Cần khoảng 145 tỷ để nâng chuẩn giáo viên cao đẳng sau khi thí điểm tuyển dụng

15/02/2025 06:24
Anh Tú
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-7.200 giáo viên có trình độ cao đẳng sau khi được tuyển dụng sẽ tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn với tổng kinh phí dự tính khoảng 145 tỷ đồng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang lấy ý kiến cho dự thảo về việc thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dự thảo lấy ý kiến đến hết ngày 11/4/2025. Việc tuyển dụng đối với người có trình độ cao đẳng quy định tại nghị quyết này được thực hiện đến hết ngày 30/12/2028.

Giải pháp này được kỳ vọng sẽ góp phần nhanh chóng bổ sung nguồn nhân lực giảng dạy, giải quyết “nút thắt” nhân sự trong hệ thống giáo dục, từ đó, tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận một nền giáo dục chất lượng, hiện đại và toàn diện.

Khó tuyển dụng giáo viên trình độ đại học đối với các môn học đặc thù

Theo tờ trình dự thảo, đến cuối năm học 2022-2023, cả nước có tổng số 862.108 giáo viên phổ thông (tăng 10.314 so với giai đoạn 2018-2019). Cụ thể, cấp tiểu học có 403.570 giáo viên, trong đó công lập có 391.570 giáo viên (373.447 biên chế, 18.123 hợp đồng), ngoài công lập có 12.000 giáo viên; có 29.682 cán bộ quản lý (công lập 29.256 người, ngoài công lập 426 người).

Cấp trung học cơ sở có 301.621 giáo viên, trong đó công lập có 295.173 giáo viên (282.728 biên chế, 12.445 hợp đồng), ngoài công lập có 6.448 giáo viên; có 22.252 cán bộ quản lý (công lập 22.054 người, ngoài công lập 198 người).

Cấp trung học phổ thông có 156.917 giáo viên, trong đó công lập có 136.248 giáo viên (131.418 biên chế, 4.830 hợp đồng), ngoài công lập có 20.669 giáo viên; có 8.194 cán bộ quản lý (công lập 7,176 người, ngoài công lập 1.018 người).

Tuy nhiên, số lượng giáo viên chưa đáp ứng được định mức theo quy định. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, đặc biệt là giáo viên dạy các môn tích hợp (Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên), môn học mang tính đặc thù (Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật), nhưng chậm được khắc phục do nhiều nguyên nhân.

Theo số liệu cập nhật tính tới tháng 01/2024, cấp tiểu học và trung học cơ sở thiếu 6.334 giáo viên môn Tin học, 8.567 giáo viên môn Tiếng Anh, 2.985 giáo viên môn Mỹ thuật, 2.814 giáo viên môn Âm nhạc.

Your paragraph text.png

Đáng nói, số học sinh ngày càng tăng do phát triển quy mô dân số, thực hiện phổ cập giáo dục ở một số cấp học; so với 10 năm trước, bình quân cấp tiểu học tăng 3,7 học sinh/lớp; bình quân cấp trung học cơ sở tăng 4,0 học sinh/lớp.

Ngay từ khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên và chuẩn bị đội ngũ giáo viên bảo đảm thực hiện chương trình. Đồng thời, phối hợp Bộ Nội vụ đề xuất giao bổ sung biên chế giáo viên.

Trên cơ sở đề xuất, năm 2020, Bộ Chính trị đã đồng ý bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non và năm 2022 đã bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026; riêng năm học 2022-2023, giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Sau khi được giao bổ sung biên chế, các địa phương đã tiến hành triển khai tổ chức tuyển dụng. Tuy nhiên, các địa phương chưa tuyển dụng hết số biên chế được giao. Một trong những nguyên nhân mà các địa phương chưa tuyển dụng hết số biên chế được giao bổ sung là thiếu nguồn tuyển dụng, đặc biệt là các môn học có tính đặc thù như Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật). Điều này ảnh hưởng đến cơ hội học tập, giáo dục toàn diện của học sinh.

Nguyên nhân được lý giải như sau:

Đối với môn Tin học, Ngoại ngữ, những sinh viên có trình độ đại học các môn này có nhiều lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp, thường có xu hướng làm các công việc khác có thu nhập cao hơn. Do đó, mặc dù số lượng sinh viên có trình độ đại học tương đối lớn nhưng các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng những sinh viên có trình độ đại học.

