Tại Việt Nam, Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 được coi là ngày lễ vô cùng cao quý để toàn xã hội thể hiện sự kính trọng và biết ơn đến đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế và những người công tác trong ngành y đã cống hiến cho sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy Thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025), phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trò chuyện với Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc nhân dân Bùi Vũ Huy - Phó Chủ tịch Hội HIV/AIDS Việt Nam, Giảng viên cao cấp Bộ môn Truyền nhiễm- Trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để tìm hiểu và ghi nhận những cống hiến của thầy.
Cứu người là vinh dự của người thầy thuốc
Tham gia vào chuyên ngành Truyền nhiễm từ đầu những năm thập kỷ 80, Bác sĩ Bùi Vũ Huy là một trong số những bác sĩ đã gắn bó và đồng hành cùng ngành Y tế Việt Nam chống chọi với nhiều dịch bệnh như dịch viêm não, sốt xuất huyết Dengue, đặc biệt là những căn bệnh lạ và bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Theo chia sẻ của Thầy thuốc nhân dân Bùi Vũ Huy, khi điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, việc tìm kiếm tài liệu chuyên môn, các thông tin cần thiết về bệnh truyền nhiễm quả thật không hề dễ dàng.
“Chưa có máy tính và internet, thậm chí sách chuyên ngành Truyền nhiễm cũng là khái niệm quá “xa xỉ”. Hàng ngày, đội ngũ y, bác sĩ phải đối mặt với hàng chục, hàng trăm trường hợp bệnh nặng như viêm não, sốt xuất huyết Dengue nặng, bạch hầu ác tính…. Bên cạnh việc chăm sóc, điều trị để đảm bảo tính mạng người bệnh, chúng tôi còn tranh thủ dành thời gian để nghiên cứu để tìm các giải pháp điều trị mới”, Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Vũ Huy cho hay.
Trước đây khi chưa có vaccine phòng bệnh do virus viêm não Nhật Bản gây ra, số lượng người bệnh nhập viện mỗi ngày rất lớn, với tỷ lệ tử vong có thể lên đến 20-25%. Trước tình hình đó, đội ngũ bác sĩ đã nỗ lực để tìm ra phương pháp điều trị, giảm tỷ lệ tử vọng xuống còn 10%. Dẫu vậy trong quá trình điều trị, các trường hợp viêm não dù được cứu sống vẫn sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề, đeo bám suốt cả cuộc đời người bệnh.
Đau đáu với nỗi đau mà bệnh nhân phải chịu đựng, Bác sĩ Bùi Vũ Huy đã nuôi quyết tâm nghiên cứu biện pháp phục hồi di chứng cho người bệnh. Năm 1994, ông đã công bố công trình khoa học về kết quả điều trị sớm các di chứng tâm thần và thần kinh sau viêm não Nhật Bản B trên tạp chí Southeast Asian J Trop Med public Health. Cho đến nay, công trình này vẫn là nguồn tài liệu tham khảo giá trị cho nhiều nghiên cứu trong nước và trên thế giới.
Với lòng say mê nghiên cứu khoa học và tình yêu, trách nhiệm với ngành Y tế, ông còn dành thời gian triển khai các nghiên cứu về các bệnh mới nổi, tái nổi và sức khỏe cộng động để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam.
Nhờ khối lượng kiến thức chuyên sâu và nhiều bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, tính đến nay, Bác sĩ Bùi Vũ Huy đã chủ trì vô số đề tài về bệnh sốt xuất huyết cấp Bộ, cấp Nhà nước và đều được nghiệm thu xuất sắc. Đặc biệt, ông đã tham gia vào các dự án phòng chống bệnh sốt xuất huyết, phòng chống HIV/AIDS của Bộ Y tế, hợp tác với các mạng lưới nghiên cứu quốc tế như HIV/AIDS Châu Á – Thái Bình Dương, South East Asia Infectious Disease Clinical Research Network...
Bên cạnh đó, ông còn cùng các đồng nghiệp, cộng sự công bố hơn 100 công trình nghiên cứu trên các tạp chí trong nước và quốc tế, đóng góp nhiều giá trị tri thức quý giá cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe con người.
Hơn 40 năm gắn bó với nghề Y, Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Vũ Huy đã điều trị, cứu sống rất nhiều bệnh nhân trên khắp mọi miền đất nước. Ông tâm niệm rằng: “Cứu người là một vinh dự lớn lao của thầy thuốc. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, bác sĩ cũng phải giữ vững đạo đức nghề nghiệp của mình, làm việc với chữ tâm và hết lòng với người bệnh”.
