ông Phú nêu quan điểm.
Trong khi đó, lên tiếng về việc siêu thị Le's Mart hay Citimart bán rau không an toàn, thối hỏng... TS Vương Ngọc Tuấn - Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng: “Trách nhiệm của siêu thị là phải loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng, kiểm soát quá trình hàng hóa, xây dựng hệ thống bảo quản giữ cho chất lượng hàng hóa được đảm bảo đến tay người tiêu dùng, đặc biệt với mặt hàng rau quả đòi hỏi phải tươi, ngon”.
“Chất lượng sản phẩm bày bán bị hư hỏng có thể do nhiều nguyên nhân từ phía cơ sở sản xuất hoặc do bảo quản tại siêu thị nhưng dù lý do gì thì mặt hàng đó cũng phải bị loại bỏ trên các sạp hàng”, ông Tuấn khẳng định.
Mặt khác theo ông Tuấn, ngay chính người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm với sự lựa chọn thực phẩm của mình.
“Ở đây là câu chuyện gồm 2 vấn đề: Thứ nhất doanh nghiệp, siêu thị phải có trách nhiệm cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng. Thứ hai người tiêu dùng được lựa chọn sản phẩm thì cần phải tìm hiểu thông tin sản phẩm trước khi mua và sử dụng”, ông Tuấn nói.
Trước đó, trong một cuộc giao lưu trực tuyến về Vệ sinh an toàn thực phẩm do báo điện tử Giáo Dục Việt Nam tổ chức, khi nhận được câu hỏi từ độc giả: Hiện nay có nhiều cửa hàng và siêu thị bày bán và treo biển là sản phẩm rau sạch, rau an toàn... theo GS thật sự các sản phẩm đó có thật sự sạch và an toàn không?, GS. TS. NGND Nguyễn Lân Dũng khẳng định: Tôi hoàn toàn không tin vì đã khảo sát ở nhiều nơi.
Có nơi người ta yêu cầu nông dân ký cam kết trước khi thu hoạch vài ngày không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học. Tuy nhiên, nếu có sâu phá hại thì chỉ cần một đêm là mất hết cả vườn rau. Người ta nói có sự kiểm tra chặt chẽ, tôi cũng không tin. Không ai chịu mất thu hoạch chỉ vì một lời cam kết. Nếu kiểm tra gay gắt vào ban ngày thì người ta phun thuốc sâu vào ban đêm. Hơn nữa, cánh đồng rau rộng như thế, khi thấy đoàn kiểm tra thì người ta cất ngay vòi phun, bình phun đi, có khó khăn gì đâu!
Tại một tỉnh cao nguyên, tôi được đưa tới thăm một cơ sở sản xuất rau an toàn. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy trên các thửa ruộng rau có rất nhiều sâu và bướm. Chủ cơ sở cho tôi biết: sau khi thu hoạch, rau đã được đưa vào bể để sục khí ôzôn và nghe nói ôzôn có thể rút được hết các thuốc trừ sâu có trong rau. Thật là một nhầm lẫn tai hại!
Ôzôn có tác dụng ôxy hóa chẳng khác gì tác dụng của thuốc tím, còn thuốc trừ sâu khi đã lọt vào lá rau sẽ chuyển hóa ngay thành các sản phẩm của tế bào, làm sao dễ dàng rút ra ngoài được?! Cơ sở này đóng bao bì Rau an toàn là thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng (NTD). Bản thân tôi không đồng ý với khái niệm Rau sạch hoặc Rau an toàn, bởi vì, không thể chấp nhận rau bẩn hoặc rau thiếu an toàn.