Đối với môn Nghệ thuật, việc đào tạo sinh viên có trình độ đại học ở các môn Âm nhạc, Mỹ thuật có khó khăn do đây là môn học đòi hỏi người học phải có năng khiếu nhất định, số lượng các khoa đào tạo các môn nghệ thuật ở các trường đại học không nhiều nên số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm không đủ đáp ứng nhu cầu giáo viên triển khai các môn học này (có khoảng 6.000 sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành Nghệ thuật trong giai đoạn 2021-2025).

Trước thực trạng đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho phép thí điểm tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư 4 phạm để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học và trung học cơ sở (Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật). Các giáo viên này sau khi được tuyển dụng sẽ tham gia lộ trình nâng chuẩn trình độ theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ để đến năm 2030 bảo đảm trình độ chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019.

Việc tuyển dụng giáo viên có trình độ đào tạo cao đẳng để bảo đảm số lượng giáo viên triển khai thực hiện một số môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 là cần thiết.

Nếu không kịp thời tuyển dụng số giáo viên này, sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên phổ thông ở một số môn học, gây nhiều khó khăn cho các cơ sở trong triển khai các nhiệm vụ giáo dục, ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận bình đẳng giáo dục của một bộ phận trẻ em, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giáo dục và gây ra sự quá tải đối với giáo viên khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Giáo viên trình độ cao đẳng hưởng chính sách khác so với giáo viên theo quy định hiện hành

Theo tờ trình dự thảo, chế độ, chính sách đối với đối tượng này sau khi tuyển dụng được áp dụng các quy định hiện hành của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cụ thể: Việc tổ chức tuyển dụng đối với giáo viên quy định tại nghị quyết này được thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ, trong đó phần thi môn nghiệp vụ chuyên ngành thực hiện theo hình thức thực hành.

Các giáo viên có trình độ cao đẳng sau khi tuyển dụng phải thực hiện chế độ tập sự với thời gian tập sự áp dụng như trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học theo quy định của Chính phủ. Sau khi hoàn thành chế độ tập sự theo quy định, nhóm đối tượng này sẽ được giữ mã số, xếp lương như trường hợp giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với từng cấp học.

Các giáo viên có trình độ cao đẳng sau khi tuyển dụng phải tham gia lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ và hoàn thành việc nâng chuẩn trình độ đào tạo trước ngày 31/12/2030.

Ngoài ra, sau khi tuyển dụng, giáo viên được hưởng các chế độ, chính sách khác đối với giáo viên theo quy định hiện hành của pháp luật. Về vấn đề này, Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành, đánh giá tình hình thực tiễn, tính khả thi của giải pháp khi triển khai thực hiện.

Theo số liệu thống kê của các địa phương (58 tỉnh, thành phố), dự tính số lượng người có trình độ cao đẳng chuyên ngành để dạy các môn học đề xuất tại dự thảo nghị quyết khoảng 7.200 người.

Theo quy định của Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo: Mức học phí đào tạo trình độ đại học trong giai đoạn từ năm 2024-2030 được dự tính như sau: 15.900.000 đồng/sinh viên đối với năm học 2025-2026, 17.900.000 đồng/sinh viên đối với năm học 2026-2027, 20.138.000 đồng/sinh viên đối với năm học 2027-2028, 22.655.000 đồng/sinh viên đối với năm học 2028-2029 và 25.486.000 đồng/sinh viên đối với năm học 2029-2030.

3C6B1B91-C807-4A4F-8429-B23B9D6B27FC.png

Dự kiến trong 4 năm (từ 2026-2029), có khoảng 7.200 giáo viên có trình độ cao đẳng sau khi được tuyển dụng theo Nghị quyết này sẽ tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn với tổng kinh phí dự tính cần khoảng 145 tỷ đồng trong 4 năm (từ năm 2026-2029) theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Kinh phí này do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật; ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương khi chưa cân đối được ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Tại điểm b khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo: “Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường hợp môn học còn thiếu thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”.

Việc nâng chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 là định hướng phấn đấu và phù hợp với xu thế phát triển, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, là bước đột phá, đổi mới mạnh mẽ nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29/NQ-TW và Nghị quyết số 88/2019/QH14. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp, với yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần phải bổ sung đủ số lượng giáo viên đứng lớp bảo đảm theo thực tế dự báo tăng dân số cơ học và thực hiện giảng dạy các môn học.

Anh Tú