![Blue Modern Healthcare Presentation.png](https://img.giaoduc.net.vn/w2000/Uploaded/2025/olzstpy2399/2025_02_14/blue-modern-healthcare-presentation-9362-8214.png)
Bén duyên với nghề giáo để “truyền lửa” cho thế hệ sau
Đam mê nghiên cứu và mong muốn được truyền đạt, dẫn dắt nhiều thế hệ sinh viên ngành Y cùng phát triển chuyên ngành truyền nhiễm tại Việt Nam chính là một trong những yếu tố để Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Vũ Huy bén duyên với nghề giáo.
“Khi chứng kiến các lớp học viện thực tập ở bệnh viện, đặc biệt là khi tham gia chỉ đạo chuyên môn cho các tuyến điều trị và thực hiện các dự án của Bộ Y tế, tôi nhận thấy nhiều bác sỹ Việt Nam “còn đói kiến thức” dù rất ham học hỏi. Điều này đã thôi thúc và giúp tôi nhận ra ý nghĩa từ việc bản thân có thể truyền đạt lại toàn bộ kiến thức mình có cho thế hệ bác sĩ trẻ sau này để nhân rộng số lượng bác sĩ có chuyên môn giỏi, cứu chữa được nhiều bệnh nhân hơn nữa”, thầy Huy chia sẻ.
Năm 2011, Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Vũ Huy được bổ nhiệm chức vụ Phó trưởng bộ môn Truyền nhiễm tại Trường Đại học Y Hà Nội.
Chia sẻ về nghề giáo, thầy Huy cho biết bản thân luôn dành một niềm đam mê, tâm huyết cực lớn đối với ngành giáo dục, đặc biệt công tác đào tạo khối ngành sức khỏe. Xuất phát là một bác sĩ, thầy hiểu được những khó khăn, vất vả của sinh viên ngành Y trong hành trình hoàn thiện những tố chất cần có để trở thành một người bác sĩ giỏi của nhân dân.
Do đó, ngay khi có cơ hội được gắn bó với công tác đào tạo, thầy Huy luôn tích cực truyền đạt, dẫn dắt nhiều thế hệ sinh viên tìm hiểu, gắn bó với chuyên ngành Truyền nhiễm với mong muốn có thể đào tạo ra nhiều thế hệ bác sĩ giỏi cho xã hội.
Trong quá trình giảng dạy và hướng dẫn sinh viên, học viên, Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Vũ Huy nhận thấy sinh viên ngành y và bác sĩ trẻ Việt Nam đâu đó vẫn còn mang tính thụ động trong cả công việc và hoạt động nghiên cứu khoa học. Do đó, thầy không ngừng động viên, khích lệ sinh viên cần chủ động cập nhật kiến mới để hội nhập với sự phát triển của nền khoa học tiên tiến trên thế giới. Qua đó không chỉ góp phần nâng cao trình độ bản thân mà còn đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Trên thực tế, hành trình để trở thành một bác sĩ giỏi và có ích cho ngành Y tế rất gian nan, nhiều vất vả, đặc biệt đòi hỏi đạo đức của người thầy thuốc. Vậy nên, trong các bài giảng của mình, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức chuyên môn cùng những tâm huyết gắn bó, cống hiến với nghề để tiếp thêm động lực cho các thế hệ trẻ, thầy Huy còn luôn nhắc nhở học viên về tình nhân văn và đạo đức của nghề Y.
![Blue and White Modern Medical Center Presentation (1).png](https://img.giaoduc.net.vn/w2000/Uploaded/2025/olzstpy2399/2025_02_14/blue-and-white-modern-medical-center-presentation-1-1827-5772.png)
Chia sẻ với phóng viên, thầy Huy cho biết bản thân đến với nghề giáo bằng tất cả tâm huyết, cũng như mong muốn đóng góp những kiến thức cho lĩnh vực truyền nhiễm của ngành y tế Việt Nam. Trải qua quá trình say mê học hỏi và nghiên cứu, với những kiến thức tích lũy qua năm tháng, Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Vũ Huy đã tham gia biên soạn và chủ biên hơn 40 cuốn sách phục vụ công tác đào tạo, bao gồm các giáo trình dành cho bậc đại học và sau đại học, nhiều sách chuyên khảo, sách hướng dẫn cho Bộ Y tế, đặc biệt là sách chuyên khảo trình bày lại các kiến thức và các nghiên cứu của bản thân.
