Chia sẻ với độc giả Báo Giáo dục Việt Nam, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định, nếu đã coi tham nhũng là "giặc nội xâm" thì phải tìm mọi cách loại bỏ, vì vậy không thể bỏ tội tử hình với tội tham nhũng.
- Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đặt ra vấn đề rất mới, đó là đối tượng tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất là 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì sẽ không bị tử hình. Thế nhưng dư luận và đa số Đại biểu Quốc hội phát biểu tại nghị trường lại không đồng ý với đề nghị này. Vậy quan điểm của Giáo sư thế nào?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Đề nghị mới này đã gây ra nhiều sóng gió trong dư luận xã hội. Người dân và nhiều Đại biểu Quốc hội không đồng tình, vì cho đây là một dấu hiệu thỏa thiệp với tham nhũng, thậm chí là bật đèn xanh cho tham nhũng. Bởi vì theo quy định này thì khi bị phát hiện, kẻ tham nhũng chỉ cần nộp lại một nửa số tiền tham nhũng cho Nhà nước là thoát án tử hình.
Người dân cũng có thể liên hệ với các vụ trọng án mà tội phạm đang bị nhốt trong tù chờ ngày ra pháp trường. Không phải không có người đặt câu hỏi: Phải chăng đây là những động tác nhằm gỡ án tử hình cho những trường hợp này? Tôi phải nói thật điều đó để các Đại biểu của dân cân nhắc kĩ, nhất là về cái mức để gỡ án tử hình: chỉ cần nộp lại một nửa số tiền tham nhũng. Nói vô phép, như thế có khác gì “cưa đôi” với Nhà nước? Kẻ tham nhũng vẫn có thể ung dung đút túi một nửa số tiền.
Theo quan điểm của tôi thì không thể bỏ án tử hình với tội tham nhũng được, trừ khi nước ta bỏ toàn bộ án tử hình. Nếu chỉ bỏ tử hình với tội tham nhũng thì vô hình trung sẽ gây ra sự bất công bằng ngay chính trong bộ luật, mà đấy là điều cấm kỵ.
Nhưng với những trường hợp phạm tội tham nhũng, biết hối lỗi, khai báo thành khẩn để Cơ quan điều tra phá án nhanh, đồng thời khắc phục được toàn bộ những thiệt hại về kinh tế đã gây ra thì có thể xem xét để giảm từ tử hình xuống chung thân. Và với những trường hợp như vậy, Quốc hội cũng nên tính tới việc áp dụng án chung thân suốt đời, không giảm án. Như vậy có thể vừa đảm bảo tính nghiêm khắc của pháp luật, góp phần thúc đẩy công tác chống tham nhũng, đồng thời cũng giúp thu hồi tài sản lại cho Nhà nước.
GS. Nguyễn Minh Thuyết đặt vấn đề: Với đồng lương hiện nay thì lấy đâu ra mấy nhà lầu, trang trại, hết con này tới con khác đi du học? ảnh: Ngọc Quang. |
- Tham nhũng không đơn giản chỉ là lấy cắp của nhà nước một khoản tiền mà nguy hiểm hơn là những hành vi tham nhũng còn có thể làm suy kiệt một tổng công ty, một tập đoàn kinh tế, rộng hơn là gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới một ngành đó và có thể kéo theo hệ lụy xấu cho một số ngân hàng. Vậy theo Giáo sư, nội dung này có nên đưa ra hỏi ý kiến nhân dân?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Đúng là một số hành vi tham nhũng có thể làm sụp luôn cả một doanh nghiệp, có thể ném thêm một quả cân vào gánh nợ công, khiến chúng ta không ngóc cổ dậy được.
Vì vậy, tôi cho rằng không chỉ nộp lại khoản tiền tham nhũng là xong, mà điều quan trọng hơn là sự đền bù của người phạm tội phải góp phần khắc phục được những hậu quả khác, và như vậy, cơ quan tư pháp phải tùy từng trường hợp để xem xét cho phù hợp.
Về vấn đề này, tôi thấy hiện nay dư luận xã hội có nhiều quan điểm trái chiều và ngay trong Quốc hội, nhiều Đại biểu cũng không tán thành. Vì vậy, theo tôi tới đây khi thông qua Luật Trưng cầu ý dân thì nên đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Và để kết quả trưng cầu ý dân được chính xác thì trước tiên phải giải thích rõ lợi hại của từng phương án cho người dân hiểu, nếu không thì người dân dễ bỏ phiếu theo cảm tính.
Hứa hẹn mãi thì làm sao chống tham nhũng được
Có nhiều trường hợp cán bộ là người tốt, nhưng đến khi nhận chức vụ rồi thì họ lại trở thành con người xấu. Theo Giáo sư vì sao những con người ấy đã tốt rồi mà vẫn có thể sa ngã?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Trừ những trường hợp giả vờ làm người tốt ra thì tôi nghĩ những trường hợp còn lại hư hỏng là do cơ chế của mình lỏng lẻo, dễ dãi với người có chức quyền quá.
Với cơ chế như thế thì khi được đặt vào một vị trí thuận lợi có thể lợi dụng để vun vén cho cá nhân, đại đa số sẽ hư hỏng. Tôi nhấn mạnh là đại đa số hư hỏng, bởi vì vẫn có thể còn một số ít cán bộ có bản lĩnh giữ được sự liêm chính.