Đánh giá cao sứ mệnh của nhà giáo khi là lực lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội, trong quá trình làm nghề, Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Vũ Huy luôn nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên, học viên sau đại học tham gia các nghiên cứu để nâng cao trình độ. Thầy cũng không ngừng truyền lửa cho các thế hệ bác sĩ trẻ: “Hãy phấn đấu trở thành bác sĩ vì cái tâm, vì mong muốn được chăm sóc, giúp đỡ con người thay vì hư danh trong áo choàng trắng. Cuộc sống đôi lúc sẽ khó khăn, nhưng hết lòng với người bệnh sẽ giúp lương tâm của chúng ta thanh thản”.
Năm 2022, Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Vũ Huy đã vinh dự được nhận Huân chương lao động hạng Ba. Đây là minh chứng ghi nhận những đóng góp giá trị, cùng lý tưởng cao cả của thầy dành cho ngành y tế, giáo dục nước nhà.
Thời đại nào cũng cần đến thầy thuốc giỏi
Có thời gian hơn nửa đời người để đối mặt, nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm, Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Vũ Huy cho hay các mầm mống dịch bệnh còn luôn tồn tại song song với sự phát triển của xã hội loài người.
Trong mỗi một giai đoạn, mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh có thể trở nên phức tạp, đa dạng hơn. Nếu như trước đây, khi điều kiện chăm sóc, cứu chữa người bệnh còn hạn chế thì ngành Y tế chỉ phải đối mặt với các loại bệnh dịch lưu hành tại Việt Nam. Còn hiện nay, khi điều kiện chăm sóc, phục vụ nhân dân ngày một nâng cao thì cũng đi kèm với sự xuất hiện của các mầm bệnh truyền nhiễm mới.
Thầy Bùi Vũ Huy cho hay, mặc dù ngành Y tế đã có vaccine để phòng chống một số bệnh dịch, sản xuất được nhiều kháng sinh sử dụng trong điều trị, nhưng cũng chỉ là công cụ hỗ trợ. Vai trò của con người, đặc biệt là các thầy thuốc vẫn là yếu tố quyết định trong sứ mạng bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Trong bối cảnh hiện nay, thầy Huy cho rằng chuyên ngành Truyền nhiễm còn có khó khăn trong việc thu hút người học vì tính nguy hại của chuyên ngành. Do đó, cần phải có chiến lược phù hợp đối với chuyên ngành để thu hút đủ nguồn lực phục vụ trong lĩnh vực truyền nhiễm. Đối với ngành Y tế Việt Nam, cũng cần phải có thêm nhiều chuyên gia giỏi trong lĩnh vực phòng và điều trị các bệnh truyền nhiễm, để đủ sức đối mặt với các mầm bệnh mới và ứng biến, giải quyết được những tình huống nan giải.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Y tế đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của xã hội, Thầy thuốc nhân dân Bùi Vũ Huy cho hay công tác tuyển sinh đầu vào đối với khối ngành sức khỏe cần được chú trọng và sát sao hơn. Theo đó, cần những đòi hỏi cao hơn khi tuyển chọn sinh viên, học viên cho khối ngành sức khỏe để có đủ khả năng gánh vác các nhiệm vụ chuyên môn. Có thể kết hợp giữa điểm số thi tuyển (mang tính sàng lọc cao) và xét quá trình học tập ít nhất từ trung học phổ thông để lựa chọn được nguồn tuyển chất lượng ngay từ ban đầu.
Trong quá trình đào tạo cần nâng cao tính chủ động trong nghề nghiệp, năng cao nhận thức về y đức, niềm vinh dự của ngành Y tế. Điều này sẽ giúp các thầy thuốc vững vàng hơn trước mọi thử thách khi ra trường và hành nghề.
Ngoài ra, để hội nhập quốc tế và nâng cao chất lượng chuyên môn của bác sĩ, thầy Huy cho rằng cần đổi mới hơn nữa công tác đào tạo. Ngoài hệ đào tạo 6 năm cần triển khai hệ đào tạo 9 năm tại các trường đại học có đủ năng lực. Đồng thời, cần có thêm phân cấp thu nhập giữa hệ đào tạo 6 năm và hệ 9 năm, cũng như xét thêm thu nhập cho các thầy thuốc, bác sĩ tình nguyện đến vùng sâu, vùng xa để giải quyết được vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực y tế tại vùng khó khăn. Qua đó tiến tới đạt mục tiêu cân đối phù hợp nguồn nhân lực y tế trên cả nước, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của quốc gia.