Tôi nói cơ chế của mình lỏng lẻo, dễ dãi với người có chức quyền trước hết là vì việc kiểm soát thu nhập, tài sản của quan chức nói rất nghiêm nhưng làm rất hình thức, kê khai đấy mà không công khai, không xác minh được thì kê khai có tác dụng gì?
Nếu dân chưa đồng tình mà lên tiếng, có bị "quy chụp" là xuyên tạc? |
Ngay cả chuyện kiểm soát hành vi của người có chức có quyền cũng là chuyện bất khả thi, bởi vì khi một người nắm chức vụ lớn nhất, rồi lại giữ vị trí quan trọng nhất hoặc quan trọng vào loại nhất trong tổ chức Đảng thì ai dám sờ vào họ?
Thậm chí có những loại cán bộ khôn khéo đặt quan hệ vòng vèo với cả cấp lãnh đạo trên mình thì nhiều người biết họ sai lè lè ra cũng chẳng dám ho he. “Đấu tranh thì tránh đâu?”, ai sẽ nghe và bảo vệ người tố cáo?
Có rất nhiều trường hợp nhìn thấy ngay, với đồng lương như hiện nay thì ngay cả những người hưởng lương cao nhất cũng không thể nào có được đến mấy nhà lầu, trang trại, xe hơi, cho hết con này đến con khác đi du học… Vậy tiền ấy ở đâu ra? Không tham nhũng thì còn từ đâu ra nữa?
Có người giải thích như đùa rằng bản thân chẳng có tài sản gì mà toàn là của vợ con. Nói vậy là nói kiểu “đánh trâu qua rào”, nói cho những người đồng cảnh hoặc những người chẳng dại gì phản bác nghe, chứ nếu điều tra cho nghiêm túc thì kiểu gì cũng lòi ra hết. Lãnh đạo một lĩnh vực mà vợ con lại kinh doanh trong lĩnh vực ấy thì tham nhũng ở đó ra chứ ở đâu?
Xã hội chằng chịt các mối quan hệ đan xen, động vào chỗ nào cũng thấy con ông nọ, cháu bà kia, rồi thì cũng hòa cả làng. Thế nên nhiều người dân bức xúc, nhiều Đại biểu Quốc hội cũng bức xúc mà tham nhũng vẫn cứ hoành hành. Có Đại biểu còn nói là tham nhũng đã len lỏi vào khắp các ngõ ngách, từ tham nhũng vặt đến tham nhũng khủng, khiến cho người dân mất niềm tin vào Đảng, vào chế độ, nhưng chưa biết đến khi nào mới dẹp được.
Để tài sản đứng tên người thân còn mình thì chẳng có gì là một chiêu trò phổ biến của kẻ tham nhũng. minh họa: Ngọc Diệp. |
-Thưa Giáo sư, Đảng ta đánh giá tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp. Báo cáo của Chính phủ trước nhân dân, trước Quốc hội cũng đưa ra nhận định tương tự. Tuy nhiên, có Đại biểu Quốc hội đã chỉ ra rằng, dù đánh giá là tham nhũng diễn biến phức tạp, nhưng số vụ điều tra khởi tố tội tham nhũng thì lại giảm đi. Giáo sư có thấy điều này đáng lo không?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Nếu các vụ điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử tham nhũng giảm mà phù hợp với tình hình thực tế thì đó là dấu hiệu đáng mừng, chứng tỏ cuộc đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả. Nhưng nhìn vào tình hình thực tế và vào cả những đánh giá của các cơ quan Đảng và Nhà nước thì thấy không phải như vậy.
Cũng có người cho rằng, tội phạm bây giờ quỷ quyệt hơn nên ngay cả cơ quan điều tra cũng chưa thể tìm ra được. Nhưng tôi phải nói là nếu quyết tâm điều tra thì vẫn sẽ tìm ra được, mà đơn giản nhất là nhìn ngay vào lối sống của cán bộ sẽ thấy anh là người thế nào.
Điều mà tôi thấy lo lắng hơn là như vậy thì xem chừng cuộc đấu tranh chống tham nhũng có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân ở đâu? Tôi nghĩ nguyên nhân chính vẫn là ở lãnh đạo thôi.
Nếu xác định đây đúng là “giặc nội xâm”, là kẻ thù của nhân dân, của Nhà nước và của Đảng thì phải kiên quyết loại bỏ. Nhưng nếu còn có tâm lý e ngại đấu tranh chống tham nhũng mạnh sẽ gây mất niềm tin, mất đoàn kết thì rất khó chống tham nhũng thành công.
Trước đây, khi tham gia sinh hoạt tại Quốc hội khóa XI và khóa XII, tôi đã từng phát biểu là dù chúng ta coi tham nhũng là giặc nội xâm và phòng chống tham nhũng là mục tiêu quan trọng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân, nhưng báo cáo thì thường rất sơ sài. Chỉ có vài dòng nêu nhận định chung chung, đại để: “Cuộc đấu tranh đã đạt kết quả bước đầu nhưng tham nhũng chưa bị ngăn chặn, đẩy lùi”, rồi hứa hẹn “sẽ thế này, sẽ thế khác”, thế thì làm sao mà chống tham nhũng được?
Nếu coi phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng thì phải có báo cáo tỉ mỉ trước Quốc hội và phải có kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, như thế mới mong thu được kết quả đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!